Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, hiện nay nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực ĐLT đã đưa ra những chính sách ưu đãi cũng như các hình thức hỗ trợ linh hoạt cho DN, như: DN kinh doanh có thể thuê ĐLT theo quý, tháng, năm, theo từng lĩnh vực hay mọi hoạt động kê khai, nộp thuế nếu cần thiết; ĐLT sẽ là đơn vị làm dịch vụ khai thuế hộ cho cá nhân và DN, thay mặt người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế như khai, nộp, quyết toán, miễn giảm, hoàn thuế… với cơ quan Thuế.
Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã nêu: Nghiên cứu việc xã hội hóa trong hoạt động cấp phép đối với đại lý thuế, chứng chỉ hành nghề dịch vụ về thuế; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đại lý thuế...
“Nhìn vào số lượng đại lý thuế, người hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ở Việt Nam còn quá ít so với nhu cầu. Nếu không đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, ngành Thuế khó có thể hoàn thành nhiệm vụ” - bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Thực tế ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... trên 90% DN kê khai nộp thuế qua hệ thống đại lý thuế; có nước số người hành nghề cung cấp dịch vụ đại lý thuế còn nhiều hơn cả số nhân viên thuế vụ. Thực hiện khai thuế qua đại lý thuế vừa giảm thiểu chi phí kê khai thuế, vừa giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Lê Hồng Hải, từ thực tiễn cải cách công tác quản lý thuế tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ngành Thuế nhận thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ về thuế thì cần thiết phải xã hội hóa hoạt động này thông qua việc hình thành các tổ chức trung gian, đồng hành cùng cơ quan thuế cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người nộp thuế.
Vì sao DN chưa mặn mà?
Thực tế thời gian qua, các đại lý thuế đã góp phần cùng với cơ quan Thuế giúp cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước được thuận lợi, tiết kiệm thời gian. Đại lý thuế đã thực sự trở thành cầu nối giữa người nộp thuế và cơ quan Thuế.
Tuy nhiên, số DN sử dụng ĐLT còn quá ít, đồng thời số đơn vị hoạt động ĐLT cũng còn rất khiêm tốn.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, đến năm 2014, cả nước mới chỉ có 160 DN kinh doanh trong lĩnh vực đại lý thuế, và trong số hơn 450.000 DN hoạt động/700.000 DN đăng ký thành lập, mới có khoảng 700 DN đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế qua đại lý thuế (chiếm khoảng 0,16% ).
Trước con số thực tế như vậy, đại diện Hội Tư vấn Thuế đã khẳng định, công tác tuyên truyền của cơ quan Thuế tới DN về lợi ích sử dụng ĐLT chưa tốt. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến đại lý thuế phát triển chậm là do hướng dẫn, quy định pháp luật về công tác, trách nhiệm, quyền lợi giữa DN và đại lý thuế chưa thực sự rõ ràng. Hơn thế nữa, độ tin tưởng của người nộp thuế đối với đại lý thuế chưa cao.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, để giải quyết vấn đề này trước hết phải nâng cao nhận thức của cán bộ thuế, người nộp thuế về sự cần thiết, lợi ích do sử dụng dịch vụ đại lý thuế mang lại, giảm thiểu quan hệ trực tiếp giữa cán bộ thuế và người nộp thuế, tạo cơ chế khuyến khích người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế.
Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về pháp luật thuế, tạo một số ưu đãi về mặt thủ tục cho người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế và cơ chế để đại lý thuế tham gia giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng hóa đơn đối với người nộp thuế mới thành lập...
Tìm giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đại lý thuế
(Tài chính) Hiện nay số lượng doanh nghiệp (DN) sử dụng đại lý thuế (ĐLT) và số đơn vị kinh doanh ĐLT còn khá khiêm tốn, vì vậy việc tìm giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này vẫn là vấn đề đang phải quan tâm để đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Cải cách hành chính thuế từ năm 2011- 2020.
Xem thêm