Tìm hướng quản lý đầu tư công trong cơ chế thị trường


Ngày 8/5/2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách “Sửa đổi Luật Đầu tư công – Bàn luận từ những góc nhìn đa chiều”. Sự kiện được tổ chức nhằm thảo luận về thực tiễn triển khai chính sách Đầu tư công từ các góc nhìn khác nhau, đề xuất các giải pháp mang tính xây dựng, có tính thuyết phục với cơ sở lý luận và thực tiễn.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS., TS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Luật Đầu tư công được ban hành vào năm 2014. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật Đầu tư công đã đạt những kết quả tích cực. Cụ thể là đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công... Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, hoạt động đầu tư công vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:

Thứ nhất, cơ cấu vốn đầu tư công chưa hợp lý: Xét về mặt cơ cấu, sau giai đoạn tăng mạnh, chi đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) có xu hướng giảm dần. Tỷ trọng chi đầu tư (gồm tất cả các nguồn) trong tổng chi tiêu công cao nhất là 42% năm 2009, giảm xuống còn 32,4% vào năm 2012 và chỉ đạt hơn 25% vào năm 2018.

Thực tế, từ khi áp dụng luật Đầu tư công năm 2014, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển từ NSNN đã giảm. Tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển giai đoạn 2012-2017 chỉ 6% mỗi năm, thấp hơn nhiều tỷ lệ 17-18% mỗi năm (giai đoạn 2007-2011) và thấp hơn nhiều tốc độ tăng cho chi thường xuyên (đạt trung bình 14% giai đoạn 2012-2016).

Theo GS., TS. Trần Thọ Đạt, tỷ lệ đầu tư từ NSNN giảm là cần thiết, song giảm mạnh và đột ngột chưa hẳn đã tốt, vì chưa có nguồn lực thay thế ngay khoản đầu tư; Vấn đề của Việt Nam hiện nay là cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư nói chung, trong đó có đầu tư của NSNN chứ không phải chỉ là giảm về số lượng…

Thứ hai, quá trình giải ngân đầu tư công hiện nay còn chậm. Tính đến cuối năm 2018, vốn giải ngân đầu tư từ NSNN chỉ đạt 67,6 % dự toán (cùng kỳ 2017 cũng chỉ đạt 70,7 % dự toán).

Thứ ba, hệ thống thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công tồn tại nhiều hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định pháp luật.

Thứ tư, tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công diễn biến phức tạp. Một số quá trình phân bổ vốn đầu tư chưa thực hiện đúng các quy định như: phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, và phân bổ vốn còn dàn trải, thời gian phân bổ kéo dài so với quy định.

Đặc biệt, tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn chưa được xử lý triệt để. Nhiều dự án dở dang, hoặc thời gian thi công kéo dài, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư gây lãng phí và thất thoát nguồn lực.

Những vấn đề còn tồn tại nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công để tăng cường cơ chế chính sách quản lý đầu tư công trong cơ chế thị trường.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 7 sắp tới, Quốc hội khóa XIV cũng sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Đầu tư công 2014. Với góc nhìn của các bên liên quan, tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đầu tư công như: nguyên tắc quản lý đầu tư công, cơ chế chính sách quản lý đầu tư công trong nền kinh tế thị trường, phân cấp quản lý trong đầu tư công... được đưa ra bàn thảo.

Các ý kiến trao đổi đã xoay quanh những vấn đề quan trọng của sửa Luật Đầu tư công như mục tiêu và các nguyên tắc quản lý đầu tư công, cơ chế chính sách quản lý đầu tư công trong nền kinh tế thị trường, phân cấp quản lý trong đầu tư công, chính sách công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý đầu tư công, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội trong đầu tư công...

Trên cơ sở đó giới chuyên gia khuyến nghị: Luật Đầu tư công cần áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm cá nhân, lựa chọn và đánh giá dự án đầu tư công dựa trên các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường của dự án.

Chính sách đầu tư công cũng cần phải khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ những khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương…