Tìm lối thoát cho Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 21/2 đến Brussels, Bỉ, nhằm thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận đề xuất mới của London giúp cứu vãn thỏa thuận Brexit trước nguy cơ đổ bể. Đây được xem là hy vọng cuối cùng của bà May, trong bối cảnh Anh vẫn loay hoay tìm lối thoát cho kế hoạch thoái lui khỏi EU.
Đề xuất mới
Trong chuyến công du lần này, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhằm thuyết phục EU chấp thuận những đề xuất mới của Anh liên quan đến điều khoản “kế hoạch chốt chặn cuối” trong thỏa thuận Brexit.
Kế hoạch của Anh là giành được sự bảo đảm pháp lý của EU rằng các điều khoản nhằm ngăn việc thiết lập đường biên giới “cứng” tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland sau khi Anh ra khỏi EU sẽ không áp dụng vô thời hạn. Đây được xem là hy vọng cuối của chính quyền May nhằm tháo gỡ nút thắt hiện nay trong đàm phán thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU, khi chỉ còn 5 tuần nữa đến thời hạn Anh rời liên minh cờ xanh, bất kể hai bên có đạt được thỏa thuận hay không.
Cho đến nay, mọi giải pháp mà London tính đến nhằm giải quyết tranh cãi về thỏa thuận Brexit đều không khả thi. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond xác nhận, Chính phủ Anh sẽ không theo đuổi việc dàn xếp với EU nhằm thay thế “kế hoạch chốt chặn cuối”, bởi EU đã bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà hai bên đạt được tháng 11.2018. Trong khi đó, cũng không có gì bảo đảm rằng thỏa thuận mới sẽ được Quốc hội Anh thông qua.
Thủ tướng May cũng cho biết, “kế hoạch Malhouse” do Bộ trưởng Nhà ở Kit Malhouse đề xuất nhằm thỏa hiệp với EU về vấn đề biên giới Ireland, sẽ không thay thế “kế hoạch chốt chặn cuối” trong thỏa thuận Brexit.
Trước đó, có nhiều đồn đoán về việc London sẽ thúc đẩy “kế hoạch Malhouse” thay cho các điều khoản gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận. Kế hoạch này đề xuất áp dụng công nghệ và thủ tục hải quan giản lược tại khu vực giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland hậu Brexit, nhằm bảo đảm tự do thương mại tại khu vực này.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Malhouse còn khá mông lung do chưa xác định cụ thể công nghệ nào sẽ được áp dụng tại biên giới Bắc Ireland. Mặc dù vậy, Thủ tướng Anh cho rằng, giải pháp này sẽ vẫn được xem xét trong tương lai, nhằm giúp giải quyết các dàn xếp về thủ tục hải quan giữa Anh và EU tại biên giới Ireland.
Tiến trình Brexit của Anh rơi vào trạng thái mất phương hướng, sau khi Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit ngày 15/1. Hầu hết nghị sĩ phản đối thỏa thuận Brexit do lo ngại điều khoản “kế hoạch chốt chặn cuối” sẽ ràng buộc Anh trong liên minh thuế quan của EU vô thời hạn.
Kế hoạch trì hoãn
Nếu Thủ tướng Anh May và Chủ tịch EC Juncker nhất trí được giải pháp khai thông bế tắc hiện nay, các quan chức của Anh và EU sẽ thảo luận cụ thể các chi tiết mang tính kỹ thuật và pháp lý. Trước thềm chuyến công du của Thủ tướng May đến Brussels, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh Stephen Barclay ngày 18/2 đã tiến hành các cuộc thương lượng với Trưởng đoàn đám phán về Brexit của EU Michel Barnier. Tại đây, ông Barclay một lần nữa cảnh báo, việc Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit sẽ dẫn tới kịch bản Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào; hoặc Quốc hội Anh sẽ nắm quyền quyết định hoàn toàn đối với vấn đề Brexit.
Ngày càng nhiều ý kiến chỉ trích Thủ tướng May đang áp dụng chiến thuật kéo dài thời gian, với hy vọng có thể gây áp lực lên các nghị sĩ Anh phải chấp nhận thỏa thuận Brexit vào phút chót. Bộ trưởng Tư pháp David Gauke, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark và Bộ trưởng phụ trách vùng Scotland David Mundell đã đề nghị Thủ tướng Theresa May ngừng đưa ra cảnh báo nước Anh có thể rời EU không đạt được thỏa thuận nào như là một “chiến thuật đàm phán”. Các Bộ trưởng này cho rằng, giới doanh nghiệp và các nhà sản xuất ở Anh hiện nay rất cần bảo đảm ổn định tương lai.
Trong khi đó, hàng chục cựu Đại sứ Anh đã kêu gọi Thủ tướng Theresa May trì hoãn tiến trình Brexit. Trong bức thư chung gửi Thủ tướng May ngày 13/2, các nhà ngoại giao cho rằng, sẽ là điều tốt nhất cho nước Anh khi trì hoãn Brexit vì cần có thêm thời gian làm rõ các điều khoản trong mối quan hệ giữa Anh với EU, hay khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit lần thứ 2.
Trước lời kêu gọi này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker cho biết: “Nếu Chính phủ Anh yêu cầu gia hạn các cuộc đàm phán về Brexit, không một ai ở châu Âu phản đối điều này”. Tuyên bố của ông Juncker để ngỏ khả năng Anh và EU sẽ trì hoãn tiến trình Brexit nhằm cho phép Chính phủ Anh có thêm thời gian thuyết phục các nghị sĩ, nhất là những thành viên đảng Bảo thủ, ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” với EU.
Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3 tới. Tuy nhiên, Anh có thể yêu cầu gia hạn thời gian đàm phán với việc áp dụng điều 50 các hiệp ước châu Âu. Cả London và Brussels đều mong muốn đạt được thỏa thuận nhằm tránh kịch bản Brexit “cứng”, bởi việc Anh ra khỏi EU khi không đạt được thỏa thuận nào có thể gây ra nhiều xáo trộn cho cả hai bên.