Tìm “thuốc” cho căn bệnh phụ thuộc xuất khẩu

Theo VnEconomy

Trong bài viết tựa đề “Asia’s export dependency has to change” (tạm dịch: “Sự phụ thuộc của châu Á vào xuất khẩu phải thay đổi”) đăng ngày 26/5 trên tờ Financial Times, tác giả David Pilling đã bàn về hướng đi mới cho các nền kinh tế châu Á hướng ra xuất khẩu trong bối cảnh người tiêu dùng ở các nước phương Tây không còn chi tiêu hào phóng như trước.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đang diễn ra đã thúc đẩy người tiêu dùng ở các nước phương Tây vội vã tìm cách làm đầy những tài khoản tiết kiệm bấy lâu gần như rỗng không của họ.

Với tình hình này, liệu các nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu của châu Á có thể thích nghi với một thế giới mà ở đó, người tiêu dùng Mỹ không còn là chỗ dựa?

Cần ưu tiên trong nước hơn ngoài nước

Các nhà kinh tế học đang đặt câu hỏi liệu các quốc gia như Trung Quốc có thể chuyển hướng nền kinh tế sao cho nhu cầu tiêu dùng nội địa trở thành động lực tăng trưởng chính.

“Trung Quốc nên sản xuất hàng hóa cho chính mình, thay vì chỉ chăm chăm tích lũy những tài sản Mỹ như hiện nay”, GS. kinh tế Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế, phát biểu khi nhắc tới kho dự trữ ngoại hối lên tới 2.000 tỷ USD của Trung Quốc - bao gồm một lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ.

Theo Krugman, từ khi tiến hành mở cửa kinh tế cách đây 30 năm, Trung Quốc đã sản xuất một khối lượng hàng hóa khổng lồ, nhưng chỉ một phần trong số hàng hóa này được dùng vào việc nâng cao mức sống của người dân trong nước.

Những gì diễn ra ở Nhật Bản cũng tương tự như vậy. Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của nước này sau Chiến tranh Thế giới thứ hai là kết quả của chiến lược ưu tiên các công ty xuất khẩu thông qua các chính sách tiền tệ, thuế và tiêu chuẩn môi trường, thay vì ưu tiên người tiêu dùng trong nước. Có một sự thật là người Nhật phải mua hàng sản xuất tại Nhật với mức giá cao hơn so với ở các thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản, ở mức khoảng 55% GDP, vẫn cao hơn tỷ lệ tương tự ở Trung Quốc. Theo GS. Yasheng Huang thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ở Trung Quốc, tỷ lệ này đứng ở mức thấp bất thường: 33%. Trong khi đó, ở thời kỳ đỉnh cao của “cơn say” mua sắm của người Mỹ, chi tiêu của các hộ gia đình ở nước này leo lên tới mức 67% GDP.

Biện pháp gì kéo tiêu dùng nội địa?

Vậy tại sao mức tiêu dùng của hộ gia đình ở Trung Quốc lại thấp như vậy, và làm thế nào để kéo con số này lên?

Trong một hội nghị tổ chức mới đây tại Tp.HCM, GS. Krugman đã chỉ ra rằng, lý do chính của tình trạng trên ở Trung Quốc là do mạng lưới an sinh xã hội còn rất mỏng của nước này. Do thực tế “phải dừng ở ngân hàng trên đường tới bệnh viện”, ở Trung Quốc, người dân phải thận trọng, tích lũy cho bản thân và gia đình một lượng tiền tiết kiệm kha khá. Dĩ nhiên, tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi từ hoạt động này.

Cách thức để giải quyết tình trạng trên là phải xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội sâu rộng. Bắc Kinh đã nhận thức được điều này, dù có hơi muộn. Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi 850 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 124 tỷ USD, để tăng cường mạng lưới bảo hiểm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo GS. Huang, việc tăng cường mạng lưới an sinh xã hội có thể chỉ đem lại hiệu quả nhỏ đối với hoạt động chi tiêu. Vị giáo sư này cho rằng, vấn đề ở đây không phải là do tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc cao (theo quan điểm của ông, tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc là bình thường), mà là do thu nhập đi xuống của người dân nước này, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, nơi có 700 triệu người Trung Quốc đang sinh sống.

Huang cho rằng, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã ưu tiên cho vay các doanh nghiệp lớn và các dự án cơ sở hạ tầng mà lơ là các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn - đối tượng đã đóng góp rất nhiều vào việc cải thiện mức sống ở khu vực này trong thập niên 1980.

Theo ông, để đẩy thu nhập của người dân nông thôn lên, cần thực hiện các biện pháp như công nhận các hoạt động tài chính vi mô, hủy bỏ hệ thống đăng ký ở các thành phố không cho phép công nhân đến từ nông thôn được hưởng phúc lợi xã hội, cũng như đẩy nhanh công tác cải cách ruộng đất.

Ông Andy Rothman, một nhà kinh tế học làm việc tại Thượng Hải của quỹ đầu tư CLSA, nhận định, nền kinh tế có quy mô một châu lục của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tạo ra nhu cầu nội địa khổng lồ. Ông cho rằng, thị trường bán lẻ của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục gia tăng với tốc độ khoảng 16% mỗi năm, một phần nhờ các khoản trợ cấp của Chính phủ cho hoạt động mua sắm hàng điện tử và điện lạnh.

Việt Nam và “hiệu ứng Wal-Mart” mới

Nhưng không phải quốc gia châu Á nào cũng có đặc điểm giống như Trung Quốc. Việt Nam là một ví dụ.

Khác với Trung Quốc, Việt Nam thường xuyên chịu thâm hụt thương mại do nhập khẩu các mặt hàng chế tạo và có giá trị gia tăng cao và xuất khẩu nguyên vật liệu thô và những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Là một quốc gia thu nhập thấp điển hình, nhưng ở Việt Nam, khoảng 2/3 đầu ra của nền kinh tế đã được sử dụng cho chi tiêu dùng hộ gia đình, nên hoạt động kích cầu nội địa khó có khả năng đem lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam trong thời kỳ suy thoái này tỏ ra khá vững vàng. Trong khi xuất khẩu của những nền kinh tế như Singapore hay Đài Loan sụt giảm 30-40% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm 3,7%.

Các nhà kinh tế học tin rằng, Việt Nam có thể được lợi từ một “hiệu ứng Wal-Mart” mới, trong đó người tiêu dùng phương Tây chuyển từ những sản phẩm hàng hiệu đắt tiền sang những mặt hàng có giá cả phải chăng hơn mà những quốc gia như Việt Nam có thế mạnh sản xuất.

“Việt Nam không sản xuất iPod hay máy tính xách tay, họ sản xuất áo sơ mi và giày”, ông Jonathan Pincus, một chuyên gia của Đại học Havard, nói.

Krugman cho rằng, những nước như Việt Nam không đủ lớn để ảnh hưởng tới những mất cân đối toàn cầu. Các nước khác như Trung Quốc và Nhật Bản mới chỉ đạt thặng dư cán cân vãng lai cao bất thường từ năm 2002. “Chỉ trong vòng 6 năm qua mới xảy ra tình trạng tích lũy USD kỳ lạ này. Chắc chắn tình hình sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước đây”, ông nói.