Tín dụng 2018: Đâu là "vùng trũng"?
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 tiếp tục đặt ra ở mức khá cao là 17%, sau khi đã đạt 18,17% trong năm 2017. Với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thì nguồn vốn tín dụng năm 2018 có thể rót mạnh vào đâu?
Tín dụng tiêu dùng "lên ngôi"
Trong năm 2017, cơ cấu nguồn vốn tín dụng đã có sự chuyển biến tích cực và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tín dụng rót vào các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng 21,8%, nâng từ 77,8% lên 78,4%. Trong khi đó, với gói cho vay ưu đãi lên đến 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao được đặt ra từ đầu năm thì tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng hơn 18% và chiếm 8,11% tổng dư nợ tín dụng.
Thị trường bất động sản trải qua nhiều đợt tăng nóng trong năm 2017 cũng đã thu hút nguồn vốn rót vào đây. Cụ thể, cùng với nguồn tiền gửi bị rút ra đầu tư vào thị trường này thì tín dụng vào bất động sản và xây dựng tăng 12,2% so với năm 2016, dù vậy tỷ trọng đã giảm từ 17,1% xuống 15,8% do dư nợ ở các lĩnh vực khác tăng cao hơn.
Đáng lưu ý là có rất nhiều khoản vay kinh doanh nhà đất, chứng khoán lại "đứng tên" vay tiêu dùng, do đó con số tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản thực tế có thể cao hơn. Theo số liệu thống kê cho thấy tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 tăng đến 65%, cao hơn mức tăng 50,2% trong năm 2016.
Vì vậy, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng cũng tăng từ mức 12,3% lên 18%. Số liệu chi tiết hơn cho thấy cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2% nhờ vào nhu cầu vay mua xe để chạy Uber và Grab.
Năm 2018: Tín dụng sẽ rót vào đâu?
Với diễn biến trong năm 2017, năm 2018 có thể tiếp tục chứng kiến tín dụng tiêu dùng tăng ở mức cao, do phân khúc này còn rất nhiều tiềm năng nhờ vào dân số đông và cơ cấu dân số trẻ đang trong giai đoạn có sức mua mạnh, trong khi đây cũng là một trong những mảng hoạt động quan trọng của các ngân hàng.
Trong khi đó, thời gian qua Chính phủ đã định hướng chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc từ đầu tư sang xuất khẩu cũng như kích thích tiêu dùng.
Sản xuất, kinh doanh nói chung và 5 lĩnh vực ưu tiên nói riêng là nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục được ưu tiên rót vốn theo như định hướng của Chính phủ, nhất là khi lãi suất cho vay của nhóm này gần đây đã được giảm thêm 0,5%, xuống còn 6%.
Với mức lãi suất giảm về mức thấp như thế sẽ kích thích doanh nghiệp trong khu vực này mạnh dạn vay vốn và phía ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục rót vốn theo yêu cầu của Chính phủ cũng như nhờ vào thanh khoản dồi dào, do đó sẽ phải đẩy mạnh giải ngân.
Trong đó, nguồn vốn được kỳ vọng sẽ ưu tiên đẩy mạnh vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Gần đây cũng đã chứng kiến hàng loạt "ông lớn" nhảy vào thị trường này với hệ thống nuôi trồng khép kín để đón đầu các chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhất là khi Việt Nam có các điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển nông nghiệp và nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu thời gian qua đã tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi trong nước, việc sản xuất thực phẩm còn quá manh mún và liên tiếp đánh mất niềm tin của người tiêu dùng do vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.
Ngược lại, dòng vốn đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán sẽ tiếp tục bị hạn chế, khi mà 2 thị trường này gần đây tăng trưởng quá nóng, có thể có rủi ro bong bóng. Gần đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề nghị nâng tỷ lệ ký quỹ vay margin từ mức 50% như hiện tại lên 60% nhằm hạ nhiệt sự tăng quá nóng của thị trường. Trong khi đó, hệ quả nợ xấu cho vay bất động sản trước đây vẫn còn là "bài học đau đớn" của các ngân hàng, do đó dòng vốn vào thị trường này sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các công trình giao thông BOT, BT cũng bị hạn chế tín dụng, khi mà rủi ro của lĩnh vực này đang ngày càng tăng lên. Đặc biệt thời gian qua các nhà đầu tư công trình giao thông gần như phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.