Tín dụng bất động sản chuyển dịch sang dư nợ người mua nhà
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, sẽ hạ tỷ lệ tối đa huy động nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%, tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên.
Trước vấn đề này, có ý kiến chuyên gia lo ngại những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản, khi cho rằng: hiện, tổng tài sản của các ngân hàng gấp đôi GDP, tín dụng vẫn là nguồn vốn chính cung cấp cho nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn cho bất động sản chủ yếu vẫn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Trong khi đó ở kênh khả dĩ thay thế, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Những lo ngại nói trên không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện thì có thể thấy, NHNN với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và diễn biến của thị trường, trong thời gian qua, NHNN đã có nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro này.
Theo đó, các ngân hàng đã tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân; xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi; đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn; kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào phân khúc bất động sản cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, NHNN đã rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, như: tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản, giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn...
Các giải pháp trên của NHNN không những đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, giúp các chủ đầu tư dự án bất động sản giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, chủ động huy động các nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, các quỹ đầu tư bất động sản…
Hiện nay, chủ đầu tư thực hiện dự án bất động sản đang dùng từ nhiều nguồn khác nhau như vốn của chủ đầu tư, vốn góp hoặc ứng trước của người mua nhà, vốn vay ngân hàng và các nguồn vốn khác.
Thực tế cho thấy, tính đến 31/12/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm dư nợ phục vụ kinh doanh bất động sản và dư nợ không phục vụ kinh doanh bất động sản) có tốc độ tăng trưởng khoảng 30% so với 31/12/2017 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung).
Tuy nhiên, cơ cấu dư nợ tín dụng bất động sản đã chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN là kiểm soát tín dụng kinh doanh bất động sản và hướng tín dụng đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà ở.
Theo đó, dư nợ tín dụng phục vụ kinh doanh bất động sản có tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở của người dân (tỷ trọng tín dụng nhà ở chiếm đến 60% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và đang tăng lên). Việc các ngân hàng chuyển dịch từ cho vay đối với chủ đầu tư sang cho vay người mua nhà góp phần tăng tính thanh khoản của các dự án bất động sản.
Và để thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững hơn, NHNN cũng đang gửi dự thảo sửa đổi Thông tư 36 để lấy ý kiến rộng rãi trieenrb, ngành, hiệp hội bất động sản, doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, NHNN sẽ xem xét quyết định việc thực hiện có lộ trình và tỷ lệ phù hợp, đảm bảo tính minh bạch, an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định.