Tín dụng cho nông dân: Khó từ đâu?
(Tài chính) Vốn đầu tư cho nông nghiệp, tín dụng cho nông dân gặp nhiều khó khăn đang là những thách thức rất lớn để phát triển ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, sự đầu tư về mọi mặt, trong đó có nguồn vốn cho nông nghiệp, chưa tương xứng và đúng tầm với vị trí đóng góp của nông nghiệp trong sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó, vấn đề tín dụng cho nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn do đặc điểm của các dự án trong ngành nông nghiệp thường có tính rủi ro cao, đồng thời tài sản thế chấp của người nông dân thường có giá trị thấp.
Giá trị thế chấp thấp
Ông Ngô Tuấn Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình Dương chia sẻ, hiện nay Thái Bình Dương đang sản xuất, chế biến dăm gỗ và viên nén sinh học thay thế cho than đá từ những loại cây như ngô, mè (sau thu hoạch) để xuất sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Để có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng, công ty phải nhập từ 1-3 dây chuyền trị giá 1 triệu USD/dây chuyền. Hiện tại, đối tác lớn nhất của công ty tại Hàn Quốc có thể đầu tư cho công ty vay vốn từ 30-40% giá trị dây chuyền. Tuy nhiên, số tiền còn lại để vay được vốn ngân hàng là rất khó khăn do Công ty không có tài sản thế chấp, và ngân hàng chỉ cho vay khi Công ty đã có dây chuyền sản xuất.
Mỗi tấn hàng bán với giá 150 USD, sản lượng 10.000 tấn/tháng, nếu có dây chuyền để sản xuất sẽ đem doanh thu về cho Thái Bình Dương gần mà 1,5 triệu USD/tháng. Tuy nhiên, do bế tắc về vốn vay nên Công ty đành “ngậm ngùi” nhìn nguồn lợi nhuận trôi đi từng tháng, ông Thành chia sẻ.
Không chỉ cần vốn để đón bắt cơ hội sản xuất, kinh doanh, mà muốn mở rộng quy mô sản xuất thì vấn đề vốn vay tín dụng cũng đang rất khó tìm lời giải với một số hộ nông dân.
Ông Mai Vũ Hiền, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, Trà Vinh cho biết, hiện nay ông đang có 25 ha trồng cam sành với sản lượng 875 tấn/vụ và đem lại doanh thu gần 14 tỷ/vụ/năm. Sau khi trừ chi phí sản xuất hằng năm ông cũng thu lại từ 500-700 triệu tiền lãi.
Trong năm 2014, ông Hiền đã lên kế hoạch mở rộng thêm 10 ha để trồng cam, nhưng vấn đề vốn vay trở nên vô cùng khó khăn.
Với 25 ha là diện tích đất của cha ông để lại, nên gia đình ông Hiền đã có một nguồn tài sản cơ bản để thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, với mức định giá đất chỉ bằng 20-30% giá đất của thị trường thì số tiền được vay mới đáp ứng được 20% tổng nguồn vốn cho dự án mới.
Bên cạnh đó, dù thâm niên lâu năm, sản xuất hiệu quả tại địa phương, nhưng do tính rủi ro trong nông nghiệp cao (thiên tai, sâu bệnh, rớt giá thị trường…) nên khả năng vay tín chấp cũng không được ngân hàng nào ủng hộ. Vì vậy, dự án mở rộng 10 ha trồng cam của ông Hiền đành… để đấy.
Đó là chưa kể đến các hộ nông dân khác muốn bắt đầu khởi nghiệp, hoặc mới có vài chục công, hay 1-2 ha đất, muốn đầu tư thì khó có thể tính chuyện vay vốn từ ngân hàng, ông Hiền chia sẻ.
Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún
Theo PGS., TS. Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận phía Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp còn hạn chế.
Mặt khác, đầu tư nước ngoài hầu như chưa phát triển mà mới tập trung ở khối tư nhân. Vì vậy, năng lực, quy mô sản xuất của các hộ nông dân còn nhỏ, manh mún và chưa áp dụng các công nghệ cũng như khoa học kỹ thuật, nên năng suất còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, chất lượng sản phẩm không đồng đều dẫn đến khả năng rủi ro trong thâm canh và giá trị sản phẩm chưa cao.
Đó chính là những rào cản làm “tắc dòng chảy” nguồn tín dụng từ các ngân hàng đến với hộ nông dân.
Bên cạnh đó, quy hoạch sản xuất trong nông nghiệp chưa tốt. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hộ nông dân không có chiến lược, định hướng cụ thể dài hạn cho sản xuất. Đơn cử, ở Tây Nguyên bà con phá tiêu trồng cà phê, rồi phá cà phê trồng các cây trồng khác; ở miền Tây chặt bỏ cây ca cao trồng bưởi… Do đó, dự án cho vay để phát triển các loại cây này sẽ trông chờ vào đâu để thu hồi nợ khi tổ chức sản xuất “bấp bênh” như vậy?
Ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank Hóc Môn chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, do lợi nhuận tạo ra từ sản xuất nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, mặt khác, thị trường nông sản hiện nay chưa ổn định từ sản lượng đến giá cả (lúc được mùa, khi mất mùa), bản thân bà con nông dân do thói quen nên chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, vì vậy, ngân hàng cũng rất “quan ngại” trong quá trình rót vốn vào các dự án nông nghiệp.
Bên cạnh đó, việc đánh giá tài sản thế chấp là đất nông nghiệp theo khung giá của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đặc biệt, sự lệ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp từ nhập khẩu (thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống, thực ăn chăn nuôi) cũng là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp và nông dân chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.