Tín dụng nông sản xuất khẩu: Động lực mới cho Tây Nam Bộ

Trọng Triết

(Taichinh) - Hiện, tín dụng cho lúa gạo, tôm, cá, trái cây, đã trở thành động lực đưa nông sản ĐBSCL trở thành mũi nhọn xuất khẩu của cả nước. Rào cản lãi suất cao hiện đã được tháo gỡ nhưng cần chuyển dịch mạnh mẽ từ cho vay thế chấp sang tín chấp và đẩy mạnh bảo hiểm để cải thiện tỷ trọng tín dụng của khu vực này.

Vùng ĐBSCL luôn được xem là vùng xuất khẩu nông sản trọng điểm của nước ta. Nguồn: internet
Vùng ĐBSCL luôn được xem là vùng xuất khẩu nông sản trọng điểm của nước ta. Nguồn: internet

Tín dụng thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Hoạt động xuất khẩu nông sản của đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát sinh từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là từ quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo nhận định của PGS. TS. Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, việc chủ động ký kết thực thi các Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) với một số nước, trong đó, TPP dự kiến mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất nông sản xuất khẩu nhưng cũng đối mặt nhiều rủi ro, thách thức, nhất là sự cạnh tranh của nông sản trong nước với các nước ASEAN, chưa kể các nước có nền nông nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Australia... Ngoài ra, cũng đối mặt các vụ kiện bán phá giá, rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vùng ĐBSCL luôn được xem là vùng xuất khẩu nông sản trọng điểm của nước ta, có được vị thế như vậy phần lớn nhờ vào sự đổi mới về mặt cơ chế, chính sách. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, ngành Ngân hàng trong thời gian qua luôn tập trung hướng dòng vốn cho sản xuất nông nghiệp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho rằng, nhận thức được vai trò quan trọng của các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của vùng đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của khu vực, đặc biệt là các sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Theo số liệu giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, dư nợ tín dụng của vùng ĐBSCL không ngừng gia tăng qua các năm, cụ thể tăng từ 271.556 tỷ đồng năm 2012, lên 302.794 tỷ đồng năm 2013 và 334.146 tỷ đồng năm 2014 (chiếm khoảng hơn 9% so với tổng dư nợ tín dụng của cả nước).

Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến 28/2/2015, huy động vốn cả vùng ĐBSCL đạt 276.043 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm; dư nợ đạt 353.816 tỷ đồng, tăng 1,74%, chiếm khoảng 10%/tổng dư nợ tín dụng cả nước. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 70%, phần còn lại là dư nợ trung, dài hạn; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong vòng 4 năm trở lại đây.

Trong đó, riêng dư nợ “tam nông” (theo Nghị định 41 hiện đang sửa đổi) tính đến 28/2/2015, ước đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm; trong đó, dư nợ sản xuất, tiêu thụ thủy sản, lúa gạo đạt 59.586 tỷ đồng, chiếm 37% dư nợ “tam nông” của vùng. Đây chính là động lực quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu vùng ĐBSCL năm 2014 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,87% so với năm 2013 với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến.

Cũng nhờ nguồn vốn ngân hàng, diện mạo sản xuất kinh tế vùng ĐBSCL đã chuyển biến tích cực và xuất hiện một số mô hình sản xuất hàng hóa, gắn nhà máy chế biến với các vùng chuyên canh nguyên liệu; gắn công nghiệp chế biến với xuất khẩu; tạo nên những thương hiệu lớn của vùng như: Gạo Nàng Thơm, gạo Huyết Rồng Vĩnh Hưng, dứa Bến Lức, thanh long Châu Thành…

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu như dư nợ tín dụng của đồng bằng sông Hồng chiếm 30% tổng dư nợ tín dụng toàn quốc, Đông Nam bộ 37%, Tây Nguyên 4%, Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung 13%, trung du và miền núi phía Bắc 5% thì ĐBSCL chỉ khoảng 10%.

Trong tổng dư nợ của các ngân hàng thì dư nợ trung, dài hạn chỉ chiếm 30%, điều đó cho thấy, sản phẩm của vùng phần lớn vẫn năm ở dạng thô, cần phải gia tăng đầu tư nhà máy chế biến để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng. Từ thực tế này, bà Nguyễn Kim Anh, cho rằng: “Phương thức tổ chức sản xuất tại ĐBSCL vẫn còn quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Đó là lực cản đưa nông nghiệp hướng tới hội nhập, vì thế cần tái cơ cấu đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững”.

Về chính sách tín dụng xuất khẩu, đã có sự điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình thực tế. TS.Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị định số 54/2013/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng cho vay tín dụng xuất khẩu (các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu) và gia hạn thời gian tối đa cho vay từ 12 tháng lên 36 tháng đối với rau quả và thủy sản; Nghị định số 133/2013/NĐ-CP tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay được gia hạn tối đa 36 tháng đối với mặt hàng hạt điều và cà phê (ngoài rau quả và thủy sản). Ngoài ra, lãi suất tín dụng xuất khẩu cũng được điều chỉnh linh hoạt đảm bảo các đối tượng cho vay được hưởng mức lãi suất ưu đãi hơn so với mức lãi suất thị trường.

Theo Thông tư số 189/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính, lãi suất tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 7,2%/năm (tối đa 36 tháng); trong khi đó, mức lãi suất thị trường cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là 9 - 10%/năm (trung và dài hạn). Vốn tín dụng xuất khẩu nhà nước trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL tập trung đầu tư hỗ trợ ngành nghề kinh tế mũi nhọn tại địa phương - TS. Vũ Nhữ Thăng phân tích.

Đồng quan điểm với TS. Vũ Nhữ Thăng, ông Võ Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng phục hồi, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

“NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời NHNN có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn như ưu tiên trong tái cấp vốn và thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên. Thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn thực hiện quy định cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn… Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 7%/năm)’’, ông Tuấn cho biết.

Tín dụng nông nghiệp cần đòn bẩy

Bên cạnh các chính sách chung, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chương trình, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của khu vực ĐBSCL, như: Chương trình cho vay thí điểm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất cho vay ưu đãi từ 7 - 10,5%/năm và mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa trong thời kỳ thu hoạch của nông dân; chính sách tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm; chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh không trả được nợ ngân hàng; chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ....

Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh của vùng thì những kết quả đạt được còn chưa tương xứng, giá trị xuất khẩu các sản phẩm này mới chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu (12,3 tỷ USD trong năm 2014).

Do vậy, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), cần phải ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn và nông nghiệp, đặc biệt tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp, sản xuất vật tư nông nghiệp, dịch vụ khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, bảo lãnh và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, cho nông dân vay mua thiết bị máy móc, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa đối tượng vay (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) trong trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn và chế biến lâm sản.

“Hỗ trợ đa dạng hóa các hoạt động tài chính nông thôn như cho vay, bảo hiểm thiên tai và bảo hiểm sản xuất. Hỗ trợ tín dụng theo chuỗi ngành hàng, lấy doanh nghiệp thu mua, chế biến làm trung tâm. Khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh có vùng nguyên liệu được tổ chức và có hợp đồng nông sản với nông dân.

Doanh nghiệp sử dụng khoản vay để ứng trước vốn, giống, vật tư, thiết bị cho nông dân có hợp đồng nông sản với doanh nghiệp. Nông dân có thể gửi hàng vào kho của doanh nghiệp và nhận giấy bảo lãnh của doanh nghiệp để vay vốn của ngân hàng” - ông Tuấn cho biết.

Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu - Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) cho biết, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của công ty trong những năm qua đó chính là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Hiện công ty đang vay vốn lưu động của một số ngân hàng thương mại với hạn mức hơn 165 tỷ đồng, sử dụng 70 - 80% hạn mức tín dụng.

‘‘Sản lượng hàng năm của công ty khoảng 40.000 tấn các loại sản phẩm dừa, 90% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và EU. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5 triệu USD năm 2010 lên 12,8 triệu USD năm 2014, dự kiến năm 2015 là 30 triệu USD). Các chính sách và nguồn vốn tín dụng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng tích cực đến tất cả các hộ gia đình và doanh nghiệp trên địa bàn” - bà Châu nói.

Địa phương phảichủ động

Theo TS. Khuất Duy Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (NHNN), để thúc đẩy các tổ chức tín dụng mở rộng các sản phẩm dịch vụ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, một trong những việc mà các địa phương cần phải chủ động làm là cần có cơ chế để hình thành các “doanh nghiệp nông nghiệp” mà người nông dân vừa là “công nhân” vừa là chủ sở hữu với tư cách là người góp vốn bằng đất đai. Trong khi đó, đối với các tổ chức tín dụng thì cần có chính sách tạo điều kiện để mở rộng mạng lưới hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nhất là tài chính vi mô các khu vực khó khăn tại ĐBSCL.

Ông Nguyễn Danh Lương, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chi nhánh Vietcombank sẽ tiếp tục xem xét mở rộng mạng lưới và định hướng một số sản phẩm tín dụng mới phù hợp với nhu cầu vốn. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cũng cần phối hợp.

Về phía doanh nghiệp, nếu muốn vay vốn ít phụ thuộc vào tài sản thế chấp thì cần chú trọng nâng cao chất lượng quản trị, duy trì cơ cấu tài chính cân đối, quản lý chặt chẽ dòng tiền và minh bạch trong báo cáo tài chính. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại quốc tế để doanh nghiệp thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng có nhu cầu luân chuyển dòng vốn.

Từ góc độ quản lý ngân hàng tại địa phương, ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng, để tăng cường mở rộng đối tượng cho vay lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng nên có kế hoạch tiếp cận các hợp tác xã kiểu mới. Các hợp tác xã có thể đứng ra vay hoặc bảo lãnh vay cho xã viên. Điều đó sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro, lãi suất cho vay và chi phí giao dịch theo đó sẽ giảm.

Đóng góp thêm cho những giải pháp mở rộng tín dụng nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, một trong những chính sách hỗ trợ cần được các địa phương và bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đó là chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Sau 3 năm (2011 - 2013) đã có khoảng trên 300.000 hộ dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia Chương trình thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Phần lớn các đơn vị và hộ tham gia bảo hiểm đều là những đơn vị có vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, chính sách này cần được đánh giá và hoàn thiện để tiếp tục nhân rộng trong các năm tới.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD - Bộ NN&PTNT), trong thời gian qua một trong những chính sách tín dụng rất hiệu quả mà ngành Ngân hàng làm được đó là chương trình cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo khảo sát của IPSARD tại một số doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL, mặc dù mới triển khai gần một năm nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Hầu hết hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất đều có lợi nhuận cao hơn. Nguồn vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cũng được giải ngân khá kịp thời và hiệu quả.

Ông Tuấn cho rằng, nút thắt của việc cấp tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các đối tượng nông hộ, trang trại là phải làm sao để người dân nhìn thấy có lợi và hứng thú đầu tư. Theo ông Tuấn, hiện nay nếu mỗi hộ ở ĐBSCL chỉ canh tác 1 ha lúa thì dù năng suất và giá bán có đảm bảo lợi nhuận nhiều nhất, mức thu nhập vẫn chỉ bằng 1/3 mức thu nhập trung bình khu vực nông thôn của toàn vùng.

Do vậy, nếu muốn người dân gắn với cây lúa thì phải làm sao để người dân dễ dàng trong việc thuê mướn thêm đất, để mỗi hộ có diện tích canh tác khoảng 3 ha trở lên hoặc liên kết vào các hợp tác xã, doanh nghiệp làm các cánh đồng lớn thì người dân mới hứng khởi và tăng nhu cầu vay vốn.

Theo số liệu thống kê trong 2 năm thực hiện cho vay theo Quyết định số 36 (2011 - 2012) đã có hơn 7.500 hộ gia đình, trang trại được vay vốn hỗ trợ để sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản với lãi suất 2 - 3%/năm. Tổng nguồn vốn mà các tổ chức tín dụng cho vay ước khoảng 3.170 tỷ đồng, trong đó số vốn hỗ trợ lãi suất khoảng 1.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ tính riêng năm 2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn các huyện ven thành phố Hồ Chí Minh đã cho vay theo Quyết định số 13 được gần 570 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế từ khi có Quyết định số 36 đến nay đã có khoảng 12.000 hộ dân được vay vốn, trung bình mỗi hộ vay được từ 300 - 500 triệu đồng.

Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, nhờ sự chủ động của UBND thành phố Hồ Chí Minh trong việc đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tận dụng khá tốt sự giới thiệu khách hàng từ chính quyền cơ sở và các tổ chức hội đoàn.

Với nền tảng có sẵn này, nếu hiện nay chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đối tượng kết nối sang các hộ nông dân thì cơ hội nguồn vốn rẻ tiếp tục đến tay người sản xuất nhỏ sẽ rất rộng mở. Hàng trăm ngàn hộ dân, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng lợi, đồng thời các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có cơ sở để tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn vào khu vực kinh tế tam nông.

Rõ ràng, những nỗ lực của ngành Ngân hàng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của kinh tế vùng ĐBSCL. Kim ngạch xuất khẩu vùng năm 2014 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,87% so với năm 2013 với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ. Nguồn vốn ngân hàng đã làm thay đổi diện mạo của khu vực ĐBSCL, góp phần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của khu vực.