Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp:
Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế
(Tài chính) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 chỉ tăng 1,84% so với năm 2013 - mức tăng thấp nhất trong 15 năm trở lại đây. Như vậy, lạm phát ba năm liên tiếp đã được kiểm soát, chấm dứt chu kỳ tăng giá “2 cao 1 thấp”. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế, tạo điều kiện thực hiện các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển, khuyến khích tiêu dùng.
Chấm dứt chu kỳ “2 cao 1 thấp”
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 đã tiếp tục giảm 0,23% so với tháng 11, nối tiếp xu thế tăng trưởng âm của tháng 11 (- 0,26%). Đây là tháng thứ 3 trong năm 2014 chỉ số giá giảm.
So với tháng 12/2013, CPI mới tăng 1,84% và trung bình năm nay so với năm 2013, CPI chỉ tăng 3,95%. Như vậy, lạm phát năm 2014 chưa bằng một nửa của năm 2013, thấp xa so với mục tiêu lạm phát 5% vừa điều chỉnh của Chính phủ.
Với mức tăng CPI 1,84%, năm 2014 trở thành năm có mức tăng CPI thấp nhất trong vòng 15 năm qua, kể từ năm 2000 với mức âm 0,6%. Trước đó, CPI tăng thấp ở các năm 1996 với 4,5%, năm 1997 với 3,7%, 1999 tăng 0,1%, 2002 tăng 4%, năm 2003 tăng 3%. 4 năm lạm phát tăng dưới 7% là 2006, 2009, 2011 và 2013, trong đó, năm 2013 có mức thấp nhất là 6,04%. Còn lại, CPI các năm khác đều giữ mức rất cao, đỉnh điểm là năm 2008 với 19,89%.
Năm 2014, CPI tăng thấp chỉ bằng 1/4 CPI bình quân năm trong thời kỳ 2002 - 2013 (tăng 9,32%) và là năm thứ ba liên tiếp tăng chậm lại, cho thấy CPI đã thoát ra khỏi chu kỳ “2 cao 1 thấp (2 năm tăng cao, một năm tăng thấp) lặp đi lặp lại trong thời kỳ 2004 - 2011 với tốc độ tăng khá cao (trung bình 11,58%/năm).
Trong 11 nhóm hàng của rổ hàng hóa tính CPI năm 2014, chỉ có 2 nhóm giảm giá mạnh so với năm 2013 là nhà ở vật liệu xây dựng, giảm 1,1% và nhóm giao thông giảm sâu tới 5,24%. Diễn biến này hoàn toàn thuận chiều theo xu hướng giảm giá xăng dầu liên tục theo giá dầu thô. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 12/2014, giá xăng dầu bán lẻ đã được điều chỉnh giảm liên tục 12 lần với mức giảm kỷ lục, khoảng 26 - 29%. Trong năm 2014, các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng giá từ 0,58 % (bưu chính viễn thông) đến 8,25% (giáo dục). Nhóm hàng có quyền số lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,58%, trong đó, lương thực tăng 1,52%, thực phẩm tăng 2,78%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,35%.
Nguyên nhân
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%, thậm chí tháng 12/2014, CPI giảm so với tháng trước trong khi theo quy luật của nhiều năm trước, cuối năm thường là thời điểm CPI tăng cao.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI tăng thấp xuất phát từ việc giảm giá mặt hàng xăng dầu. Giá nhiên liệu trên thế giới xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua (từ mức 110,47 USD/thùng dầu cuối năm 2013 xuống còn dưới 60 USD/thùng). Giá xăng dầu giảm kéo theo giá đầu vào của nhiều loại hàng hóa như vật liệu xây dựng, giao thông… cũng giảm, tuy mức giảm còn ít so với tốc độ giảm giá xăng.
Bên cạnh đó, các yếu tố giữ cho CPI năm 2014 có mức tăng thấp là nguồn cung thực phẩm trong nước dồi dào; giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm 2013.
Nông nghiệp được mùa khiến giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh. Bên cạnh đó, do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (bao gồm cả lương thực, thực phẩm) chiếm quyền số tới 40% trong rổ hàng tính CPI, nên khi giá giảm khiến giá cả chung duy trì ở mức thấp.
Mặt khác, CPI tăng thấp còn do nguyên nhân tâm lý và tập quán của người tiêu dùng đã thay đổi. Việc người dân không mua hàng hóa tích trữ vào thời điểm cuối năm như trước khiến cho giá cả hàng hóa không thể tăng vọt vào các dịp lễ, Tết. Cùng với nguồn cung hàng hóa dồi dào, sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường đã giúp giảm thiểu tình trạng “đội giá” như những năm trước đây, tác động nhất định đến CPI.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2014 sau khi loại trừ yếu tố giá vẫn đạt mức tăng 6,5%, cao hơn các năm 2011, 2012 và 2013 (lần lượt tăng 4,7%, 6,2% và 5,6%), trong khi lạm phát năm 2014 thấp hơn nhiều so với lạm phát của các năm này (lần lượt tăng 18,13%, 6,81% và 6,04%). Như vậy, lạm phát 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mà do những ảnh hưởng thuận lợi từ giảm giá hàng hóa, nhiên liệu trên thế giới và điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt, phù hợp với tình hình của Chính phủ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát năm 2014 thấp bắt nguồn từ nguyên nhân giá cả hạ nhiệt, chứ không phải do nguyên nhân tổng cầu yếu, sản xuất suy giảm. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, kết quả kiềm chế lạm phát mang dấu ấn của việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp. Cụ thể là không tăng giá điện, giảm giá xăng dầu liên tục và mức giảm lớn; trong khi điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt đầu tư công...
Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế
Nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát thấp như hiện nay là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Đối với người tiêu dùng, khi chỉ số lạm phát thấp thì chi phí sinh hoạt không tăng nhiều, khoản tiền thu lợi thực từ tiết kiệm của họ thực sự có ý nghĩa hơn.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, lạm phát giảm là tín hiệu đáng mừng với người dân và doanh nghiệp. Việc giá xăng dầu thế giới giảm mạnh dẫn đến giá xăng dầu trong nước và các loại nguyên nhiên liệu đầu vào cũng giảm là tín hiệu tốt cho sản xuất và nền kinh tế. Ngoài ra, việc lạm phát giảm còn là yếu tố khiến mặt bằng lãi suất liên tục giảm trong suốt năm 2014. Hiện tại, lãi suất đã xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, lạm phát thấp là “món quà quý cho ổn định vĩ mô và đời sống”. Lạm phát ổn định sẽ tạo dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; đồng thời có tác dụng khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam kỳ vọng lạm phát thấp kéo giúp chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp giảm, giảm giá hàng hóa tăng sức mua, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa tốt hơn.
Vẫn nên thận trọng
Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu điều hành lạm phát ở mức 5% để đảm bảo nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (6,2%). Một số ý kiến cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2014 chỉ được coi là thành công trọn vẹn nếu tăng trưởng được cải thiện rõ, nhưng GDP chỉ tăng ở mức 5,98% thì sự thành công chỉ mới một nửa. Lạm phát thấp, trong bối cảnh thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; mô hình tăng trưởng chưa thay đổi, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm…
Hơn nữa, lạm phát thấp không phải do năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được nâng lên, làm cho chi phí sản xuất và giá thành hạ. Thu nhập hạn chế làm người dân thắt lưng, buộc bụng, luồng vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế, nên đã làm giảm sức ép tăng giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện lạm phát thấp như vậy, có thể tính đến việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý để tiếp cận giá thị trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc thời điểm và mức độ điều chỉnh các loại giá, như giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện, xăng dầu… cho phù hợp và tránh tác động cộng hưởng trong cùng thời điểm đến nền kinh tế.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến nghị, cần dự báo và điều hành mục tiêu lạm phát trong thời gian tới một cách chính xác để từ đó có chính sách phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.