Tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế thế giới
Liên Hợp Quốc vừa tuyên bố, nền kinh tế thế giới sẽ khởi sắc hơn trong năm 2021 so với những dự báo được đưa ra trước đó.
Vụ Kinh tế và Xã hội (DESA) của Liên Hợp Quốc ngày 11/5 đã công bố báo cáo cập nhật "Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới năm 2021", trong đó, nâng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế thế giới nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của "hai đầu tàu" là Mỹ và Trung Quốc.
Dự báo của DESA được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thế giới đang đối diện thách thức lớn từ đại dịch Covid-19, hiện vượt ngưỡng 160 triệu ca mắc trên toàn cầu, bao gồm gần 3,33 triệu ca tử vong.
Theo DESA, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 5,4% trong năm 2021, đồng nghĩa với việc tăng trưởng trở lại so với mức giảm 3,6% được ghi nhận vào năm 2020 và cao hơn so với dự báo hồi tháng 1 (4,7%).
Sự thay đổi dự báo của Liên Hợp Quốc dựa trên cơ sở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. DESA nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Trung Quốc từ 7,2% lên 8,2% và của Mỹ từ 3,4% lên 6,2%.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng ở một số quốc gia ở Nam Á, châu Phi cận Sahara cũng như Mỹ Latinh vẫn “mong manh và không chắc chắn”. Nguyên nhân do những chậm trễ trong quá trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại những quốc gia thuộc các khu vực này.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Liên Hợp Quốc Elliott Harris nhận định, tình trạng bất bình đẳng về vaccine giữa các quốc gia và khu vực đang gây ra nguy cơ đáng kể đối với khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vốn đã không đồng đều.
Do đó, việc tiếp cận kịp thời và phổ cập vaccine Covid-19 sẽ đồng nghĩa với sự khác biệt giữa việc chấm dứt đại dịch hoặc mất thêm nhiều năm tăng trưởng, phát triển và cơ hội.
Theo Reuters, Liên Hợp Quốc từ lâu đã đề nghị cung cấp vaccine cho tất cả quốc gia và kêu gọi thêm các khoản tài trợ dành cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhằm mục đích mua 1,8 tỷ liều vaccine vào năm 2021 để bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng trên toàn cầu.
Theo báo cáo của DESA, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đối với nữ giới nhiều hơn khi trong 114,4 triệu người sống ở mức nghèo khó cùng cực chịu tác động của đại dịch thì trong đó 57,8 triệu người là phụ nữ. Ngoài ra, tỉ lệ nữ giới mất đi công việc và thu nhập cũng nhiều hơn so với nam giới.