Tin học - thống kê tài chính: Chặng đường ¼ thế kỷ đáng tự hào

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Hệ thống Tin học Thống kê ngành Tài chính đã trải qua 25 năm, từ một Tổ Nghiên cứu Đề án tổ chức hệ thống tin học ngành Tài chính được thành lập ngày 22/10/1989, đến nay, hệ thống Tin học và Thống kê ngành Tài chính đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tiến trình hiện đại hóa ngành Tài chính, xây dựng nền tài chính điện tử, hướng tới Chính phủ điện tử.

Tin học - thống kê tài chính: Chặng đường ¼ thế kỷ đáng tự hào
Vị trí thứ Nhất trong bảng xếp hạng Vietnam ICT Index năm 2013 và năm 2014 cho thấy những nỗ lực hiện đại hóa ngành Tài chính của Bộ đã được xã hội, cộng đồng ghi nhận. Nguồn: internet

Thành tựu nổi bật

Bước qua chặng đường ¼ thế kỷ, hệ thống Tin học Thống kê tài chính đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, góp phần đưa Bộ Tài chính trong hai năm liên tiếp (năm 2013, 2014) đứng ở vị trí thứ Nhất về “Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam” (Vietnam ICT Index).

Nhân dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính mong muốn: “Hệ thống Tin học, Thống kê ngành Tài chính sẽ ngày càng lớn mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao phó, góp phần đáp ứng các dịch vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và đảm bảo công khai minh bạch trong công tác quản lý, điều hành, tiến tới nền tài chính phát triển không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới”.

Đánh giá về vai trò của Tin học, Thống kê ngành Tài chính trong 25 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ rất sớm, Bộ Tài chính đã xác định việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm hiện đại hóa ngành Tài chính. Trải qua 25 năm, công tác triển khai CNTT trong toàn ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành từ trung ương tới địa phương, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tiến tới xây dựng nền tảng phục vụ Chính phủ điện tử.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã tạo lập được nền tảng CNTT có quy mô vững chắc với hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính, cùng với hệ thống bảo mật, an toàn cũng đã được thiết lập bước đầu đáp ứng yêu cầu của các ứng dụng quy mô lớn.

Hiện nay, hầu hết quy trình nghiệp vụ quan trọng trong hệ thống tài chính đều được ứng dụng CNTT, tạo nền tảng cho việc thực hiện Chính phủ điện tử, bao gồm: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (ITAIS); hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS)...

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã triển khai thành công hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), đây được coi là hệ thống thông tin cốt lõi của ngành Tài chính. Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh triển khai các dịch vụ tài chính công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ và tổng hợp của ngành. Các quy chế, chính sách về CNTT trong ngành đã và đang ngày một hoàn thiện hơn.

Cùng với đó, việc phát triển nguồn nhân lực CNTT của ngành Tài chính luôn được chú trọng. Đội ngũ cán bộ tin học đang từng bước làm chủ các công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của ngành.

Bên cạnh đó, công tác thống kê dự báo của Bộ Tài chính cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Đơn cử như, hệ thống danh mục dùng chung được sử dụng thống nhất trong các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu, công tác kế toán, thống kê và hoạt động nghiệp vụ trong ngành Tài chính để đảm bảo việc tổng hợp, trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.

“Với vị trí thứ Nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam năm 2013 và năm 2014 (Vietnam ICT Index năm 2013 và  năm 2014) cho thấy những nỗ lực hiện đại hóa ngành Tài chính của Bộ đã được xã hội, cộng đồng ghi nhận”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nỗ lực vươn lên

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 được coi là giai đoạn quan trọng của ngành Tài chính, với mục tiêu xây dựng nền tài chính điện tử, đặc biệt, ngày 8/7/2014, Bộ Tài chính đã ra Quyết định 1553/QĐ-BTC ban hành kế hoạch hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT được coi như một phương thức phát triển mới nhằm đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, trong đó, Cục Tin học và Thống kê tài chính sẽ chủ trì xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng CNTT của ngành bao gồm: Hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4.

Trước những nhiệm vụ nặng nề, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu, với vai trò và chức năng của mình, Cục Tin học và Thống kê tài chính và các hệ thống CNTT của ngành Tài chính cần làm tốt vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT và thống kê trong toàn ngành. Bên cạnh đó, hệ thống Tin học, Thống kê tài chính cũng cần tiếp tục củng cố và quy hoạch, đào tạo đội ngũ công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của hệ thống tài chính trong tương lai.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tin tưởng, với nỗ lực vươn lên, bám sát định hướng, hệ thống Tin học, Thống kê tài chính sẽ vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Để làm được điều đó, ngoài học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, các cán bộ, nhân viên làm công tác trong hệ thống Tin học, Thống kê Tài chính cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với công việc. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được những sáng tạo và bước đột phá mới, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT và Chính phủ điện tử trong tương lai.