Mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
Trong ngắn hạn, CSTK có tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới các yếu tố thuộc cơ chế truyền dẫn CSTT. CSTK tác động trực tiếp và gián tiếp lên tổng cầu của nền kinh tế thông qua các quyết định thu, chi hoặc thông qua sự tác động lên lãi suất. Điều đó có xu hướng ảnh hưởng đến tiền lương và giá cả, qua đó tác động lên lạm phát và kỳ vọng lạm phát. Về mặt lý thuyết thì thấy được những ảnh hưởng của CSTK lên các kênh truyền dẫn của CSTT, nhưng trên thực tế rất khó để cụ thể hóa (lượng hóa) rõ ràng ảnh hưởng của CSTK đến CSTT trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, CSTK có thể ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của CSTT rất rõ nét. Nếu một CSTK kém bền vững lâu dài sẽ tác động lên mục tiêu của CSTT. Kỳ vọng thâm hụt ngân sách lớn và liên tục cộng với nhu cầu nợ lớn của Chính phủ có thể giảm lòng tin vào nền kinh tế và gây rủi ro đến sự ổn định của thị trường tài chính. Thiếu niềm tin vào sự bền vững tài chính của Chính phủ có thể trở thành yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn cho thị trường trái phiếu, ngoại hối và thậm chí làm sụp đổ cơ chế tiền tệ.
Ngoài ra, CSTK còn có ảnh hưởng đến dòng chu chuyển vốn quốc tế, qua đó làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát luồng ngoại tệ ra vào đất nước của ngân hàng trung ương, gây rủi ro cho hệ thống tài chính: Chính sách thu và chi tài khóa xây dựng không hợp lý sẽ có tác động tiêu cực tới quá trình phân bổ nguồn lực, điều này sẽ làm tăng rủi ro liên quan đến dòng vốn quốc tế.
Bên cạnh đó, CSTT cũng có ảnh hưởng nhất định đến CSTK: CSTT có mục tiêu chính mang tính trung hạn là ổn định giá cả, giá trị đồng tiền và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc kiểm soát lãi suất và cung tiền. Một CSTT thắt chặt sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư, thu hẹp sản xuất và có thể dẫn đến giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước. Lãi suất tăng hay giảm cũng ảnh hưởng đến giá trái phiếu chính phủ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Tỷ giá tăng (đồng bản tệ giảm) sẽ làm gia tăng khoản nợ chính phủ bằng đồng ngoại tệ quy đổi.
Từ những phân tích này, có thể thấy CSTT và CSTK có sự phụ thuộc lẫn nhau, thay đổi của mỗi một chính sách sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách kia. Hơn nữa, trong thực tế, hai chính sách này lại do 2 cơ quan khác nhau điều hành cho nên cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng để tránh những bất ổn có thể xảy ra. Từ thực tế Việt Nam cho thấy, để đảm bảo tính hiệu quả của sự phối hợp giữa hai chính sách, cần thiết phải có sự phối hợp ở những vấn đề sau:
Một là, cần có sự nhất quán về mục tiêu chính sách nhằm đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô là lạm phát ổn định, tăng trưởng bền vững và tạo nhiều công ăn việc làm. Ở Việt Nam, các mục tiêu chính sách cơ bản đảm bảo sự nhất quán, tuy nhiên vấn đề quan trọng đảm bảo tính hiệu quả của cả hai chính sách khi theo đuổi mục tiêu đó là quyết định lựa chọn đúng CSTT hay CSTK là công cụ chính tác động đến tổng cầu/hoặc liều lượng tác động của từng công cụ đến tổng cầu bao nhiêu là nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng, lạm phát và công ăn việc làm trong từng tình hình kinh tế cụ thể, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát còn tiềm ẩn như hiện nay.
Hai là, phối hợp trong tài trợ thâm hụt ngân sách: Đây là vấn đề rất quan trọng, đảm bảo tính hiệu quả của cả hai chính sách. Một liều lượng hợp lý cho việc bù đắp thâm hụt ngân sách từ hệ thống ngân hàng, từ vay nước ngoài sẽ hỗ trợ, mang lại hiệu quả nhất định cho thực thi CSTK và CSTT. Để đảm bảo sự phối hợp tốt trong việc tài trợ này, thông thường hàng năm các nước phải thiết lập chương trình tài chính quốc gia, chương này là một hệ thống các giải pháp vĩ mô đồng bộ. Trong đó, giữa CSTT và CSTK đã có sự phối hợp với nhau từ khâu lên kế hoạch đến khâu thực hiện. Mặt khác, thay bằng yêu cầu NHNN phát hành tiền trực tiếp thì Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu chính phủ cho NHNN. Trong điều kiện cần tăng cung tiền cho nền kinh tế, NHNN có thể mua trái phiếu chính phủ. Hoặc khi thiếu công cụ điều tiết tiền tệ, chính phủ (thông qua Bộ Tài chính) có thể chủ động phát hành trái phiếu để NHNN mua, điều này vừa tạo thêm cho NHNN công cụ để điều tiết thị trường tiền tệ, qua đó có thể giảm được khối lượng tiền trong lưu thông. Hiện nay, trong vấn đề này sự phối hợp gữa NHNN và Bộ Tài chính còn hạn chế.
Tính hiệu quả của việc phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
Từ những yếu tố nói trên, việc phối hợp giữa CSTT và CSTK phải được thực hiện linh hoạt, thể hiện những mặt sau:
Thứ nhất, phải có sự phối hợp trong phát triển thị trường trái phiếu- cơ sở hạ tầng quan trọng cho việc quản lý nợ công. Thị trường trái phiếu có phát triển thì tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ mới cao, qua đó mà thu hút được các nguồn vốn nhàn rỗi từ các khu vực khác của nền kinh tế. Đồng thời, thị trường trái phiếu chính phủ là nơi tạo ra mức lãi suất dài hạn chuẩn cho thị trường tài chính (vì mức lãi suất này không chứa đựng những yếu tố rủi ro). Trong thị trường này thì vai trò của NHNN rất quan trọng, NHNN góp phần làm tăng tính thanh khoản của thị trường. Trái phiếu chính phủ là một phương tiện quan trọng để NHNN thực thi CSTT. Thông qua việc mua bán trái phiếu chính phủ mà NHNN tác động mạnh, thậm chí chi phối giá cả của trái phiếu trên thị trường. Các tín hiệu thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ cũng tác động mạnh đến giá trái phiếu Chính phủ.
Thứ hai, trong quá trình thực thi, cần tạo ra sự đồng bộ, bổ sung cho nhau: Mục tiêu chính trong điều hành CSTT của NHNN là duy trì giá cả ổn định và hệ thống tài chính lành mạnh, còn Bộ Tài chính có mục tiêu dài hạn là tối thiểu hóa tổn phí tài chính của Chính phủ tính đến những rủi ro liên quan đến việc quản lý nợ. Để theo đuổi hai mục tiêu này, NHNN và Bộ Tài chính trong việc thực thi CSTT và CSTK có sự giao thoa nhất định. NHNN phải kiểm soát được lượng tiền cơ bản (MB) cũng như hoạt động của thị trường tiền tệ. Một trong những mục đích kiểm soát MB của NHNN là duy trì mức tiền cơ sở để đảm bảo được nhu cầu thanh khoản riêng của hệ thống ngân hàng thương mại, ổn định lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ. Trong khi đó, lại có sự khác biệt nhất định giữa nhu cầu thu, chi của Bộ Tài chính và nhu cầu quản lý thanh khoản của NHTW. Các hoạt động giao dịch của Kho bạc Nhà nước (như thu, chi, trả nợ...) và của NHTW (như mua bán ngoại tệ trên thị trường, thực hiện thay đổi dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở...) có thể có những tác động không đồng nhất đối với tiền cơ sở.
Chính vì vậy, sự phối hợp giữa hai cơ quan/hai CSTT và CSTK là hết sức quan trọng. Có ba vấn đề đặt ra ở đây:
(i) Có nên bổ sung một lượng chứng khoán chính phủ (trái phiếu, hoặc tín phiếu kho bạc) cần thiết để làm công cụ thích hợp cho chính CSTT? Đây là việc làm cần thiết để hạn chế sự gián đoạn, phân khúc thị trường và hỗ trợ sự phát triển thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, sự bổ sung này dễ làm thị trường lẫn lộn mục đích tài trợ ngân sách với mục tiêu kiểm soát cung tiền tệ.
(ii) Làm sao có thể giảm thiểu xung khắc giữa việc quản lý nợ của Bộ Tài chính và việc bổ sung chứng khoán chính phủ làm công cụ CSTT? Thời điểm và khối lượng phát hành chứng khoán Chính phủ không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhu cầu của CSTT. Để xử lý vấn đề này, cần có sự trao đổi thông tin đầy đủ và kịp thời giữa Bộ Tài chính và NHNN. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính có thể và cần có khả năng điều chỉnh thời điểm và khối lượng vay cho phù hợp hơn với điều kiện trên thị trường tiền tệ.
(iii) Làm sao có thể giảm bớt hiệu ứng của luồng thu, chi ngân sách (hàng ngày) đối với cân đối tiền mặt của ngân hàng (dao động của cân đối tiền mặt của kho bạc quốc gia tại NHTW có tác động trực tiếp đến tiền cơ sở): Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào việc cải thiện khả năng dự báo của các luồng thu, chi ngân sách và cung cấp thông tin kịp thời. Vì vậy, trong quá trình thực thi CSTK, các khoản thu, chi lớn của Chính phủ nên được thông báo trước với NHNN sẽ hỗ trợ để thực thi CSTT đạt hiệu quả, giúp NHNN dự báo được diễn biến cung tiền để kịp thời điều tiết cho phù hợp với mục tiêu.
Thứ ba, phối hợp trong quản lý nợ công: Kinh nghiệm cho thấy, việc xây dựng một chiến lược nợ nước ngoài của quốc gia để đảm bảo cân đối vĩ mô có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam hiện nay, khi mà mức độ nợ nước ngoài đang ngày càng gia tăng và hiệu quả sử dụng vốn vay còn hạn chế. NHNN có trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối; quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; quản lý việc vay, trả nợ, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế mà NHNN là đại diện và là đại diện chính thức của người vay quy định tại điều ước quốc tế theo phân công, uỷ quyền của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ. Do vậy, NHNN có vai trò quan trọng trong việc tham gia chiến lược quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, trong đó có nợ công của Chính phủ.
Đứng trên giác độ quản lý rủi ro nợ Chính phủ thì sự ổn định tiền tệ, đảm bảo giữ giá trị của đồng tiền quốc gia, hay nói cách khác không để đồng tiền trong nước mất giá, đảm bảo cân bằng cung cầu ngoại tê, giảm tình trạng đô la hóa có ý nghĩa quan trọng không làm gia tăng nợ Chính phủ tính theo đơn vị đồng tiền quốc gia. Vấn đề này là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, trong đó NHNN đóng vai trò quan trọng.
Một số giải pháp phối hợp...
Để đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa CSTT và CSTK ở Việt Nam, một số vấn đề cần được quan tâm thực hiện sau:
Một là, cần quan tâm đến các cân đối vĩ mô (giữa tiêu dùng, tích lũy – đầu tư, cân đối thương mại…). Các cân đối này được đảm bảo ở mức độ hợp lý thì CSTT và CSTK sẽ có sự kết hợp hiệu quả. Nếu những cân đối này trong tình trạng mất cân đối sẽ dẫn đến nhiều hệ quả: lạm phát cao, lãi suất cao, tỷ giá không ổn định, nhập siêu lớn, dự trữ ngoại tệ giảm, hệ thống ngân hàng không ổn định…
Hai là, cần tiền hành nghiên cứu, xây dựng mô hình định lượng và phân tích định tích về khả năng phối hợp giữa CSTT và CSTK trong từng bối cảnh kinh tế cụ thể, để có căn cứ xác định mức độ, liều lượng can thiệp của từng chính sách đến tổng cầu, lạm phát của nền kinh tế.
Ba là, Chính phủ cần có quy định phân công trách nhiệm một bộ chủ trì trong việc thiết lập chương trình tài chính hàng năm và 5 năm (là căn cứ, cơ sở cho các bộ thực thi các chính sách vĩ mô được đồng bộ cả về mục tiêu lẫn giải pháp điều hành).
Bốn là, giữa NHNN và Bộ Tài chính cần có sự hợp tác, phối hợp các vấn đề mang tính kỹ thuật trong quá trình thực thi CSTT và CSTK. Chẳng hạn: Hai cơ quan cần tuyên truyền công khai quan điểm, phát ngôn mang tính chính thức của mình để trấn an tâm lý và giảm kỳ vọng lạm phát, mang tính dẫn dắt và ổn định thị trường; minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình của các bộ. NHNN và Bộ Tài chính cần công khai các nghiên cứu, phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô; Trao đổi chéo để nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho NHNN và Bộ Tài chính.
Năm là, Chính phủ cần quy định trách nhiệm cụ thể trong sự phối hợp chặt giữa NHNN và Bộ Tài chính nhằm giảm ảnh hưởng của tiền gửi chính phủ đến điều hành của NHNN, tạo cho NHNN sự chủ động sử dụng tiền gửi chính phủ như là một cộng cụ điều hành CSTT.
Sáu là, có thể thiết lập Ủy ban phối hợp gồm đại diện Bộ Tài chính, kho bạc nhà nước và NHNN như tư vấn của ngân hàng thế giới (WB) và quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Như vậy, CSTT và CSTK là hai công cụ quản lý kinh tế vĩ mô vô cùng quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Mỗi một chính sách đều có mục tiêu riêng nhưng chung quy lại đều cùng theo đuổi mục tiêu của quản lý kinh tế vĩ mô là tăng trưởng kinh tế bền vững, kiểm soát lạm phát và đảm bảo công ăn việc làm. Do vậy, quá trình thực thi hai chính sách này cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, vừa thực hiện hiệu quả các quyết định chính sách nhằm đạt được mục tiêu đề ra của các chính sách, đảm bảo tính bền vững của các chính sách.
Tài liệu tham khảo:
1. Andrea Doughty (1991) “The Relationship between Fiscal policy and Monetary policy” - Reserve Bank Bulletin, Vol. 54;
2. Paul Hilbers (2005) “Interaction of Monetary and Fiscal Policies” - IMF European Department, International Monetary Fund;
3. Eriko Togo (2007) “Coordinating Public Debt Management with Fiscal and Monetary Policies: An analytical Framework”- Banking and Debt Management Department, The World Bank;
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2013
Tính hiệu quả trong phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa
(Tài chính) Chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Trong đó, mặc dù mỗi một chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng nhưng đều hướng tới một mục đích chung là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Xem thêm