Tình hình giá cả thị trường tháng 11/2014
Trong tháng 11/2014 so với tháng 10/2014, giá một số mặt hàng giảm như: muối ăn, thức ăn chăn nuôi hỗn hợp giảm, giá LPG, xăng dầu. Bên cạnh đó cũng có một số mặt hàng vẫn giữ ổn định như: thực phẩm tươi sống, Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, xi măng, thép xây dựng, giá thuốc.Cụ thể giá một số mặt hàng thiết yếu như sau:
Về lúa gạo: Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tháng 11/2014 tiếp tục ổn định so với tháng 10/2014, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, một số loại thóc chất lượng cao hơn giá phổ biến ở mức 7.500 – 8.500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường dao động ở mức 8.000-13.000 đồng/kg; Tại miền Nam, giá lúa, gạo thành phẩm xuất khẩu tháng 11/2014 giảm so với tháng 10/2014, cụ thể: giá lúa dao động ở mức 5.300-5.750 đồng/kg, giảm khoảng 125 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giá trong khoảng 8.350-8.950 đồng/kg, giảm khoảng 100-500 đồng/kg; loại 25% tấm giá ở mức 7.600-8.050 đồng/kg, giảm khoảng 50-350 đồng/kg.
Nguyên nhân là do nguồn cung khá lớn trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo thấp đã tác động làm giảm giá chào bán gạo thế giới và giá thóc, gạo trong nước.
Thực phẩm tươi sống: Giá các loại thực phẩm tươi sống tương đối ổn định so với tháng trước. Riêng mặt hàng thịt lợn hơi có biến động trái chiều giữa 2 miền. Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi ổn định vào đầu tháng, đến cuối tháng giá bắt đầu tăng nhẹ. Tính chung trong tháng, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc tăng nhẹ trong khi tại miền Nam, giá thịt lợn hơi giảm nguyên nhân là tại các tỉnh phía Nam do nguồn cung dồi dào và ảnh hưởng của thông tin thịt lợn nhiễm chất cấm, bị bơm nước trước khi giết mổ còn tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt lợn hơi tăng nhẹ do thời tiết lạnh, nhu cầu tiêu dùng tăng và các nhà chế biến bắt đầu thu mua, dự trữ để chế biến dịp cuối năm. Cụ thể:
Thịt lợn hơi: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; Miền Nam giá phổ biến khoảng 46.000-48.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg.
Thịt bò thăn: Miền Bắc giá phổ biến khoảng 250.000-260.000 đồng/kg; Miền Nam giá phổ biến khoảng 250.000-265.000 đồng/kg.
Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch phổ biến ở mức 110.000-115.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn ở mức 55.000-60.000 đồng/kg.
Trứng gà công nghiệp phổ biến khoảng 21.000-23.000 đồng/chục; giá trứng vịt khoảng 28.000-29.000 đồng/chục.
Giá một số loại rau, củ, quả ổn định: Bắp cải 10.000-13.000 đồng/kg, khoai tây 15.000-18.000 đồng/kg, cà chua 15.000-18.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá chép, tôm, mực ống… ổn định: Cá chép 70.000-80.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-185.000 đồng/kg; cá quả 110.000-120.000 đồng/kg.
Giá phân bón Urê tháng 11/2014 tương đối ổn định so với tháng 10/2014. Tại Miền Bắc, giá urê trong khoảng 8.300-8.450 đồng/kg; miền Nam, giá khoảng 8.000-8.430 đồng/kg.
Giá bán lẻ đường trên thị trường ổn định so với tháng 10/2014, hiện phổ biến ở mức 18.000-21.000 đồng/kg.
Giá muối trong cả nước có xu hướng giảm so với tháng 10/2014. Cụ thể: Giá muối tại miền Bắc từ 1.300-2.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; tại miền Nam Trung Bộ: giá muối thủ công từ 600-1.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tháng 10/2014, giá muối công nghiệp từ 850-1.100 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; giá muối ổn định tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 1.000-1.700 đồng/kg.
Giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tháng 11/2014 giảm nhẹ so với tháng 10/2014, Cụ thể: giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt phổ biến khoảng 11.100-11.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt phổ biến khoảng 9.900-10.000 đồng/kg, giảm 100-200 đồng/kg.
Giá bán lẻ xi măng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 -1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 -1.850.000 đồng/tấn.
Giá bán lẻ thép xây dựng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động từ 15.400 - 16.000 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam từ 15.300 -15.900 đồng/kg.
Về giá xăng, dầu: Căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá bán xăng dầu trong nước phù hợp, cụ thể: Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 11088/BCT-TTTN ngày 07/11/2014 và công văn số 11747/BCT-TTTN ngày 22/11/2014 về điều hành kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện tăng mức trích Quỹ BOG (từ 300 đồng/lít,kg lên 600 đồng/lít,kg), đồng thời thực hiện 2 đợt giảm giá bán các chủng loại xăng dầu phù hợp với giá cơ sở theo quy định. Hiện giá bán lẻ xăng dầu như sau: Xăng Ron 92: 20.250 đồng/lít; Dầu điêzen 0,05S: 18.650 đồng/lít; dầu hỏa: 19.250 đồng/lít; Dầu madut 3,5S: 15.140 đồng/kg.
Giá LPG thị trường trong nước: Do giá CP trên thế giới giảm mạnh (145 USD/tấn), các doanh nghiệp kinh doanh LPG đầu mối đã điều chỉnh giảm giá bán LPG trong nước, mức giảm từ 39.000 đồng/bình 12kg đến 42.000 đồng/bình 12kg tùy từng doanh nghiệp, áp dụng từ ngày 01/11/2014. Cụ thể giá bán lẻ bình quân đến người tiêu dùng như sau: Khu vực thành phố Hồ Chí Minh giá bình quân 342.500 đồng/bình 12kg, giảm 41.000 đồng/bình 12kg; Khu vực Hà Nội giá bình quân 354.000 đồng/bình 12kg, giảm 39.000 đồng/bình 12kg.
Trong tháng 11/2014, giá vàng trong nước chịu sự chi phối của giá vàng thế giới nhưng với mức độ tăng giảm chậm hơn. Do đó, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng. Giá vàng trong tháng 11/2014 dao động ở mức thấp, xoay quanh mức 35 triệu đồng/lượng. Trước những biến động của giá vàng đã khiến người dân và các nhà đầu tư đều rất thận trọng trong việc mua, bán vàng. Điều này khiến cho giao dịch trên thị trường vàng miếng không thực sự sôi động, dù trong tháng có những thời điểm giá vàng xuống dưới mức 35 triệu đồng/lượng. Cụ thể: Giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dao động lần lượt ở mức 3,543-3,541 triệu đồng/chỉ (đầu tháng), đến cuối tháng, giá vàng giảm nhẹ ở mức 3,526-3,525 triệu đồng/chỉ với mức tăng nhẹ lần lượt là 3.000-4.000 đồng/chỉ.
Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng của đồng Việt Nam so với Đôla Mỹ trong tháng 11/2014, tiếp tục giữ ổn định ở mức 21.246 đồng/USD (áp dụng từ ngày 19/6/2014). Đặc biệt, trong tháng 11/2014, tỷ giá Đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại đã có sự tăng mạnh, lên mức 21.400 đồng/USD, tăng khoảng hơn 100 đồng/USD so với tháng trước.
Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá Đôla Mỹ đầu tháng được niêm yết ở mức mua vào – bán ra 21.255-21.305 đồng/USD, đến cuối tháng, tỷ giá được niêm yết ở mức 21.390-21.405 đồng/USD với cùng mức tăng cả ở chiều mua và chiều bán là 45-100 đồng/USD. Nguyên nhân tác động khiến tỷ giá Đôla Mỹ tăng do: vàng trong nước giảm giá và chênh lệch lớn giữa vàng trong nước và thế giới được nới rộng đã làm tăng nhu cầu USD để buôn lậu vàng. Các doanh nghiệp có nhu cầu gia tăng ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và thời điểm cuối năm và đà tăng giá mạnh của đồng Đôla Mỹ trên thị trường thế giới.
Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 12/2014 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.246 đồng, ổn định so với tháng 11/2014.
Dự báo tháng 12/2014, với dự báo diễn biến giá một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm; tác động theo độ trễ của việc giảm giá xăng, dầu trong tháng 11/2014 và đầu tháng 12/2014 (ngày 22/11/2014 và ngày 6/12/2014); giá cước vận tải có xu hướng giảm, giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng ổn định hoặc giảm như: lương thực, đường, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi, xi măng, LPG... sẽ góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá. Tuy nhiên, trong tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, một số yếu tố mùa vụ có khả năng gây áp lực lên mặt bằng giá như: nhu cầu chuẩn bị hàng hóa cho Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 tăng; sức mua có khả năng thanh toán tăng do đẩy mạnh giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, lượng kiều hối chuyển về tăng; cùng với yếu tố thời tiết (rét đậm, rét hại có thể xuất hiện nửa đầu tháng 12/2014) nên nhu cầu đối với một số mặt hàng (may mặc, mũ nón, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình tăng...). Vì vậy, đề nghị các Bộ ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, bình ổn thị trường giá cả; bảo đảm nguồn cung hàng hoá nói chung, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm...) nói riêng; đáp ứng cho nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm và chuẩn bị cho Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; tiếp tục các chương trình khuyến mại, giảm giá, Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương để bình ổn thị trường, giá cả góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.