Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu tháng 7/2010
Số liệu Thống kê Hải quan mới nhất cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 15 ngày đầu (từ 01/7 đến 15/7) tháng 7/2010 đạt 6,13 tỷ USD, giảm 10,5% so với kỳ 2 tháng 6/2010 (nửa cuối tháng 6). Trong đó, xuất khẩu đạt 2,72 tỷ USD, giảm 17,7% và nhập khẩu 3,41 tỷ USD, giảm 3,8% so với kỳ 2 tháng 6/2010. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7/2010 vẫn tiếp tục ở trạng thái nhập siêu với mức thâm hụt là gần 690 triệu USD. Đến hết kỳ 1 tháng 7/2010, nhập siêu của cả nước là 6,99 tỷ USD, bằng 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu...
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 77,41 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2009. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7/2010 vẫn tiếp tục ở trạng thái nhập siêu với mức thâm hụt là gần 690 triệu USD. Đến hết kỳ 1 tháng 7/2010, nhập siêu của cả nước là 6,99 tỷ USD, bằng 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về xuất khẩu:
Số trong kỳ: kỳ 1 tháng 7/2010 (nửa đầu tháng 7) kim ngạch xuất khẩu đạt 2,72 tỷ USD, giảm 17,7% so với kỳ 2 tháng 6/2010, tương ứng giảm gần 585 triệu USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 1,33 tỷ USD, giảm 6,9%.
Kỳ 1 tháng 7/2010 chỉ có 2 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu tăng trên 20 triệu USD so với kỳ 2 tháng 6 là gạo tăng 31 triệu USD, hàng dệt may tăng 23,4 triệu USD. Còn lại hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại có kim ngạch giảm so với kỳ 2 tháng 6/2010. Cụ thể, đá quý và kim loại quý là mặt hàng có kim ngạch giảm mạnh nhất với tốc độ giảm là 98%, tương ứng với giảm 301 triệu USD về kim ngạch. Đứng thứ hai là dầu thô có lượng xuất khẩu giảm tới 42%, tương ứng với giảm 215 nghìn tấn về lượng và giảm 131,8 triệu USD về trị giá.Tiếp theo là các mặt hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 27,9 triệu USD, sắt thép giảm 22,5 triệu USD, thủy sản: giảm 19,1 triệu USD, giày dép: giảm 18,1 triệu USD,…
Số luỹ kế: kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 7/2010 là 35,21 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 5,41 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu của khu vực các doanh nghiệp FDI là 16,14 tỷ USD, tăng 42,5% (tăng 4,82 tỷ USD về số tuyệt đối).
Số liệu tính toán từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 7/2010 cho thấy nhiều nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng kim ngạch khá cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: hàng dệt may tăng 774 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 594 triệu USD, phương tiện vận tải & phụ tùng tăng 459 triệu USD, gỗ & sản phẩm gỗ tăng 427 triệu USD, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 415 triệu USD, sắt thép tăng 381 triệu USD, cao su tăng 348 triệu USD, dây điện & dây cáp điện tăng 300 triệu USD, hàng thủy sản tăng 252 triệu USD,…
Về nhập khẩu:
Số trong kỳ: số liệu Thống kê hải quan cho thấy kim ngạch nhập khẩu kỳ 1 tháng 7/2010 là 3,41 tỷ USD, giảm 3,8% so với kỳ 2 tháng 6 (tương ứng giảm 136 triệu USD về mặt số tuyệt đối) so với kỳ trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI là 1,52 tỷ USD, giảm 4,9% so với kỳ trước tương ứng với mức kim ngạch giảm là 78 triệu USD.
Những nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với kỳ 2 tháng 6/2010 là sắt thép giảm 62 triệu USD, phương tiện vận tải giảm 26 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm gần 22 triệu USD, thức ăn gia súc & nguyên liệu giảm 17 triệu USD,…
Số luỹ kế: thống kê từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 7/2010, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 42,2 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ 2009, tương ứng tăng 9,35 tỷ USD về mặt số tuyệt đối. Trong đó, trị giá nhập khẩu của khu vực các doanh nghiệp FDI là 17,87 tỷ USD, tăng 54% (tương ứng tăng 6,26 tỷ USD về số tuyệt đối).
Dẫn đầu về tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước là các nhóm hàng như: nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may da giày tăng 1,26 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng hơn 1 tỷ USD, sắt thép các loại tăng 656 triệu USD, kim loại thường khác tăng 637 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 621 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu tăng 564 triệu USD, thức ăn gia súc & nguyên liệu tăng 338 triệu USD, linh kiện & phụ tùng ô tô tăng 326 triệu USD, xăng dầu các loại tăng 320 triệu USD, phương tiện vận tải & phụ tùng: 277 triệu USD,…
Nguồn: Tổng cục Hải quan