Thực tế cho thấy, việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán nhằm đảm bảo các yêu cầu, nguyên tắc của kế toán, đáp ứng được vai trò quan trọng của thông tin kế toán, cũng như tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực kế toán. Xuất phát từ lý do này, bài viết tập trung đi vào một số nội dung cơ bản:

Thứ nhất, tính pháp quy và mô hình tổ chức bộ máy kế toán:

Do tính chất lịch sử từng thời kỳ nên kế toán quản trị hiện nay vẫn chỉ mới mang tính chất hướng dẫn. Cho nên, thời gian tới trong quá trình hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp (DN), nhất thiết phải hoàn thiện các vấn đề liên quan đến kế toán quản trị. Cụ thể, nên quy định tính chất bắt buộc của việc áp dụng kế toán quản trị trong DN. Có như vậy mới đảm bảo được cơ sở pháp lý và độ tin cậy của thông tin cung cấp cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực kế toán.

Do kế toán quản trị chưa là quy định bắt buộc, cho nên với mô hình tổ chức bộ máy kiểm toán tài chính chỉ có 03 mô hình, gồm: Mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung; Mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán; Mô hình tổ chức bộ máy kế toán hỗn hợp. Đồng thời, Bên cạnh đó, do yêu cầu, vai trò của kế toán quản trị ngày càng quan trọng, cho nên đã xuất hiện những vấn đề trao đổi lồng ghép trong tổ chức bộ máy kế toán của kế toán tài chính và kế toán quản trị. Đó là, bộ máy kế toán tài chính tách biệt bộ máy kế toán quản trị; Bộ máy kế toán tài chính lồng ghép bộ máy kế toán quản trị và mô hình hỗn hợp giữa bộ máy kế toán tài chính với kế toán quản trị. Đối với mỗi mô hình sẽ có những ưu điểm, tồn tại nhất định song với việc bắt buộc này sẽ cung cấp thông tin kế toán DN một cách đầy đủ, toàn diện hơn. Qua đó, giúp các quyết định, cũng như các đối tượng thu nhập thông tin có được cách đánh giá trung thực hơn về thông tin kế toán của DN.

Thứ hai, nội dung tổ chức công tác kế toán:

Về khâu thu nhận thông tin: Có thể khẳng định, khởi nguồn của công tác kế toán, đó là khâu thu nhập thông tin, việc thu nhập thông tin của kế toán thông qua hệ thống chứng từ kế toán. Đối với hệ thống chứng từ kế toán tài chính thì theo Quyết định 15/2006/QĐ - BTC đã có hệ thống chứng từ bắt buộc và hệ thống chứng từ hướng dẫn, còn đối với kế toán quản trị thì các chứng từ không quy định bắt buộc và do DN tự thiết kế, đáp ứng được yêu cầu thu nhận thông tin. Do vậy, cần đồng nhất hệ thống chứng từ, để kế toán quản trị và kế toán tài chính đều áp dụng hệ thống chứng từ (bắt buộc và hướng dẫn) sẽ thuận lợi, tiết kiệm cho việc thu nhập thông tin kế toán, tức là chỉ cần thu nhận một lần ngay từ ban đầu.

Về xử lý thông tin: Đây là khâu tiếp theo của khâu thu nhận thông tin; phân loại và sử dụng các phương pháp kế toán như phương pháp tài khoản, phương pháp tính giá... để tiếp tục ghi nhận các thông tin kế toán vào các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết, các báo cáo kế toán... Đặc điểm thông tin kế toán tài chính chủ yếu là những thông tin biểu hiện dưới hình thức giá trị và là thông tin quá khứ (đã xảy ra) và thông tin hiện tại (ghi nhận); Còn đặc điểm thông tin kế toán quản trị biểu hiện dưới các hình thức giá trị, hiện vật, thời gian và là những thông tin quá khứ, thông tin hiện tạo và thông tin tương lai (dự đoán, lượng hóa các vấn đề tương lai). Do đó, dựa trên cơ sở này, sẽ tiến hành thiết kế, xây dựng hệ thống sổ kế toán, báo cáo kế toán đáp ứng được cả yêu cầu này.

Thông qua các phương pháp phân tích (kết hợp cả yếu tố định lượng), những con số “câm” sẽ trở thành những con số “biết nói” và trở thành thông tin hữu ích cho việc quản lý, điều hành và ra quyết định của doanh nghiệp.

Ví dụ, chi phí sản xuất chung phát sinh trong quá trình sản xuất sản phẩm là một khoản mục chi phí theo cách phân loại theo khoản mục (dưới góc độ kế toán quản trị), nhưng được phân thành biến phí và định phí (dưới góc độ kế toán quản trị). Kế toán tài chính và kế toán quản trị lồng ghép quy định phần biến phí sản xuất chung trong kỳ được tính hết vào giá thành sản xuất sản phẩm, còn phần định phí sản xuất của chi phí sản xuất chung do máy móc hoạt động dưới công suất (phần lãng phí, vượt định mức) thì không được tính vào giá thành sản phẩm mà phải tính vào chi phí trong kỳ. Qua minh họa trên, ta thấy mặc dù có những cách tiếp cận ban đầu về chi phí Sản xuất chung khác nhau nhưng kế toán tài chính và kế toán quản trị đều có điểm “hội tụ” chung về cách xử lý phần chi phí vượt định mức.

Về phân tích và cung cấp thông tin: Đây là khâu cuối của quy trình tổ chức công tác kế toán. Các báo cáo kế toán được dựa trên sự tính toán số liệu quá khứ, hiện tại và ghi nhận, nhưng những báo cáo này sẽ có hữu ích khi nó được phân tích nhằm mục đích cung cấp cho các đối tượng quan tâm. Việc phân tích phải dựa trên các phương pháp phân tích theo chiều dọc, chiều ngang, thay thế liên hoàn, so sánh... Nghĩa là thông qua các phương pháp phân tích (kết hợp cả yếu tố định lượng) thì những con số “câm” sẽ trở thành những con số “biết nói” và trở thành thông tin hữu ích cho việc quản lý, điều hành và ra quyết định. Điều đó cho thấy việc cần thiết phải ban hành hệ thống Báo cáo kế toán quản trị mang tính chất pháp quy bên cạnh hệ thống báo cáo tài chính hiện nay. Như vậy mới có thể chuẩn hóa được nội dung công tác kế toán quản trị cũng như giá trị pháp lý của thông tin kế toán quản trị.

Thứ ba, một số nội dung cơ bản kế toán quản trị:

Mặc dù chưa có nhiều văn bản pháp quy quy định về kế toán quản trị (hiện mới chỉ có ở Luật Kế toán trình bày khái niệm kế toán quản trị và Thông tư 53/2006/ TT - BTC hướng dẫn về kế toán quản trị) nhưng theo các tài liệu giữa các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước như Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thương mại... và các tài liệu tham khảo bên ngoài thì nội dung kế toán quản trị vẫn chưa có sự đồng nhất giữa các cơ sở đào tạo. Cùng với vai trò ngày càng quan trọng của kế toán quản trị cũng như với sự hội nhập kinh tế quốc tế và lộ trình hoàn thiện hệ thống kế toán Việt Nam (cả về mặt lý luận, thực hiện và thi, chuyển đổi các chứng chỉ), chúng tôi cho rằng cần thiết phải thống nhất các nội dung cơ bản của kế toán quản trị (giống như kế toán tài chính). Với các quy định pháp quy thống nhất trên, các cơ sở đào tạo, các nhà nghiên cứu mới có cách tiếp cận phù hợp theo những nội dung cơ bản sau:

(1) Hiểu về hệ thống thông tin kế toán nói chung và thông tin kế toán tài chính, thông tin kế toán quản trị nói riêng, mối quan hệ;

(2) Kế toán quản trị các phần hành: Hàng tồn kho, Tài sản cố định, doanh thu, lao động - tiền lương...;

(3) Kế toán quản trị liên quan chi phí sản xuất, phân loại chi phí sản xuất;

(4) Kế toán quản trị liên quan giá thành sản xuất, phân loại giá thành, các phương pháp tính giá thành;

(5) Kế toán quản trị định giá bán sản phẩm và mối quan hệ C - V – P (chi phí – khối lượng – lợi nhuận);

(6) Kế toán quản trị lựa chọn các phương án trong ngắn hạn;

(7) Kế toán trách nhiệm và các trung tâm trách nhiệm;

(8) Lập dự toán trong Kế toán quản trị;

(9) Báo cáo Kế toán quản trị: Các báo cáo chi phí sản xuất, các báo cáo về giá thành sản xuất, các báo cáo về lựa chọn phương án, các báo cáo về kế toán trách nhiệm...

Tóm lại, cùng nằm trong hệ thống thông tin kế toán nhưng vai trò và tính chất của kế toán quản trị hiện vẫn chưa mang tính bắt buộc và có giá trị pháp lý cao. Do đó, cùng với quá trình cải cách hoàn thiện hệ thống kế toán cũng như yêu cầu hội nhập sâu rộng, nhất thiết những vấn đề liên quan đến kế toán quản trị cần phải được mang tính chất bắt buộc và thống nhất, cho dù lộ trình này có thể là dài hay ngắn.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính, Quyết định số 15/2006/QĐ - BTC ngày 20/03/2006;

2. Bộ Tài chính, Thông tư số 53/2006/TT - BTC ngày 12/06/2006;

3. Các website: www.tapchitaichinh.vn, www.vneconomy.vn...

Tổ chức thông tin kế toán trong các doanh nghiệp hiện nay

ThS. LÃ THỊ THU - Đại học Hồng Đức

(Tài chính) Thông tin kế toán nói chung và thông tin kế toán tài chính, thông tin kế toán quản trị nói riêng là rất cần thiết đối với chủ doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tổ chức hệ thống thông tin kế toán này như thế nào để đảm bảo các yêu cầu, nguyên tắc của kế toán cũng như đáp ứng được vai trò quan trọng của nó?

Xem thêm

Video nổi bật