Toàn cảnh BIDV trước ngày “lên sàn”

(Tài chính) Theo bản cáo bạch cho biết, năm 2015, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) dự kiến thực hiện phát hành thêm cho nhà đầu tư chiến lược 4.813 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược lên mức 25%.

Toàn cảnh BIDV trước ngày “lên sàn”
BIDV dự kiến thực hiện phát hành thêm cho nhà đầu tư chiến lược 4.813 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược lên mức 25%. Nguồn: internet

Ngày 16/1/2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã cấp quyết định cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết cổ phiếu. Theo dự kiến ngày 24/1/2014, cổ phiếu BIDV sẽ chính thức giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu là 18.700 đồng/cổ phiếu.

Quy mô "đại gia"

Tiền thân là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, BIDV được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với chức năng ban đầu là cấp phát và quản lý vốn kiến thiết cơ bản từ nguồn vốn ngân sách phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ngày 27/4/2012 Ngân hàng BIDV chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam với số vốn điều lệ là 23.012 tỷ đồng.

Đến ngày 6/8/2013, Ngân hàng BIDV tăng vốn điều lệ lên 28.112 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.

Bản cáo bạch của BIDV cho biết, trong cơ cấu cổ đông nắm vốn BIDV hiện nay, gần 96% vốn cổ phần thuộc sở hữu của của Nhà nước và 4,23% vốn của cổ đông khác.

Về mạng lưới hoạt động của BIDV tính đến thời điểm 30/09/2013, ngoài Hội sở chính, BIDV có 118 chi nhánh, 463 phòng giao dịch, 105 quỹ tiết kiệm, 1.297 máy ATM và trên 7.000 máy POS... BIDV có 5 Công ty bao gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC), Công ty cho thuê tài chính TNHH Một thành viên BIDV (BLC), Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV (BAMC), Công ty TNHH BIDV Quốc tế tại Hong Kong (BIDVI).

Khối liên doanh, BIDV có 6 đơn vị liên doanh: Ngân hàng liên doanh VID Public Bank (VPB), Ngân hàng liên doanh Việt-Nga (VRB), Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Việt Nam Partners (BVIM), Ngân hàng liên doanh Lào – Việt (LVB), Công ty liên doanh Tháp BIDV, Công ty liên doanh Bảo hiểm Lào-Việt (LVI).

Khối các đơn vị liên kết gồm Công ty Cổ phần Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC), Công ty Cổ phần Phát triển Đường cao tốc BIDV (BEDC).

Tình hình kinh doanh


BIDV cho biết, tổng nguồn vốn huy động tại 31/12/2012 và 30/09/2013 lần lượt là 398.876 tỷ đồng và 445.902 tỷ đồng. Mức huy động vốn năm 2012 tăng trưởng 20,66%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trong năm 2011 là 9,65%.

Đến cuối năm 2012, BIDV có tổng dư nợ tín dụng đạt 339.923 tỷ đồng (bao gồm cho vay bằng nguồn vốn ODA, ủy thác), tại thời điểm 30/09/2013 là 373.205 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp, BIDV là một trong các ngân hàng có thị phần dư nợ tín dụng lớn nhất tại Việt Nam.

Theo Bản cáo bạch, thời điểm 30/9/2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 2,54%. Đặc biệt, trong cơ cấu tổng dư nợ tín dụng của BIDV, 88,69% thuộc nhóm Nợ đủ tiêu chuẩn, tỷ lệ nhóm nợ cần chú ý giảm ở mức 8,77%.

BIDV cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2013 của ngân hàng đạt 5.233 tỷ đồng, tăng 21% năm trước; tổng tài sản đạt 550.000 tỷ đồng, tăng 12% năm trước; tăng trưởng tín dụng đạt 16,7%;nợ xấu đến cuối năm 2013 ở mức 2,3%.

Hoạt động đầu tư góp vốn của BIDV chủ yếu là tập trung trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. BIDV hiện đang góp vốn vào 05 công ty con (trong đó, 3 công ty con BIDV nắm giữ 100% vốn, 2 công ty con BIDV nắm trên 80% vốn) và 06 công ty liên doanh, 2 công ty liên kết.

Đối với các khoản đầu tư khác, mục tiêu đầu tư của BIDV là đầu tư dài hạn, thông qua việc góp vốn thành lập công ty với tư cách là cổ đông sáng lập để triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản, viễn thông, hàng không, tài nguyên - khoáng sản…, tham gia là cổ đông chiến lược, mua cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa. Ngoài ra, BIDV còn cung cấp dịch vụ ngân hàng, tài chính ra ngoài lãnh thổ Việt Nam như tại Lào và Campuchia.

Ngoài ra, BIDV tập trung vào đầu tư chứng khoán trong đó chủ yếu là các công cụ nợ có lãi suất cố định như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Kho bạc Nhà nước, trái phiếu Chính quyền địa phương... Danh mục chứng khoán bao gồm chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư. Tại thời điểm 30/09/2013, số dư chứng khoán kinh doanh là 2.413 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng giảm giá).

Hoạt động kinh doanh chứng khoán của BIDV được thực hiện thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC. Tổng tài sản của BSC cuối quý 3 năm 2013 là 2.006,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 9,2 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận và cổ tức


Theo Nghị quyết ngày 3/1/2014 của Hội đồng quản trị BIDV, định hướng các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh chủ yếu năm 2014: lợi nhuận trước thuế: tối thiểu 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu: <2,6%, ROA: 0,78%, ROE: 13,3%, tỷ lệ chi trả cổ tức 8% - 9%.

Kế hoạch tiếp theo, BIDV xây dựng lộ trình tăng vốn đến năm 2015 theo hướng giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống không thấp hơn 65% vốn điều lệ và tăng tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư chiến lược lên mức tối đa 25% vào năm 2015.

Toàn cảnh BIDV trước ngày “lên sàn” - Ảnh 1

( Nguồn: BIDV)

Vốn điều lệ dự kiến tăng từ các nguồn như sau: tăng từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Cụ thể, năm 2014 dự kiến thực hiện phát hành tăng vốn từ nguồn cổ tức là 93 tỷ. Đồng thời, tăng từ việc phát hành thêm cổ phiếu: việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược nước ngoài theo lộ trình đến năm 2015 tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống còn khoảng 72%, tỷ lệ sở hữu của cổ đông trong nước là 3% và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 25%.

Cũng theo bản cáo bạch cho biết, năm 2014, BIDV dự kiến thực hiện 2 đợt phát hành tăng vốn:

Đợt 1: Phát hành cho các cổ đông hiện hữu 2.483 tỷ đồng vào khoảng quý I hoặc Quý II năm 2014

Đợt 2: Phát hành cho Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài 5.416 tỷ đồng vào quý IV năm 2014 với tỷ lệ phát hành 15%.

Năm 2015, BIDV dự kiến thực hiện phát hành thêm cho Nhà đầu tư chiến lược 4.813 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư chiến lược lên mức 25%.