"Tối màu" lợi nhuận ngân hàng

Theo Đầu tư Chứng khoán

Sự thấp điểm bất ngờ của quý I năm nay, theo lãnh đạo các nhà băng, báo hiệu một năm hoạt động nhiều thách thức của hệ thống ngân hàng.

"Tối màu" lợi nhuận ngân hàng
Quý I, Eximbank tăng trưởng tín dụng âm, dù giảm mạnh lãi suất cho vay
Chủ tịch Hội đồng Quản trị một ngân hàng vừa cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho cả năm nay chỉ bằng mức thực hiện của năm trước là 300 tỷ đồng, song trong quý I chưa thực hiện được 10% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2012, chỉ tiêu lợi nhuận được ngân hàng trên đưa ra ở con số 500 tỷ đồng (trước thuế), song do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều khi nợ xấu tăng lên, nên sau trích lập, lợi nhuận đạt được chỉ còn hơn phân nửa và đương nhiên, tỷ lệ cổ tức cũng cắt giảm.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhà băng sụt giảm trong quý đầu năm nay chính là tín dụng không tăng trưởng. Các ngân hàng cho biết, không phải đến ngày 26/3 - khi trần lãi suất được điều chỉnh về 7,5%/năm, lãi suất cho vay mới giảm xuống, mà trước đó, để thu hút được khách hàng vay vốn, nhiều nhà băng đã chủ động giảm lãi suất cho vay.

Cụ thể, tại Eximbank, lãi suất tài trợ xuất khẩu chỉ còn 8 - 9%/năm và thậm chí, ngân hàng này còn triển khai gói vốn cho nhà xuất khẩu vay bằng tiền đồng, lãi suất chỉ 7%/năm.

ACB cũng giảm mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, dao động còn 10 - 11%/năm. Còn với khách hàng cá nhân vay mua nhà, vay sản xuất - kinh doanh…, lãi suất trung bình của ACB từ 11,5 - 12,5%/năm.

Thế nhưng, theo lãnh đạo các nhà băng này, tín dụng trong quý đầu năm nay không tăng trưởng. Thậm chí, tại Eximbank, tăng trưởng tín dụng còn âm. Trong khi đó, rủi ro nợ xấu vẫn rất lớn do DN không tiêu thụ được hàng hóa, mất khả năng trả nợ vay, nên ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro. Vì thế, lợi nhuận thu về của các nhà băng sụt giảm là điều không khó để nhận ra.

Kể cả với nhà băng lớn như Eximbank vốn có thế mạnh trong việc tài trợ vốn cho DN xuất nhập khẩu, nhưng ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng cho biết, lợi nhuận quý một năm nay chưa đạt 9% kế hoạch cả năm, trong khi trung bình cùng kỳ các năm trước đã thực hiện được ít nhất khoảng 20% kế hoạch năm.

Eximbank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2013 ở mức 3.200 tỷ đồng (thấp hơn chỉ tiêu năm 2012 ở mức 4.600 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt được 2.828 tỷ đồng), song theo ông Dũng, áp lực cho năm nay sẽ rất lớn. Bởi lẽ, hiện ngoài tín dụng, nguồn thu từ các mảng hoạt động dịch vụ (vàng, ngoại tệ…) sụt giảm mạnh.

Sacombank cho biết, tính đến hết ngày 31/1, Ngân hàng đã đạt 275 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tổng huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 4,8%, dư nợ cho vay tăng 1,8%, tổng tài sản tăng 3,2% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,96% tổng dư nợ. Sacombank hiện có vốn chủ sở hữu 13.347 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 10.740 tỷ đồng. Năm 2013, Sacombank có kế hoạch đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 21%. Dư nợ cho vay tăng 17% và tổng tài sản tăng 12% so với năm 2012. Sacombank dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 23.300 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 15.835 tỷ đồng.

Thế nhưng, lũy kế đến cuối tháng 3, lợi nhuận của Sacombank cũng không hoàn thành chỉ tiêu đưa ra. Theo một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng, con số lợi nhuận cụ thể quý I sẽ được công bố trong kỳ đại hội cổ đông thường niên của Sacombank diễn ra vào ngày 25/4 tới.

Đối với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 được đưa ra ở mức 3.200 tỷ đồng, vị lãnh đạo trên của Sacombank cho biết, áp lực sẽ không nhỏ. Vì thực tế, tín dụng không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, cho dù Ngân hàng đã nỗ lực kích cầu vốn. Trong 3 tháng đầu năm, Sacombank đã đưa ra nhiều gói vốn ưu đãi, chẳng hạn gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho cá nhân mua nhà, tiêu dùng lãi suất 12%/năm, song kết thúc quý I/2013, tăng trưởng dư nợ tại Sacombank chỉ đạt mức thấp.

Bức tranh lợi nhuận quý I/2013 của các ngân hàng sẽ dần được hé lộ trong tháng 4 khi mùa đại hội cổ đông thường niên diễn ra. Tuy nhiên, chắc chắn các nhà băng nhỏ sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra thông tin về lợi nhuận. Đáng chú ý là những ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc theo chủ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước còn không dám kỳ vọng nhiều vào chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2013, chứ không chỉ quý đầu năm.

Đơn cử, SCB trong năm qua đạt 82 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, theo ông Lê Khánh Hiền, Tổng giám đốc SCB, mục tiêu của Ngân hàng hợp nhất SCB trong năm nay vẫn là thực hiện việc tái cơ cấu theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trong thời gian từ năm 2012 - 2014. Vì thế, lợi nhuận đạt được trong hoạt động là điều đáng mừng đối với SCB, nhưng Ngân hàng không dám kỳ vọng vào mục tiêu lợi nhuận cao, nhất là trước bối cảnh thị trường năm 2013 được đánh giá còn khó khăn.

Hầu hết ngân hàng khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán đều cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu của năm ngoái. DaiA Bank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 là 400 tỷ đồng, thấp hơn 200 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2012; OCB dự kiến trình đại hội cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 ở mức trên 300 tỷ đồng, ngang bằng với mức thực hiện của năm 2012, nhưng thấp hơn mục tiêu đưa ra cho năm 2012 là 500 tỷ đồng...

Lãnh đạo các nhà băng thừa nhận, năm 2013, họ không thể kỳ vọng chỉ tiêu lợi nhuận cao, nhất là khi nợ xấu vẫn theo xu hướng tăng khiến các khoản trích lập dự phòng khó giảm. Kế hoạch khả thi nhất vẫn là ổn định hoạt động ngân hàng và hạn chế phát sinh nợ xấu mới.