Tội phạm tấn công ngân hàng ngày càng gia tăng
Lĩnh vực ngân hàng luôn là mục tiêu đặc biệt chú ý của các loại tội phạm khủng bố, tội phạm hình sự, tội phạm rửa tiền và tội phạm có tổ chức.
Thông tin tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống khủng bố ngành ngân hàng tổ chức ngày 16/5 cho thấy, số vụ cướp ngân hàng tại Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây với tổng số 15 vụ. Riêng trong tháng 1/2019 đã phát sinh thêm 2 vụ cướp tại Agribank Thái Bình và BIDV Hạ Long, cho thấy xu hướng tăng nhanh về số lượng vụ cướp.
Báo động về cướp nhà băng
Đại tá Phạm Văn Uông, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), cho biết ở Việt Nam chưa xảy ra các vụ tấn công khủng bố do các tổ chức quốc tế thực hiện nhằm vào ngân hàng, nhưng hằng năm xảy ra hàng chục vụ liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các ngân hàng. Đáng chú ý, những sự việc này có phương thức hoạt động giống như tấn công khủng bố và ngày càng phổ biến, phức tạp hơn.
Có thể kể đến vụ đe dọa khủng bố, tống tiền xảy ra tại Techcombank vào tháng 4/2009. Đối tượng đã tìm cách tiếp cận ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, rồi nhắn tin, gọi điện nói đang giữ một đĩa CD liên quan đến cá nhân của ông này và xin được gặp.
Khi ông Anh đồng ý gặp đối tượng này tại trụ sở Techcombank, vừa vào phòng, đối tượng đóng cửa và nói trong cặp của mình có chứa một quả bom và yêu cầu ông Anh phải đưa hơn 2 tỷ đồng để đảm bảo mạng sống và cho biết có người thuê giết ông Anh. Chủ tịch Techcombank đã đưa 500 triệu đồng và đối tượng đã bỏ trốn, sau đó bị cơ quan công an bắt và tuyên phạt 19 năm tù giam vì tội cướp tài sản.
Hay ở một số vụ việc khác, đối tượng phạm tội sử dụng tiện ích công nghệ thông tin, dịch vụ mạng để học và sản xuất, sử dụng bom mìn như vụ cướp HDBank ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai ngày 1/9/2017; vụ cướp Vietcombank chi nhánh thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa ngày 5/9/2018 và ngày 13/10/2018.
Ngoài các vụ cướp tại chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, các đối tượng còn lựa chọn tấn công các máy ATM, do yếu tố dễ bị công phá, dễ sơ hở, đặc biệt là vị trí xa trụ sở giao dịch. Liên tiếp xảy ra những vụ đập phá ATM, khiêng cả ATM đi hoặc cướp giật của người vừa rút tiền tại ATM, không loại trừ ngân hàng nào…
Gần đây nhất, ngày 13/10/2018, vụ thu giữ 10 thỏi thuốc nổ ở hai cây ATM của SHB tại Uông Bí, Quảng Ninh. Sự việc đang được Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, làm rõ.
Theo các chuyên gia, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cũng như tiếp cận thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới cho các ngân hàng, việc lưu chuyển nguồn tiền giữa các nước trở nên dễ dàng hơn.
Vì vậy, các đối tượng khủng bố ở nước ngoài sẽ triệt để thông qua hệ thống ngân hàng để chuyển tiền, rửa tiền và tài trợ khủng bố bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, rất khó kiểm soát, khó phát hiện thông qua việc hợp thức hóa nguồn tiền bằng các hợp đồng mua bán thương mại…
Nguy cơ rửa tiền cao
Báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Việt Nam giai đoạn 2012 – 2017 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy lĩnh vực ngân hàng có nguy cơ rửa tiền cao.
Báo cáo cho biết, lĩnh vực này chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác.
"Mặc dù phải khẳng định rằng không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng "tiền bẩn" trên thành "tiền sạch" là cao hơn", Báo cáo nhận định.
Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về STR của Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế.
Theo đó, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.
"Trên cơ sở phân tích những nội dung có liên quan nêu trên, có thể thấy nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực ngân hàng là cao", Báo cáo đưa ra đánh giá.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, cho biết ngày 15/3/2019, Thống đốc NHNN đã ra Quyết định số 456/QĐ-NHNN kiện toàn lại Ban chỉ đạo và Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ngành ngân hàng để kịp thời triển khai các công tác trong tình hình mới.