Tổng cục Hải quan công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng
(Tài chính) Sáng ngày 19/9, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng của Hải quan Việt Nam năm 2013. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chủ trì hội nghị, cùng tham dự có đại diện một số Bộ, ngành chức năng tham gia thực hiện đo thời gian giải phóng hàng; đại diện Tổ chức Hải quan thế giới (WCO); Văn phòng đại diện USAID; Văn phòng chuyên gia JICA; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội DN Nhật Bản; và đại diện một số Hiệp hội DN: Dệt may, Thép, DN điện tử, Thủy sản, Giao nhận kho vận Việt Nam, Cảng biển Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, trong môi trường kinh doanh hiện đại, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, yêu cầu sản xuất và giao hàng đúng thời hạn và việc doanh nghiệp được đảm bảo về giải phóng hàng nhanh và đúng theo dự kiến càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhận thức được sự cần thiết của việc giảm thời gian thông quan hàng hóa là để tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động XNK, kinh doanh, đầu tư…. Do đó, từ năm 2009, Đề án “Đo thời gian trung bình giải phóng hàng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng thương mại” đã được Tổng cục Hải quan nghiên cứu. Mục đích của Đề án là xây dựng phương pháp luận làm nền tảng cho việc đo thời gian giải phóng hàng các năm tiếp theo; Xây dựng số liệu gốc cho việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020; Cải cách thủ tục hành chính để xác định nguyên nhân gây nên sự trì hoãn trong quá trình tiến hành thủ tục hải quan nhằm đề xuất các yêu cầu đối với công tác cải cách thủ tục hải quan.
Mặt khác, đo thời gian giải phóng hàng cũng là một trong những nội dung ngành Hải quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7275/VPCP-QHQT, bên cạnh đó còn là căn cứ phục vụ đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch Cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với 9 Bộ quản lý chuyên ngành và 2 Hiệp hội ngành nghề có liên quan tổ chức thực hiện cuộc đo thời gian giải phóng hàng năm 2013 trên phạm vi toàn quốc theo phương pháp của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Cuộc đo thời gian giải phóng hàng năm 2013 đã được Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai tại 11 Chi cục Hải quan cảng/cửa khẩu thuộc 7 Cục Hải quan tỉnh, thành phố thuộc 3 tuyến đường vận tải hàng hóa XNK gồm: Đường không, đường bộ và đường biển theo phương pháp nghiên cứu thời gian giải phóng hàng (TRS) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO)- Phiên bản 2.0 - 2011.
Các kết quả chung của cuộc đo thời gian giải phóng hàng đã xác định được: Tổng thời gian thông quan/giải phóng hàng trung bình của hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2013; Thời gian xử lý công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong quy trình làm thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu năm 2013; Xác định các khâu nghiệp vụ gây chậm trễ, kéo dài thời gian thông quan và đề xuất một số biện pháp thực hiện nhằm giảm thời gian….
Kết quả chung các khoảng thời gian giải phóng hàng của cơ quan Hải quan, được tổng hợp từ kết quả của 11 Chi cục Hải quan tiến hành đo, cụ thể như:
Đối với hàng nhập khẩu: Thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu cho đến khi hàng đã có quyết định thông quan/giải phóng hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan (Tổng thời gian giải phóng hàng) là: 115:00:17 (giờ:phút:giây)
Trong đó, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan Hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là: 32:37:55 (chiếm khoảng 28% tổng thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng rời khỏi khu vực giám sát hải quan); 72 % còn lại là thời gian tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa.
Đối với hàng xuất khẩu: Thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan Hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng là: 11:06:33 (giờ:phút:giây).
Tại Hội nghị, bà Lê Như Quỳnh - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc đo đã thông tin và phân tích kỹ phương pháp mà Tổng cục Hải quan đã áp dụng thực hiện đo thời gian giải phóng hàng.
Cũng tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đánh giá cao việc Tổng cục Hải quan đứng ra thực hiện đo thời gian giải phóng hàng và công bố rộng rãi kết quả. Đại diện VCCI ông Phạm Ngọc Thạch cũng khẳng định, kết quả này sẽ giúp cho DN ước tính được thời gian cho hoạt động XNK, minh bạch hóa các thông tin, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Bên cạnh đó, cũng có một số câu hỏi của đại biểu được đặt ra và chủ yếu tập trung vào các nội dung: Tại sao lại phải đo thời gian giải phóng hàng, cách thức phương pháp đo có đảm bảo tính khách quan và minh bạch, đo nhằm mục đích gì và thủ tục nào để giảm tiếp thời gian thông quan hàng hóa?... Trước những câu hỏi và thắc mắc của các đại biểu, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng TCHQ và bà Lê Như Quỳnh - Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc đo đã ghi nhận, trao đổi và giải thích cụ thể.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường khẳng định: Đây là cuộc đo đầu tiên của Hải quan Việt Nam, trước khi tiến hành đo, cơ quan Hải quan đã khảo sát và lấy số liệu của một số nước trong ASEAN, những số liệu này cũng có những kết quả khác nhau bởi thực tế, cách thức đo, mẫu đo, địa điểm đo, đối tượng đo khác nhau… dẫn đến kết quả khác nhau. Với phương pháp đo này có thể đảm bảo được tính khách quan. Xuất phát từ thực tế đó, Tổng cục Hải quan đã đưa ra những nhóm giải pháp như: Cải cách thủ tục hành chính- rà soát đặc biệt ở những khâu hàng hóa ở luồng vàng, thời gian thông quan hàng hóa phụ thuộc vào thủ tục và nộp thuế của DN; Tăng cường kiểm tra kiểm soát - thực hiện quản lý rủi ro, đánh giá các DN tuân thủ pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu, tăng cường máy móc để rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa…
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có kế hoạch chi tiết triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc đơn giản hóa, công khai minh bạch thủ tục và thời gian thực hiện trong Luật Hải quan, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ hải quan, kiểm soát thời gian tác nghiệp của cơ quan hải quan theo luật định, phối hợp với các cơ quan, các tổ chức liên quan để triển khai cắt giảm thời gian nhằm đạt thời gian tiếp nhận và đăng ký tờ khai dưới 5 phút; thời gian kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ; thời gian kiểm tra thực tế không quá 8 giờ; thời gian kiểm tra giám sát tại cổng cảng không quá 3 phút; thanh toán thuế và lệ phí cơ bản bằng phương thức điện tử./.