Tổng cục Hải quan quyết liệt trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại


Là một trong những lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngành Hải quan đã vào cuộc quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có Thư khen, biểu dương lực lượng hải quan khi tham gia triệt phá đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia khối lượng lớn. Tạp chí điện tử Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Anh- Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để làm rõ hơn nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới ở nước ta thời gian qua và công tác ngăn chặn tình trạng này của lực lượng hải quan?

Ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)
Ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)

Ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan): Trong gần 9 tháng vừa qua, số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi; các đối tượng hoạt động thành các đường dây để buôn lậu, vận chuyển trái phép vào Việt Nam các loại hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...

Với quyết tâm tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là ma túy.

Qua đó, các đơn vị trong toàn Ngành đã đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tập thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực, chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, tổ chức lực lượng kiên quyết ngăn chặn, triệt phá nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp, bóc gỡ thành công nhiều ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc được Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng ghi nhận.

Kết quả cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.008 vụ vi phạm pháp luật Hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.959 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 25 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 76 vụ, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 443 tỷ 416 triệu đồng.

Như ông vừa đánh giá tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Xin ông cho biết một số vụ việc điển hình trong thời gian qua mà lực lượng hải quan đã tham gia triệt phá?

Liên quan đến công tác phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của Ngành luôn bám sát định hướng chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, nắm chắc tình hình và diễn biến trên các địa bàn trọng điểm. Từ đó, phối hợp, chủ trì đề xuất xác lập và phá thành công nhiều chuyên án lớn về đấu tranh chống buôn lậu ma túy, tiền chất qua biên giới Việt Nam. Trong 08 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện 158 vụ vi phạm, bắt giữ 130 đối tượng; thu giữ hơn 62 kg và 201 bánh Heroin; 15,11 kg cần sa; 15,7 kg thuốc phiện; 22,4kg và 375.029 viên ma túy tổng hợp; 518,8kg ma túy đá.

Đặc biệt, trong các vụ buôn bán ma túy, các đối tượng rất manh động với số lượng và hình thức vận chuyển rất tinh vi. Điển hình là vụ việc ngày 8/9/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đồng chủ trì với Trạm Biên Phòng cửa khẩu Cầu Treo phối hợp với các lực lượng chức năng khác triệt phá vụ vận chuyển 98 kg ma túy được cất giấu trong 5 pho tượng gỗ, có cài định vị để theo dõi quá trình vận chuyển.

Vụ việc điển hình khác là ngày 18/7/2020 và ngày 30/7/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Campuchia qua khu vực biên giới Tây Nam về tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam; thu giữ 160 kg ma túy đá, thuốc lắc, ketamine và 19 bánh heroin được cất giấu trong khối đá xây dựng.

Tình hình gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn như: Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ; chỉ thực hiện công đoạn gia công sản xuất, lắp giáp đơn giản nhưng khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu và trên bao bì sản phẩm in dòng chữ “Made in Vietnam”; trà trộn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam, câu kết với cơ quan, tổ chức trong nước để phát hành trái phép Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp sử dụng xuất khẩu hàng hóa...

Điển hình, Vụ Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt đã lợi dụng danh nghĩa là Hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện cấp tổng số 392 C/O cho 33 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước (trong đó có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu trên 600 tỷ đồngđể các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài. Đây là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

Tình hình buôn lậu thuốc lá cũng tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhiều vụ buôn lậu số lượng lớn đã được phát hiện, bắt giữ. Điển hình là vụ việc tháng 3/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện và bắt giữ 1 tàu nước ngoài buôn lậu hơn 3 triệu bao thuốc lá ngoại trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Đối với mặt hàng dược liệu, ngày 22/6/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan TP. Đà Nẵng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc thuộc Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn tiến hành khám xét 05 container, phát hiện hàng hóa chứa trong 05 container trên không phải chỉ là táo ta, củ cải, cà rốt như doanh nghiệp khai báo mà phần lớn là thảo dược. Bằng phương pháp cảm quan sơ bộ xác định đây là nguyên liệu làm thuốc, khối lượng khoảng 103 tấn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Hải quan gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, ngành Hải quan có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, điển hình như công tác xử lý vi phạm. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” còn thấp, dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý.

Theo quy định thì thẩm quyền cấp Đội, Hải đội được phạt tiền và tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức; thẩm quyền của cấp Cục trưởng được phạt tiền và tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều vụ bắt giữ của cơ quan Hải quan có trị giá hàng vi phạm cao hơn nhiều so với quy định (100 triệu đồng) nên cơ quan Hải quan phải chuyển vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền cao hơn gây chậm chễ về thời gian xử lý.

Trong công tác điều tra hình sự của cơ quan Hải quan, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành quy định cơ quan Hải quan chỉ có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với 3 tội danh: “Tội buôn lậu", “Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" và “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm". Tuy nhiên, trong thực tế thực thi nhiệm vụ, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc phạm vi quản lý của ngành Hải quan như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế; rửa tiền;xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng giả… khi phát hiện, bắt giữ những hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra, mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

Theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015: “Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”. Như vậy, thời hạn điều tra theo quy định đối với lực lượng Hải quan là quá ngắn vì có những vụ việc khi cơ quan Hải quan yêu cầu giám định chất lượng thì thời hạn chưa được đảm bảo cho công tác điều tra và xử lý vụ án.

Để tiếp tục đấu tranh triệt để, hiệu quả với buôn lậu và gian lận thương mại, những vụ trọng tâm mà ngành Hải quan cần triển khai trong thời gian tới là gì thưa ông?

Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm soát Hải quan, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

Thứ nhất, tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm soát hải quan. Tập trung thực hiện tốt các công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm xác định các đối tượng, địa bàn trọng điểm, hàng hóa trọng điểm để phát hiện, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thứ hai, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn.

Thứ ba, tiếp tục cải cách, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Tinh nhuệ, chính quy lực lượng; Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.

Thứ tư, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nhằm phát hiện, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Xin cảm ơn ông!