Tổng quan diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2013 và dự báo năm 2014 (*)

Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính

(Tài chính) Việc nhìn nhận những yếu tố tác động đến giá cả, thị trường trong năm 2013, từ đó đề xuất những giải pháp thực hiện phù hợp cho năm 2014 có ý nghĩa rất quan trọng. Bài viết sau đây sẽ phân tích, đánh giá về diễn biến giá cả thị trường Việt Nam năm 2013 và dự báo về diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, thị trường năm 2014.

Diễn biến thị trường, giá cả năm 2013 ở Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng 11/2013; tăng 6,04% so với tháng 12/2012 và chỉ số CPI bình quân năm 2013 tăng 6,60% so với năm 2012. Đây là mức tăng thấp nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua (từ 2004 – 2013, trong đó CPI tháng 12/2004 so với tháng 12/2003 là 109,5 và tháng 12/2005 so với tháng 12/2004 là 108,4). Xin xem thêm biểu đồ 1.

Xét về chỉ số giá của từng nhóm hàng trong CPI tháng 12/2013 so với tháng 12/2012, tăng mạnh nhất là giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (cả nhóm tăng 18,97%, riêng dịch vụ y tế tăng 23,51%); sau đó là nhóm Giáo dục (cả nhóm tăng 11,71%, riêng dịch vụ giáo dục tăng 12,82%);  May mặc, mũ nón, giày dép (tăng 6,20%).

Nhóm giảm giá hoặc tăng thấp hơn tốc độ tăng giá chung là nhóm Bưu chính viễn thông (giảm 0,57%); Giao thông (tăng 2,60%); Văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 3,02%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 3,95%); Đồ uống và thuốc lá (tăng 4,19%); Hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 5,02%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (cả nhóm tăng 5,08%, riêng Lương thực tăng 1,98%, Thực phẩm tăng 6,02%, Ăn uống ngoài gia đình tăng 5,27%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 5,49%)… 

Diễn biến của giá cả, thị trường năm 2013 của Việt Nam cho thấy một số điểm đáng lưu ý như sau:

- Diễn biến CPI năm 2013 phá vỡ xu hướng biến động giá có tính quy luật là “hai năm nhanh, một năm chậm” đã hình thành ở nước ta trong 9 năm trước đó (2004-2012). Điều này thể hiện sự điều hành, can thiệp vào thị trường, giá cả ở Việt Nam của Chính phủ đã chủ động, có liều lượng và bài bản hơn. Do vậy, giá cả không còn bị “nhảy múa” giữa hai thái cực (tăng nhanh rồi lại chậm, rồi lại nhanh…) như 9 năm đó.

Biểu đồ 1: Chỉ số CPI của một số năm so với tháng 12 năm trước

Tổng quan diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam  năm 2013 và dự báo năm 2014  (*) - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê

- Sự biến động CPI giữa các tháng trong năm 2013 cũng không đột ngột, chênh lệch quá nhiều như những năm trước (đường đồ thị diễn biến CPI năm 2013 ở biểu đồ 1 "trơn tru" hơn các năm trước đó).

- Xét về sự biến động giá của từng nhóm hàng trong “rổ hàng hóa” tính CPI cho thấy nhóm Thuốc và dịch vụ y tế có mức độ tăng giá rất mạnh (tốc độ tăng giá của nhóm này là 18,97%, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng giá chung của cả “rổ hàng hóa”). Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống những năm trước đây thường có tốc độ tăng giá cao hơn tốc độ tăng CPI, thì kỳ này lại có tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng CPI (trong đó, đặc biệt là nhóm Lương thực chỉ tăng 1,98%).

- Giá vàng có sự sụt giảm rất mạnh làm cho nhiều người “đầu tư”, “trú ẩn” vào vàng bị thiệt hại năng nề. Giá vàng ở Việt Nam tháng 12/2013 giảm 24,36% so tháng 12/2012.

- Tiếp theo những giải pháp đã được thực hiện từ năm 2011 và 2012 nhằm “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, ngay từ đầu năm 2013 Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, mà nổi bật là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu Những giải pháp này đã phát huy hiệu lực rất rõ trên thực tế nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI năm 2013 có diễn biến như trên là do 3 nhóm nhân tố sau:

Thứ nhất, do xác định chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu nên Chính phủ đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bình ổn giá cả thị trường.

CPI năm 2013 tăng chậm do 1 nguyên nhân rất quan trọng là Chính phủ dùng “mệnh lệnh hành chính” yêu cầu chưa tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như:

Trong quý I/2013 khi giá thế giới tăng, Chính phủ yêu cầu giá bán lẻ xăng dầu trong nước giữ ổn định suốt từ cuối năm 2012 đến 28/3/2013 mới cho tăng giá, khiến cho quỹ bình ổn giá xăng dầu tính tới ngày 28/3/2013 bị âm 524 tỷ đồng. Trong quý II tới cuối năm 2013, giá xăng dầu trong nước có được điều chỉnh linh hoạt hơn nhưng do giá xăng dầu thế giới khá ổn định nên giá xăng dầu trong nước cũng không có biến động nhiều.

Những mặt hàng khác như: điện, dịch vụ y tế, giáo dục cũng được Chính phủ chỉ đạo không tăng giá dồn dập để tránh tác động tăng giá đột biến.

Một nguyên nhân khá quan trọng tác động làm diễn biến CPI ở Việt Nam thời gian qua tăng chậm và có dấu hiệu giảm ở 1 số tháng (tháng 3 và tháng 5/2013) là bởi tổng cầu giảm, vì sức mua yếu. Tổng cầu giảm thể hiện rất rõ qua những số liệu thống kê như:

Tăng trưởng GDP chậm lại: GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm 2013 tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% do Quốc hội đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012. Tuy nhiên, lại thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011; 6,79% của năm 2010...

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2618 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 12,6% so với năm 2012 và là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây. Sau khi loại trừ yếu tố giá, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 tăng 5,6% (trong khi năm 2012 tăng 6,5%; năm 2011 tăng 4,4%...). Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 so với năm 2012 của khu vực kinh tế nhà nước giảm 8,6%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,8%.

Tỷ lệ hàng tồn kho luôn ở mức cao[1], đặc biệt tỷ lệ tồn kho của các tháng trong năm 2013 luôn ở mức từ 70 - 75%. Điều này có nghĩa là trong năm 2013, có tới 70 – 75% giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp được chuyển thành sản phẩm dở dang hoặc hàng hóa tồn kho… Trong khi các nhà quản lý khuyến cáo tỷ lệ này nên ở mức khoảng 60% là hợp lý.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp thời gian qua tăng liên tục, cụ thể chỉ số tồn kho so với cùng kỳ năm trước của 1 số năm như sau: năm 2010 (thời điểm 01/12/2010) tăng 27,9%; năm 2011 (thời điểm 01/12/2011) tăng 23,0%; năm 2012 (thời điểm 01/01/2013) tăng 21,5%; năm 2013[2] (thời điểm 01/12/2013) tăng 10,2%. Mặc dù tốc độ tăng chỉ số tồn kho thời gian qua có xu hướng giảm dần, nhưng diễn biến chỉ số vẫn tăng này cho thấy tình trạng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là đáng báo động. Chỉ khi nào chỉ số này có xu hướng giảm (tốc độ tăng đạt giá trị âm) thì tình hình tiêu thụ hàng công nghiệp chế biến, chế tạo mới thực sự khởi sắc. Nó chứng minh rất rõ sức mua của xã hội không tăng được như kỳ vọng.

Tình hình tiêu thụ hàng nông, thủy sản thời gian cũng rất khó khăn, đặc biệt là những mặt hành chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như: lúa gạo, cà phê, lợn… Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 chỉ tăng 0,57% so với năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp giảm 0,59%; sản phẩm chăn nuôi giảm tới 2,36%; hàng thủy sản tăng 3,66%... Với lực lượng đông đảo người nông dân khó tiêu thụ được sản phẩm mình làm ra và có thu nhập rất thấp hoặc chịu lỗ thì sức mua toàn xã hội bị hạn chế là hậu quả trực tiếp.

Trước viễn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nguy cơ nợ xấu, vỡ nợ còn rất lớn nên người tiêu dùng càng phải hạn chế chi tiêu… làm cho sức mua trên thị trường càng yếu hơn.

Thứ hai, diễn biến giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước của Việt Nam phụ thuộc rất mạnh vào diễn biến giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Vì vậy, khi giá thị trường thế giới biến động thì giá trong nước cũng sẽ biến động theo (xem thêm biểu đồ 2).

Từ biểu đồ 2 ta thấy giá hầu hết nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới trong năm 2013 có xu hướng giảm liên tục (riêng chỉ có giá nhóm hàng năng lượng tăng nhẹ từ tháng 1-2/2013, tháng 7 – 9/2013 và tháng 12/2013; Giá nhóm hạt có dầu tăng nhẹ từ tháng 5-6/2013 và tháng 9-12/2013…). Đặc biệt, giá nhóm hàng ngũ cốc giảm mạnh nhất (giá bình quân tháng 12/2013 giảm tới 26,9% so với giá bình quân tháng 12/2012); Giá nhóm hàng phân bón cũng giảm mạnh (giá bình quân tháng 12/2013 giảm tới 24,5% so với giá bình quân tháng 12/2012)... Do đó, giá của hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam cũng biến động theo xu hướng này.

Thống kê cụ thể, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2013 giảm 2,41% so với năm 2012 (năm 2012 giảm 0,54% so với năm 2011), trong đó chỉ số giá xuất khẩu của một số mặt hàng giảm mạnh là: Cao su giảm 18,96%; than giảm 15,68%; sản phẩm từ cao su giảm 14,13%. Trong năm 2013, kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng khiến nhu cầu tiêu thụ một số loại hàng hóa cơ bản giảm và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối tác xuất khẩu là những nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm năm thứ 2 liên tiếp.

Biểu đồ 2: Chỉ số giá một số nhóm hàng hóa trên thế giới (năm 2010=100)

Tổng quan diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam  năm 2013 và dự báo năm 2014  (*) - Ảnh 2
Nguồn World Bank

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2013 giảm 2,36% so với năm 2012 (năm 2012 giảm 0,33% so với 2011), trong đó chỉ số giá nhập khẩu của một số mặt hàng giảm nhiều là: Cao su giảm 21,15%; phân bón giảm 17,83%; sắt thép giảm 10,48%...

Thứ ba, do thiên tai và dịch bệnh trong nước như: Rét đậm, rét hại, mưa đá, hạn hán ở nhiều địa phương; Cúm gia cầm; Lợn tai xanh... Nguyên nhân này làm nguồn cung trên thị trường biến động và giá cả hàng hóa sẽ biến động theo.

Dự báo diễn biến thị trường, giá cả năm 2014 ở Việt Nam

Năm 2014, giá cả thị trường Việt Nam sẽ biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn vào biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới năm 2014 dự báo đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiếp tục gặp khó khăn và có những biến động khó lường. Tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế có được cải thiện nhưng còn ở mức thấp (Worldbank dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 sẽ đạt mức 3%, tăng cao hơn so với mức ước tính 2,1% của năm 2013)...

Ở trong nước, sản xuất có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa vững chắc bởi vì: Nhu cầu thị trường còn yếu nên các doanh nghiệp chưa dám đầu tư đẩy mạnh sản xuất vì sẽ chỉ làm cho hàng tồn kho tăng; Tình hình nợ xấu, cân đối tài chính của các doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết triệt để nên doanh nghiệp vẫn khó vay được vốn từ ngân hàng cũng như từ các gói hỗ trợ của nhà nước.v.v. Bên cạnh đó, Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp và các lực lượng trong xã hội đang quyết tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng.v.v.

Có thể nêu lên một số nhận định chính về diễn biến giá cả năm 2014 ở Việt Nam như sau:

Diễn biến giá cả ở Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục…). Diễn biến giá cả khá ổn định của năm 2013 cho thấy đây là “cơ hội tốt” để Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng này theo cơ chế thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra (tăng khoảng 7%). Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống nhân dân.

Tình hình kinh tế thế giới năm 2014 có những diễn biến khá phức tạp đặc biệt là những vấn đề về: Xung đột chính trị, nợ công, tranh chấp các vùng lãnh thổ, biển đảo... rất khó dự báo trước ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng ở các quốc gia khác; Cục dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) thu hẹp dần các gói nới lỏng tiền tệ (được gọi là QE) sẽ làm cho USD lên giá so với các đồng tiền khác, kéo theo đó là giá nguyên, nhiên vật liệu tính bằng USD có xu hướng giảm.v.v. Những biến động này sẽ tác động mạnh tới diễn biến thị trường hàng hóa, dịch vụ trên thế giới và do đó sẽ ảnh hưởng ngay tới thị trường, giá cả ở Việt Nam.

Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu (xăng dầu, phân bón, phôi thép, hàng nông sản...) trên thị trường thế giới biến động phức tạp theo diễn biến của kinh tế thế giới... Vì vậy, giá các mặt hàng này ở thị trường Việt Nam sẽ biến động theo xu hướng đó.

Tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước còn diễn biến phức tạp, có thể làm biến động thị trường và giá hàng hóa....

Về dự báo chỉ số CPI ở Việt Nam tháng 12/2014 so với tháng 12/2013, chúng tôi đã cho chạy thử một số mô hình kinh tế lượng và ra kết quả, nếu Chính phủ không có những can thiệp chính sách mạnh vào thị trường thì CPI của Việt Nam tháng 12/2014 so với tháng 12/2013 sẽ ở mức 105,5 – 106,0 (3). Mức tăng giá này là thấp so với mục tiêu bình ổn giá đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6  tháng 10/2013 thông qua.

Nếu Chính phủ thực hiện những quyết sách mạnh về điều chỉnh giá một số số hàng hóa quan trọng và nhạy cảm (dịch vụ y tế, giáo dục, điện...) theo lộ trình áp dụng cơ chế giá thị trường, hoặc nới lỏng sớm chính sách tiền tệ để tạo động lực cho tăng trưởng cao hơn... thì CPI của Việt Nam tháng 12/2014 so với tháng 12/2013 sẽ còn tăng cao hơn nữa. Do vậy, kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp điều hành nền kinh tế đồng bộ và thực hiện quyết liệt để giữ ổn định giá cả thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô như mục tiêu đã đề ra.



[1] Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất công nghiệp chế tạo tháng 12/2012 là 72,7%; tháng 1/2013 là 70%; tháng 2/2013 là 93,3%; tháng 3/2013 là 73,4%; tháng 4/2013 là 74%; tháng 5/2013 là 71%; tháng 6/2013 là 71,4%; tháng 7/2013 là 70%; tháng 8/2013 là 70,7%; tháng 9/2013 là 74%; tháng 10/2013 là 72,4%.

[2] Chỉ số tồn kho các tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012 như sau: Thời điểm 01/2 tăng 19,9%; 01/3 tăng 16,5%; 01/4 tăng 13,1%; 01/5 tăng 12,3%; 01/6 tăng 9,7%; 01/7 tăng 8,8%; 01/8 tăng 9,2%; 01/9 tăng 9,7%; 01/10 tăng 9,4%; 01/11 tăng 9,8%; 01/12 tăng 10,2%;.

[3] Mô hình này chúng tôi cho chạy thử từ năm 2012 và cho kết quả: Tháng 6/2012 dự báo CPI của Việt Nam tháng 12/2012 so với tháng 12/2011 sẽ ở mức 106,5 – 107,5 (thực tế diễn ra là CPI tháng 12/2012 so với tháng 12/2011 ở mức 106,81); Tháng 12/2012 dự báo CPI của Việt Nam tháng 12/2013 so với tháng 12/2012 sẽ ở mức 106,0 – 107,0, Tháng 6/2013 dự báo CPI của Việt Nam tháng 12/2013 so với tháng 12/2012 sẽ ở mức 105,5 - 106,5 (thực tế diễn ra là CPI tháng 12/2013 so với tháng 12/201 ở mức 106,04). Các kết quả này đã được công bố tại các Hội thảo về Diễn biến giá cả thị trường do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức.

(*) Bài viết được trích từ Tham luận Hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2013 và dự báo năm 2014 do Viện Kinh tế - Tài chính và Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 30/12/2013.