Tổng tài sản hệ thống ngân hàng biến động thế nào trong năm 2018?
Tính đến hết tháng 12/2018, tổng tài sản có toàn hệ thống đã đạt 11,06 triệu tỷ đồng, tăng 10,62% so với mức đạt được hồi cuối năm 2017.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2018.
Theo đó, tính đến hết tháng 12/2018, tổng tài sản có toàn hệ thống đã đạt 11,06 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng 11 và tăng 10,62% so với mức đạt được hồi cuối năm 2017.
Trong đó, tổng tài sản có của khối ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm AgriBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, ngân hàng Đại Dương) dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,95%), đạt gần 4,9 triệu tỷ đồng nhưng có mức tăng trưởng chậm nhất trong các nhóm, với mức tăng 6,42% so với cuối năm trước.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản có tăng 13,07%, lên mức gần 4,6 triệu tỷ đồng trong khi tại nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài cũng ghi nhận tài sản có tăng tới 19,12%, lên 1,1 triệu tỷ đồng.
Vốn tự có của toàn hệ thống cũng tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 12. Cụ thể, đến cuối tháng 12, vốn tự có của toàn hệ thống đạt hơn 806,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng 11 và tăng 12,89% so với cuối năm 2017.
Đóng góp trong mức tăng này chủ yếu do vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 16,36%, đạt gần 338,2 nghìn tỷ đồng, của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 14,82%, đạt gần 162,9 nghìn tỷ đồng. Riêng vốn tự có của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ tăng 5,48% trong năm qua, lên gần 268,6 nghìn tỷ đồng.
Xét về vốn điều lệ, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước hầu như không có thay đổi trong năm qua, ở mức 147,89 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vốn của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lại tăng tới 24,42%, đạt 267,2 nghìn tỷ đồng, của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài đạt 113,4 nghìn tỷ, tăng 3,49% trong khi của nhóm công ty tài chính, cho thuê đạt 26,4 nghìn tỷ đồng, tăng tới 17,24% so với cuối năm trước.
Quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của khối ngân hàng thương mại Nhà nước tính đến cuối năm 2018 thấp hơn nhiều so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhưng quy môt tổng tài sản lại cao hơn. Điều này khiến cho tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của khối chỉ ở mức 9,52% vào cuối 2018, thấp hơn nhiều so với mức 11,24% của khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống tính đến cuối năm ở mức 28,41%, trong đó, tỷ lệ này của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 30,7%, của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 32,67% và của công ty tài chính, cho thuê là 34,9%.
Trong khi đó, về khả năng sinh lời của các nhà băng, số liệu cập nhật đến hết quý III/2018 cho thấy, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao nhất thuộc về nhóm công ty tài chính, cho thuê với 3,02%, đứng thứ hai là Ngân hàng chính sách xã hội với ROA đạt 1,02%.
ROA của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước ở mức khá thấp, đạt 0,52%, chỉ đứng trên Ngân hàng Hợp tác xã (0,42%) và thấp hơn ROA trung bình của toàn hệ thống là 0,7%. ROA của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 0,76% và của ngân hàng Liên doanh, nước ngoài là 0,88%.
Đối với chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), nhóm các công ty tài chính, cho thuê cũng đang dẫn đầu với 13,83%, tiếp đến là Quỹ tín dụng nhân dân với mức 12,95%.
ROE của các ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 10,21% và của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 9,88%, cao hơn mức ROE trung bình toàn ngành là 9,06%.