TP. Hồ Chí Minh: Điểm sáng về giảm nghèo bền vững
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn hộ nghèo về thu nhập cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND của HĐND Thành phố phù hợp với đặc thù, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng hộ nghèo của địa phương.
Qua hơn 4 năm triển khai, đến nay, Thành phố đã thực hiện giảm 69.914 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm 2,76% trên tổng số hộ dân Thành phố; trong đó, thực hiện giảm 37.979 hộ nghèo và giảm 31.935 hộ cận nghèo… Ngoài ra, Thành phố có 13 quận, huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2021–2025.
Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, miễn, giảm học phí cho 73.676 lượt học sinh với tổng kinh phí 38,132 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 123 lượt sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 867,9 triệu đồng; cấp học bổng cho 56.438 học sinh với hơn 102,749 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 4.104 lượt trẻ em mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 5,043 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực y tế, cấp 411.637 thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí 326,237 tỷ đồng.
Về chính sách tín dụng ưu đãi, giải ngân cho 33.716 lượt hộ vay với số tiền hơn 1.933 tỷ đồng. Đồng thời, Thành phố cũng đặt mục tiêu giảm 0,35% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025.
Có thể nói, việc đặt ra định mức cụ thể để giảm tỷ lệ hộ nghèo là rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn tiên phong trong công tác giảm nghèo với chuẩn nghèo cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với chuẩn quốc gia do chi phí sinh hoạt tại thành phố lớn.
Trong giai đoạn 2009-2013, chuẩn nghèo của TP. Hồ Chí Minh đã tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế. Công tác giảm nghèo luôn gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo của chính quyền các cấp. Thành phố thường xuyên tổ chức khảo sát, thống kê các trường hợp hộ nghèo nhằm không bỏ sót các hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, các tổ chức hỗ trợ giảm nghèo tại cơ sở đóng vai trò quan trọng, giúp chính quyền địa phương nắm được tình hình thực tế và sát sao hơn về đời sống nhân dân.
Với những nỗ lực không ngừng, Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước thời hạn 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề ra.
Trong giai đoạn 2026-2030, TP. Hồ Chí Minh xác định tiếp tục mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thu nhập và tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) nhằm tiếp tục nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo giảm nghèo bền vững, vì một TP. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Về mục tiêu cụ thể, Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn hộ nghèo về thu nhập cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.
Thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm và giai đoạn và đến cuối năm 2030 hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh.