Mức hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Theo Bộ Xây dựng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thì định mức hỗ trợ đối với nhà xây mới là 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà là 20 triệu đồng/hộ từ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương.
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến về việc nâng mức tiền hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi nghề, sửa chữa và làm mới nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia do mức hỗ trợ hiện nay thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trả lời vấn đề trên, Bộ Xây dựng cho biết, mức hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022, về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thì tổng nhu cầu vốn để thực hiện là 8.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 3.000 tỷ đồng.
Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg quy định, định mức hỗ trợ đối với nhà xây mới là 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà là 20 triệu đồng/hộ từ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương.
Theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD, ngoài việc được hỗ trợ với mức kinh phí từ ngân sách nhà nước nêu trên thì còn được huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu) để người dân tham khảo, lựa chọn.
Trong điều kiện kinh tế của Đất nước hiện nay, số vốn này cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội thì sau khi hoàn thành hỗ trợ, nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2 với yêu cầu “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên theo quy định của Thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Liên quan tới việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 16/11/2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 523/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Theo đó, tại Công văn số 523/TB-VPCP, Thủ tướng chỉ đạo thống nhất một mức hỗ trợ nhà ở đối với tất cả các đối tượng (trừ đối tượng hộ thuộc diện bảo trợ xã hội - không có khả năng đối ứng) là 60 triệu đồng/hộ khi xây dựng mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa.
Đối với các hộ thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia vận động thêm nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm bằng mức trên; không hồi tố đối với các hộ đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện phương án phân nhóm các địa phương, phương án tự huy động, phân bổ nguồn lực hỗ trợ vận động; phương thức, cách thức hỗ trợ, chuyển kinh phí hỗ trợ, tổ chức công khai.
Đồng thời, thông báo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tổ chức cá nhân về phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tích cực, đúng mục tiêu; bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phương án phân bổ vốn, đảm bảo mức hỗ trợ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.