TP. Hồ Chí Minh: Định hướng, quy hoạch kè bờ sông và sử dụng đất ven sông
Ngày 10/9, UBND TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”. Hội thảo thu hút sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước.
Nên kè hóa toàn bộ bờ sông rạch?
Cung cấp thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, cho biết, TPHCM đã phủ kín quy hoạch phân khu trong đó cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông rộng 30- 60m. Theo quy hoạch được duyệt, không gian dọc sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành là cây xanh, công viên và công trình hạ tầng kỹ thuật. TP cũng đã quy hoạch tuyến du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn, tuyến buýt sông, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, quy hoạch 10 phân khu dọc sông Sài Gòn…
Bên cạnh một số kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là tính định hướng kết nối khai thác tiềm năng cảnh quan không gian 2 bên bờ sông chưa được quan tâm đúng mức; một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trải qua nhiều giai đoạn nhưng thiếu đồng bộ. Tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê còn phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư đô thị hóa cao trong các hàng rào dự án nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Đến nay, TP đã xây bờ kè được 15% tổng số kênh rạch…
Sông nước đối với TPHCM là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt nên phải được sử dụng, phát triển tốt trong tương lai. Để phát huy được, TPHCM phải có định hướng chiến lược trong quy hoạch sông nước, gắn với quy hoạch kè bờ sông và sử dụng đất ven sông. Một khi có quy hoạch, xây dựng kè thì giá trị đất ven sông sẽ tăng cao. Đây là nguồn tài nguyên tài chính quan trọng, sẽ được dùng để tái đầu tư khu vực ven sông..."
Đ/c Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM
Quan điểm về vấn đề xây bờ kè toàn bộ sông rạch đã làm bùng lên sự tranh luận sôi nổi. PGS-TS Lê Trình, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và phát triển, cho rằng: Kè hóa cứng hết 100% là không đúng, phải nghiên cứu thêm vì với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập ở TP sẽ ngày càng nặng nề. Những nơi sẽ ngập, nếu kè cứng thì đến khi bị ngập sẽ không thể phá được. Do đó, TP phải có bản đồ độ cao, nơi nào không kè hóa thì mềm hóa, vừa đẹp tự nhiên, đỡ tốn tiền, vừa duy trì chức năng sinh thái.
“Tôi phản đối việc xây dựng trên hành lang sông rạch mà phải giữ cho được hành lang bảo vệ sông kênh 50m. Đà Nẵng đã có bài học khi “chia lô” bờ biển cho các nhà đầu tư mà người dân không được hưởng. Đây là tài sản công, nếu tổ chức xây dựng công trình dịch vụ sẽ làm cảnh quan xấu đi. Dòng sông phải đảm bảo cấp nước, thoát nước, cảnh quan, môi trường”, PGS-TS Lê Trình nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp hay
Hội thảo quy tụ nhiều diễn giả khắp thế giới nên có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ. Đáng chú ý, câu chuyện cải tạo hệ thống cấp thoát nước tại Chicago, Mỹ, được GS Sybil Derrible mô tả khá sinh động. Tình trạng đô thị hóa nhanh đã khiến TP này khủng hoảng nguồn nước ngọt. Có hồ nước ngọt Michigan thuộc hàng lớn nhất thế giới, TP quyết định xây trạm bơm, nhà máy cấp nước cho người dân từ đây. Vì địa hình ở đây bằng phẳng nên một ý tưởng tưởng chừng điên rồ đã được thực hiện: Họ nâng cao tất cả công trình ở TP để lắp đặt hệ thống cống rãnh bên dưới. Sau nhiều lần điều chỉnh nắn dòng sông, họ đã biến hệ thống kênh đào thành một không gian công cộng và nó trở thành tài sản quý của thành phố. Mọi hoạt động công cộng đều diễn ra trên dòng kênh. Đất đai quanh dòng kênh tăng giá rất nhanh!
Từ câu chuyện này, GS Sybil Derrible cho rằng, hệ thống sông rạch đã làm cho TPHCM trở nên độc đáo. Đây là tài sản vật chất - xã hội lớn và nếu quy hoạch tốt, tiếp cận tốt sẽ phát huy khả năng lớn!
PGS- TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư, cho rằng, TPHCM đưa quỹ đất và không gian kênh rạch, sông nước Sài Gòn vào phát triển là định hướng rất đúng đắn. TP cần có khung phát triển hệ thống kênh rạch để có tầm nhìn tổng thể, đồng thời có sự mềm dẻo trong kết nối, không thể tách từng dự án ra khỏi hệ thống khi TP đang bị lún và chịu ảnh hưởng của nước biển dâng. Đề nghị TP xây dựng bản đồ địa lý thủy văn để điều hành chung, cũng như kết nối TP cũ với sự mềm mại của hạ tầng xanh mới.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, đề nghị xây dựng một đề án tổng thể, đưa việc tổ chức dòng sông vào đồ án quy hoạch chung TPHCM đợt này. Đây là nền tảng để tính toán việc nên như thế nào đối với bờ kè sông rạch.
Các phát biểu tại hội thảo cho thấy “nút thắt” về vốn đã có giải pháp. Đơn vị đang nghiên cứu chỉnh trang dự án rạch Xuyên Tâm cho biết Tổ chức JICA sẽ cho vay đến 70%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng tài trợ vốn cho các dự án cải tạo sông rạch…
TPHCM là “đô thị sông nước”
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TP đã và đang tìm cách tổ chức lại để có điều kiện phát triển mới, tạo bước đột phá, xây dựng đô thị thân thiện với môi trường chứ không phải là bê tông. TP đã xây dựng nhiều dự án bờ bao, bờ kè và luôn chủ trương phát triển hướng đến sông nước, như dành một khu vực trong khu đô thị Thủ Thiêm quy hoạch là châu thổ Nam bộ, cho ngập tự nhiên.
Hội thảo đã khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng, môi trường của bờ kè, kênh rạch của TP. Xác định được những vấn đề trọng tâm của bờ kè sông rạch trong nội thành, không chỉ quy hoạch mà còn phải có khung pháp lý để phát triển; chỉ ra các tồn tại hạn chế, gợi mở nhiều vấn đề để khai thác hiệu quả. Từ đây, TP sẽ xây dựng quy hoạch, khung pháp lý, quy chế quản lý đầy đủ, trong đó xác định cụ thể vai trò của Nhà nước và người dân, doanh nghiệp cũng như có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. TP sẽ xây dựng kế hoạch phát triển, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương… Việc xây dựng bờ kè sẽ đi từ thấp đến cao, từ đường đất, đến bê tông, đường nhựa. Về nguồn lực, TP sẽ có nhiều cơ chế huy động, xây dựng một số vùng đệm vừa khai thác vừa bảo vệ.
Theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM phải hướng đến đô thị sông nước. Khi dự án chống ngập vùng trung tâm hoàn thành, TPHCM sẽ là đô thị sông nước, vừa sạch xanh lại vừa có cả hồ cảnh quan. Mọi hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân, hoặc quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng, chúng ta đều hướng tới đến xây dựng đô thị sông nước. Bờ sông, kênh rạch nội thành là không gian chung của người dân TP. Tất cả chúng ta có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng không gian ấy trở thành một đô thị sông nước hài hòa với tự nhiên, thân thiện với môi trường và góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân TP.