TP. Hồ Chí Minh: Dồi dào nguồn hàng phục vụ Tết

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Mặc dù còn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng TP. Hồ Chí Minh đã hoàn tất kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ cho Tết với lượng cung ứng dồi dào và giá cả đảm bảo ổn định.

TP. Hồ Chí Minh: Dồi dào nguồn hàng phục vụ Tết
Nền kinh tế đã tăng trưởng tốt nên sức mua của thị trường Tết năm 2015 dự kiến sẽ khởi sắc và hứa hẹn hơn so với năm trước. Nguồn: internet
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN), nền kinh tế đã tăng trưởng tốt nên sức mua của thị trường Tết năm 2015 dự kiến sẽ khởi sắc và hứa hẹn hơn so với năm trước, vì vậy, các DN đang dốc sức chuẩn bị nguồn hàng tốt về số lượng và chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Báo cáo của Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính đến đầu tháng 12/2014, tổng giá trị hàng hóa mà các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng Tết là trên 15.849 tỷ đồng, tăng 109% so với Tết Nguyên đán 2014. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.304 tỷ đồng, tăng trên 69% so với Tết Giáp Ngọ với 72 DN tham gia.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện nay, các DN tham gia trong Chương trình Bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết với khả năng cung ứng tăng bình quân 63% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng trên 79% so với kết quả thực hiện Tết 2014, với nhiều mặt hàng chuẩn bị khối lượng lớn chi phối từ 30-60% nhu cầu thị trường.

Điển hình như Công ty TNHH Ba Huân, dự kiến tăng lượng hàng hóa lên đến 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh liên kết chăn nuôi với các hộ nông dân, Công ty còn mở rộng sản xuất tại các trang trại công nghệ cao với trên 500.000 con gia cầm các loại để chủ động 50% nguồn hàng phục vụ Tết.

Công ty Vissan đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch dự trữ hàng Tết với khoảng 3.300 tấn thịt gia súc, 2.500 tấn thực phẩm chế biến cho Tết 2014. Tương tự, CTCP phát triển Thanh niên xung phong dự kiến sẽ cung cấp khoảng 150.000 quả trứng và 3.000 con gia cầm/ngày trong mùa kinh doanh Tết, tăng 50% so với nhu cầu của ngày thường.

Đối với mặt hàng thủy sản, CTCP Sài Gòn Food cũng đã chuẩn bị khoảng 500 tấn phục vụ thị trường Tết, tăng từ 5-10% so với Tết năm trước và tập trung vào những mặt hàng chủ lực.

Để đáp ứng sức mua của thị trường Tết, không chỉ với các DN sản xuất, các DN phân phối cũng đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ và đa dạng chủng loại để chuẩn bị phục vụ người tiêu dùng.

Cụ thể, Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) với gần 4.614 tỷ đồng để chuẩn bị khoảng 90.000 tấn hàng hoá, tăng gần 15% so với Tết Giáp Ngọ 2014 và tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2-3  lần so với tháng kinh doanh bình thường tại 74 siêu thị trong hệ thống Co.opmart. Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) chuẩn bị gần 982 tỷ đồng; Công ty TNHH Phạm Tôn là 411 tỷ đồng; CTCP Đầu tư An Phong (siêu thị Marximark) chuẩn bị gần 404 tỷ đồng…

Tại 3 chợ đầu mối của TP. Hồ Chí Minh, hiện lượng hàng hóa nhập chợ khoảng trên 8.000 tấn/ngày. Vào thời điểm cận Tết, lượng hàng hóa về chợ tăng khoảng từ 50-70% tấn so với ngày thường.

Mở rộng điểm bán, ổn định giá

Theo dự báo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sức mua của thị trường sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Vì vậy, để ổn định thị trường Tết và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Thành phố sẽ quản lý chặt chẽ giá của các mặt hàng và phủ rộng chương trình bình ổn thị trường.

Cụ thể, các DN  phân phối tham gia chương trình bình ổn sẽ có kế hoạch giảm giá từ 5-49%, kèm quà tặng và chương trình rút thăm trúng thưởng. Đồng thời, vào các ngày cận Tết các DN sẽ thực hiện giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia súc, gia cầm.

Theo đánh giá của ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, do nguồn hàng năm nay khá dồi dào, cộng với nguyên liệu đầu vào có phần ổn định, nên trong dịp Tết giá cả không có sự biến động nhiều. Đồng thời, nhằm bình ổn giá cả hàng hóa Tết, các DN sẽ tiết giảm tối đa nguồn chi phí, nguyên liệu đầu vào để hạ giá thành, chia sẻ với người tiêu dùng.

Ông Mười nhận định: Hiện nay, xu hướng và thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Việc dự trữ hàng hóa cho thị trường Tết cũng không còn như trước đây, nên DN cũng phải điều chỉnh, không quá đặt nặng chỉ tiêu về sản lượng. Thay vào đó là tập trung vào kích cầu và tăng doanh số bằng nhiều hình thức như đi vào chế biến sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao. Vì vậy, DN sẽ không đặt mục tiêu tăng giá trong những thời điểm sức mua tăng cao như thị trường Tết, mà thay vào đó là tăng sản lượng bán hàng.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, các siêu thị tham gia bình ổn thị trường sẽ kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng và mở rộng nhiều điểm bán, hình thức bán.

Hệ thống siêu thị Co.opmart dự kiến trong thời gian Tết Ất Mùi sẽ tổ chức ít nhất 141 điểm bán hàng lưu động thuộc các xã nghèo vùng sâu, vùng xa và phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của lực lượng công nhân tại các KCN-KCX tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương có Co.opmart trú đóng với kinh phí 30 tỷ đồng cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, được sản xuất trong nước, có giá bán ưu đãi giảm từ 3-5% so với giá bán lẻ khuyến mãi tại siêu thị.

Bà Lê Ngọc Đào cho biết, để phục vụ tốt người dân trong dịp Tết 2015, bên cạnh việc nắm chắc diễn biến thị trường đảm bảo cung ứng cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, TPHCM sẽ tập trung phát triển thêm 286 điểm bán (hiện nay đã có 8.939 điểm bán), thực hiện 342 chuyến bán hàng lưu động trong 2 tháng trước Tết. Riêng tháng cao điểm thực hiện trên 200 chuyến trong đó có 40 chuyến phục vụ công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết…