TP. Hồ Chí Minh thu hút thêm 100 dự án vốn đầu nước nước ngoài

Thanh Sơn

Trong 4 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh cấp mới 100 dự án vốn đầu nước nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký 360,1 triệu USD. Trong đó, tập trung chủ yếu ở hai ngành là thương nghiệp với 46 dự án, vốn đạt 225,1 triệu USD (chiếm 62,5% vốn cấp mới) và ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) với 5 dự án, vốn đạt 125,8 triệu USD (chiếm 34,9%).

Lĩnh vực bất động sản đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh với 5 dự án, vốn đạt 125,8 triệu USD (chiếm 34,9%). Ảnh Thanh Sơn
Lĩnh vực bất động sản đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh với 5 dự án, vốn đạt 125,8 triệu USD (chiếm 34,9%). Ảnh Thanh Sơn

Do tác động của đại dịch Covid-19 nên năm 2021, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI giảm so với năm 2020. Cụ thể, 4 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 1,14 tỷ USD, giảm 12,92% so cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn FDI đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh tập trung vào ba ngành chính, bao gồm: thương mại, công nghiệp; kinh doanh BĐS; các ngành chuyên môn khoa học, công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với vốn đăng ký 322 triệu USD, chiếm 28,2% tổng vốn (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài).

Kế đến là ngành Thương nghiệp với 321,2 triệu USD, chiếm 28,1%; ngành kinh doanh BĐS 196,3 triệu USD, chiếm 17,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 175,4 triệu USD, chiếm 15,4%; giáo dục và đào tạo với 30,3 triệu USD, chiếm 2,7%.

Trong 100 dự án vốn đầu nước nước ngoài, các quốc gia có vốn đầu tư cao gồm Nhật Bản 210 triệu USD (chiếm 58,3%), Hà Lan 80,7 triệu USD (chiếm 22,4%) và Singapore 36,3 triệu USD (chiếm 10,1%). Đáng chú ý có 1 dự án đến từ nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo điều chỉnh tăng vốn 270 triệu USD, chiếm 67% số vốn điều chỉnh. Trong khi đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các NĐT nước ngoài có 547 trường hợp với tổng vốn 377,6 triệu USD.

Năm ngoái, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh đạt 4,36 tỷ USD và giảm gần phân nửa so với 2019. Số lượng đăng ký cấp phép mới giảm 28%, chỉ đạt 950 dự án. Singapore vẫn là đối tác đầu tư lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh khi rót hơn 1,1 tỷ USD, chiếm hơn 26%. Một số quốc gia còn lại trong danh sách này là Hàn Quốc, Nhật Bản, British Virgin Islands, Cayman Islands, Hà Lan, Mỹ...

Năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút 5,4 tỷ USD vốn FDI cao hơn năm 2020 1 tỷ USD. Tuy nhiên, qua 4 tháng. vốn ngoại vào TP. Hồ Chí Minh còn thấp hơn so với TP. Cần Thơ, TP. Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương và Tây Ninh. Do đó, đây cũng là chỉ tiêu đầy tham vọng bởi thời gian gần đây, dòng vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh có xu hướng sụt giảm trong khi tăng lên ở một số địa phương khác.

Để khơi thông dòng vốn FDI, TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh tạo quỹ đất công nghiệp cùng với việc triển khai thêm một số khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao, giải quyết hạ tầng giao thông. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.