Kỳ vọng bất động sản văn phòng bật tăng

Theo Phương Trang/vnbusiness.vn

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) văn phòng tại Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục tích cực khi tổng nguồn cung tăng, thêm vào đó là tình hình hoạt động ổn định, lượng tiêu thụ khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường BĐS văn phòng tại Việt Nam được nhiều chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng mạnh khi nhu cầu lao động tăng và GDP dự kiến tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm vị trí làm việc.

Tăng trưởng khách thuê

Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, nhờ nền kinh tế tiếp đà phục hồi, quý I/2021 mặc dù dịch Covid-19 quay lại nhưng tình hình hoạt động của thị trường BĐS văn phòng ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều ở mức khả quan. Tổng diện tích hấp thụ của thị trường văn phòng Hà Nội đạt 24.000 m2, trong khi thị trường TP. Hồ Chí Minh đạt 19.600 m2.

Do không có thêm dự án mới trong quý cùng đà tăng tỷ lệ hấp thụ của thị trường văn phòng, tỷ lệ trống tại Hà Nội giảm ở cả hai phân khúc: hạng A giảm 22,4%, hạng B giảm 13,3%. Mặt bằng giá thuê hạng A đạt 26,9 USD/m2/tháng, tăng 0,4% theo quý; hạng B vẫn giữ ở mức 13,9 USD/m2/tháng.

Còn theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, cả hai thành phố lớn đều là điểm sáng trong thị trường BĐS văn phòng quý I. Giá thuê hạng A tại thị trường Hà Nội giữ ổn định ở mức 33 USD/m2, TP. Hồ Chí Minh có mức giá cao hơn, đạt 50 USD/m2/tháng. Số lượng giao dịch của các tòa nhà văn phòng trong năm 2020 và quý I/2021 cao đến 40% so với cùng thời điểm năm 2019.

Nhu cầu từ các doanh nghiệp nhỏ được ghi nhận vẫn tiếp tục gia tăng. Hơn 70% số lượng khách thuê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Singapore. Đối tượng khách thuê thuộc nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm 21%; ngành sản xuất và nhóm ngành phân phối là 13%; nhóm ngành hạ tầng, ứng dụng và BĐS là 12%...

Bà Nguyễn Hoài An cũng nhìn nhận, quý I/2021, các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và sản xuất tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu thị trường BĐS văn phòng.

Về diện tích thuê, chủ yếu các yêu cầu hỏi thuê đều hướng đến văn phòng với diện tích nhỏ hơn 300 m2. Một số khách thuê cũng đang tìm kiếm diện tích không gian làm việc linh hoạt để làm văn phòng. Ngoài ra, nhu cầu thuê văn phòng đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và sản xuất gia tăng mạnh mẽ trong vòng một năm trở lại đây, chủ yếu có quy mô trên 1.000 m2.

Đáng lưu ý, xu hướng dịch chuyển văn phòng ra khu vực ngoài trung tâm vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh cũng đang tìm kiếm văn phòng ở các thành phố lớn để đặt văn phòng đại diện.

Điều này được các doanh nghiệp lý giải là nhằm tìm kiếm không gian tiếp cận, mở rộng khách hàng và thị trường tiềm năng, đồng thời dễ tiếp cận hơn với nguồn lao động chất lượng cao tại các đô thị lớn.

Tiềm năng lớn

Về giá thuê văn phòng, bà Hoàng Nguyệt Minh đánh giá, hiện Hà Nội vẫn đang thấp hơn so với TP. Hồ Chí Minh và các thành phố khác trong khu vực, đặc biệt trong phân khúc hạng A. Giá thuê văn phòng hạng A của hai thành phố này đều phụ thuộc vào nguồn cung tương lai của thị trường hơn là vấn đề liên quan tới dịch Covid-19. Các tòa nhà vừa gia nhập thị trường với nguồn cung lớn thường sẽ giảm giá thuê trong năm đầu tiên để thu hút khách; giá thuê sẽ tăng dần theo các năm tiếp theo.

So với thị trường văn phòng các nước khác, nguồn cung của thị trường văn phòng Hà Nội được đánh giá là thấp hơn so với Singapore, Bangkok (Thái Lan). Chính bởi yếu tố giá thuê thấp hơn so với các nước trong khu vực trong khi tiềm năng phát triển kinh tế rất tốt, các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng phát triển thị trường văn phòng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Theo nhận định của các chuyên gia Savills Việt Nam, thị trường văn phòng TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng tăng trưởng khi nhu cầu tuyển dụng lao động được dự báo lên đến 300.000 việc làm trong năm 2021, tăng 10% theo năm. Còn tại Hà Nội dự kiến sẽ đón nhiều nguồn cung mới, với hơn 200.000 m2 văn phòng, nhiều nhất kể từ năm 2011.

Giám đốc CBRE Hà Nội Nguyễn Hoài An dự báo, sau năm 2020 với tỷ lệ hấp thụ âm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường văn phòng Hà Nội đang có những dấu hiệu phục hồi, dự kiến đạt tỷ lệ hấp thụ từ 70.000 - 80.000 m2 trong năm 2021.

Về giá thuê, so với các thành phố khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiềm năng tăng trưởng giá thuê của thị trường văn phòng Hà Nội bị hạn chế, nhưng vẫn nằm trong nhóm những thành phố ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch. Nếu không tính ảnh hưởng của dự án mới trong năm 2021, giá thuê của thị trường hạng A dự kiến sẽ tăng từ 0,5 - 1% trong năm 2021.

Từ góc nhìn của chủ đầu tư, theo ông Nguyễn Dũng Minh, Phó Tổng giám đốc IDS Equity Holdings _ Chủ đầu tư tòa nhà văn phòng Leadvisors Tower, dưới áp lực của dịch bệnh gia tăng, khi sức khỏe là vấn đề quan trọng với người dùng trong tất cả các tòa nhà văn phòng, chủ đầu tư tòa nhà văn phòng cần phải lắng nghe nhu cầu của khách hàng để thay đổi và thích ứng với giai đoạn khó khăn hiện tại.