TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách từ đất đai sụt giảm
Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là nguồn thu quan trọng, đóng góp vào ngân sách. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn TPHCM có xu thế bị sụt giảm.
Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), năm 2017, thu ngân sách từ đất 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án 17.905 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nguồn thu về đất.
Năm 2018, tổng thu ngân sách TPHCM 378.543 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán. Thu nội địa 244.772 tỷ đồng tăng 10,48% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 95,54% dự toán. Trong đó, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng thu về đất.
So với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm đến 22,5%. Tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã giảm 2,43% (Từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018).
HoREA cho biết, các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân còn nợ ngân sách nhà nước thành phố về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất năm 2017 tổng số nợ 1.632,6 tỷ đồng, bao gồm nợ tiền thuê đất 677,4 tỷ đồng; nợ tiền sử dụng đất 965,2 tỷ đồng.
Còn năm 2018, tổng số nợ 2.257,5 tỷ đồng, tăng 38,2% so với năm 2017, bao gồm nợ tiền thuê đất 1.526,6 tỷ đồng; nợ tiền sử dụng đất 730,9 tỷ đồng. Theo HoREA, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án bất động sản đã bị sụt giảm trong năm 2018 và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.
Trong một động thái khác, UBND TPHCM đã thống nhất với đề nghị của Liên Sở Tài chính - Tài nguyên - Môi trường, tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần, so với năm 2018. Nếu thông qua điều này, giá đất có nguy cơ biến động, dù cơn sốt đất vừa đi qua.
Theo HoREA, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất có tác động nhất định đến giá cả của thị trường bất động sản. Chính vì vậy, ngày 22/10/2018, HoREA đã có văn bản góp ý về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019, trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, HoREA đưa ra kiến nghị xếp quận 2 vào khu vực 2, cùng nhóm với quận 7, sẽ hợp lý hơn và đảm bảo sự công bằng khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kiến nghị tiếp tục áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019, tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018, theo Quyết định 09/2018/QĐ-UBND, tăng từ 5-8,33%.
Mới đây, ngày 21/2, UBND TPHCM đã có tờ trình gửi HĐND TP về ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn. Theo đó, ngoài việc đã thống nhất đề nghị xếp quận 2 vào khu vực 2, cùng nhóm với quận 7, UBND TP đã thống nhất với đề nghị của Liên Sở Tài chính - Tài nguyên Môi trường, đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần so với năm 2018.
Mức tăng này dựa trên cơ sở nhận định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất hiện nay, cao hơn gấp 4-6 lần bảng giá đất của TP, và hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất ở, để tính bồi thường trên địa bàn TP hiện nay tính bình quân 4,75.
Theo HoREA, hệ số điều chỉnh giá đất tác động chủ yếu đến hộ gia đình, cá nhân, khi thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở ngoài hạn mức. Ngoài ra, nó cũng tác động đến doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khi thuê đất hoặc giao đất, trong một số trường hợp, kể cả đối với dự án BĐS quy mô nhỏ, có mức thu tiền sử dụng đất dưới 30 tỷ đồng.
Được biết, bảng giá đất được ban hành định kỳ 5 năm, việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm (nếu cần thiết do có biến động giá đất) nhằm đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá thị trường, theo quy định của Luật Đất đai.