TPP: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp nhỏ

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là nội dung đáng lưu tâm trong tất cả các cuộc đàm phán.

 TPP: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp nhỏ
DNVVN đang ngày càng có vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nguồn: internet

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, người vừa tham gia vòng đàm phán thứ 19 về TPP tại Brunei hồi cuối tháng 8/2013, Hiệp định TPP có lẽ sẽ là một hiệp định thương mại tự do đầu tiên có riêng một phần về DNNVV. Do vậy, tất cả các nhóm đàm phán sẽ tiến hành đàm phán các điều khoản cụ thể ở các lĩnh vực dựa trên tinh thần này.

Nhằm tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại, bên cạnh việc hiểu thấu đáo về các quy định và lộ trình cam kết của hiệp định, các DN Việt Nam cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hoạt động theo hướng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực. Đồng thời, các DN cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.

Trong cộng đồng DN Việt Nam, các DNNVV chiếm số lượng lớn và các DN này sẽ tham gia “sân chơi” TPP.

Chủ tịch Hội DNNVV Cao Sĩ Kiêm nhìn nhận loại hình DNVVN đang ngày càng có vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế, thu hút 49-51% tổng số lao động trong DN, chiếm khoảng 43-50% hàng hóa tiêu dùng xuất khẩu, đóng góp 17-20% ngân sách quốc gia, và đóng góp đến 45-50% GDP.

Nếu phát triển đúng hướng, thực hiện mạnh mẽ việc cải tiến công nghệ cùng với sự giúp đỡ phù hợp thì các DNNVV hoàn toàn có thể phát triển theo một xu thế tích cực.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng để đón nhận những cơ hội to lớn từ những hiệp định thương mại, trong đó có TPP, các DNVVN của ta cần sự cố gắng phi thường. Một trong những lý do chúng ta phải cố gắng là bởi Việt Nam đang đàm phán với những đối tác có trình độ phát triển cao hơn (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Singapore…) nên tất yếu những yêu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam cũng cao hơn.

Bên cạnh đó cũng phải thấy các DNNVV của ta công nghệ vẫn lạc hậu dẫn đến năng suất thấp và chi phí sản xuất cao, chất lượng nguồn lực thấp, đặc biệt là khả năng tiếp cận và hiểu biết luật pháp quốc tế còn hạn chế.

Tuy nhiên, nếu những hiệp định trên được ký kết, đặc biệt là TPP, thì hàng hóa của DN Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập vào những thị trường lớn và rất bền vững  như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Quan trọng hơn, theo ông Cao Sĩ Kiêm, quá trình tham gia vào các hiệp định thương mại sẽ tạo động lực cho các DN Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng đổi mới phương pháp kinh doanh, trình độ quản lý - những yếu tố phát triển bền vững cho chính DN và cho cả nền kinh tế đất nước.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng sau khi các hiệp định trên được ký kết, cần làm ngay những việc như: Tuyên truyền giải thích rõ nội dung hiệp định; làm rõ những việc phải làm; theo sát để phản ánh với các cơ quan quản lý những khó khăn vướng mắc của các DN; theo dõi, tống kết những điển hình để rút ngắn thời gian "tìm đường" của các DN.

Để các DNNVV tiếp tục phát huy vai trò của mình trong bối cảnh ngày càng có nhiều sân chơi song phương và đa phương do Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo như hiện nay, theo ông Cao Sỹ Kiêm, trước hết, cần sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng DN với các đoàn đàm phán Chính phủ, nhất là thực hiện cơ chế tham vấn bắt buộc với các DN có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mỗi khi thực hiện các cuộc đàm phán về các hiệp định, chính sách thương mại quốc tế mà Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo từ năm 2010.