Từ năm 2010 đến nay, TPP đã trải qua 17 vòng đám phán chính thức và nhiều vòng đàm phán giữa kỳ. Vòng đàm phán thứ 17 vừa diễn ra từ ngày 15 - 24/5/2013 tại Lima, Peru có sự tham dự của Nhật Bản vào TPP, nâng tổng số 12 nước thành viên của APEC, đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.
Theo kế hoạch, TPP sẽ mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và hướng tới thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến, vòng đàm phán thứ 18 sẽ diễn ra vào tháng 7/2013.
Phạm vi điều chỉnh của TPP
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) luôn yêu cầu mức độ cam kết mở cửa sâu rộng hơn các cam kết mở cửa trong Hiệp định thương mại thông thường. Theo FTA, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan, nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), trên thế giới có hơn 200 FTAs có hiệu lực.
Thực tiễn hội nhập và toàn cầu hóa hoạt động thương mại trên thế giới đã chứng kiến 03 thế hệ FTA, bao gồm:
i) FTA thế hệ thứ nhất tập trung ở việc tự do hóa lĩnh vực thương mại hàng hóa (cắt giảm thuế quan, loại bỏ các rào cản phi thuế quan);
ii) FTA thế hệ thứ hai mở rộng phạm vi tự do hóa sang các lĩnh vực dịch vụ nhất định (xóa bỏ các điều kiện tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ liên quan);
iii) FTA thế hệ thứ ba tiếp tục mở rộng phạm vi tự do về dịch vụ, đầu tư.
Các FTA trong thời gian gần đây chứng kiến một xu hướng mới là không chỉ những lĩnh vực thương mại mở cửa được đề cập mà cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường cũng được đưa vào đàm phán và ký kết. Hiệp định TPP đang đàm phán theo xu hướng này. Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này dự kiến sẽ rất rộng và phức tạp, với các vấn đề thương mại và phi thương mại đan xen. Bản thân Hiệp định gồm 4 nước là: Singapore, Chile, Newzealand, Brunei (P4) đã có cam kết mạnh về thuế quan và nhiều vấn đề phi thuế quan (xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, chính sách cạnh tranh…và cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường).
TPP đang tiếp tục phát triển từ nền gốc của P4 với 12 nước hiện đang tham gia đàm phán và trong tương lai số đối tác sẽ tăng thêm, nên chắc chắn phạm vi sẽ còn lớn hơn nữa. Hiệp định TPP được kỳ vọng là một “FTA của thế kỷ XXI” với phạm vi điều chỉnh rộng cùng với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ được cụ thể hóa trên những lĩnh vực sau:
- Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn.
- Dịch vụ: Tăng mức độ mở cửa các loại dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.
- Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư.
- Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với các mức trong WTO (WTO+).
- Các biện pháp về Xác định các thành viên có thể hoặc không thể áp đặt các hạn chế đối với những hàng hóa nhập khẩu nhất định (SPS), Hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT): siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật.
- Cạnh tranh và mua sắm công: tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công và nhiều lĩnh vực khác.
Thương mại hàng hóa của Việt Nam với các đối tác TPP
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết FTA với Brunei, Singapore, Malaysia (AFTA); với Australia, New Zealand (trong Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia và New Zealand được thiết lập bởi FTA và quan hệ kinh tế thân thiện toàn diện ASEAN - Australlia và New Zealand- AANZFTA) và với Nhật Bản (trong Khu vực thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản được thiết lập bởi Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản AJCEP). Ngoài việc ký kết và tham gia các FTA với tư cách là thành viên khối ASEAN thì FTA đầu tiên mà Việt Nam ký kết với tư cách là một bên độc lập là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA năm 2008), tiếp đó là FTA Việt Nam - Chile (năm 2011); hiện đang đàm phán FTA với Peru. Trong các FTA khu vực, Việt Nam cam kết mức độ tự do hóa thương mại cũng như cắt giảm thuế theo lộ trình nên khi TPP được ký kết thì hiện trạng thương mại giữa Việt Nam với các nước này cũng sẽ không thay đổi đáng kể. Riêng với Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu) thì Việt Nam lại chưa ký kết FTA với Mỹ, do vậy cần lưu ý hơn đến các nội dung cam kết về cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện đối với đầu tư dịch vụ để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ được ưu tiên hơn khi tiếp cận thị trường Mỹ, cũng như thị trường các nước đối tác khác.
Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tới các nước TPP chủ yếu là sản phẩm dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng thủy sản, dầu thô, cà phê, gạo, hạt điều, cao su, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm điện tử và linh kiện… Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy tính và thiết bị điện tử, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, hóa chất, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may da giày…
Trên thực tế, một số hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam là các sản phẩm thủy sản như cá, tôm, cua… xuất khẩu sang thị trường khác Australia, New Zealand và Peru, hiện nay đã áp dụng mức thuế 0%; hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ (xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ) đang được hưởng mức thuế suất gần bằng 0% nên lợi ích từ các nhóm ngành hàng này sẽ không thể hiện rõ rệt khi Việt Nam ký kết TPP. Tuy nhiên, TPP được ký kết sẽ mang lại ưu đãi về thuế suất cho các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, giày dép đặc biệt là đối với thị trường Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ, EU, Nhật Bản là những thị trường truyền thống, chủ lực trong xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam (Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất). Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ đạt 7,46 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước (15,1 tỷ USD) và chiếm khoảng 7,6% thị trường dệt may tại Mỹ. Đến nay, hầu hết các mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đều chịu thuế suất bình quân 17,3%, cao nhất là 32% nên kỳ vọng vào TPP sẽ càng lớn hơn, vì khi đó dệt may của Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng mức thuế suất 0%, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 12 - 13%/năm, thay vì 7%/ năm như hiện nay.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 2,24 tỷ USD, tuy nhiên, tại Mỹ, giày dép Việt Nam mới chỉ chiếm được 6% về số lượng và 8% về giá trị. Khi TPP được ký kết, mức thuế suất nhập khẩu bình quân 14,3% hiện nay (thị trường Mỹ) sẽ giảm xuống còn 0%. Đó cũng sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận được các thương hiệu giày dép, túi xách lớn của thế giới. Tuy nhiên, để có được cơ hội này, ngành giày dép, túi xách Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức, cạnh tranh với các DN đầu tư nước ngoài, các yêu cầu khắc nghiệt về chất lượng giao hàng và hàng rào kỹ thuật, khả năng làm chủ thị trường nội địa, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu để đảm bảo điều kiện thụ hưởng thuế suất ưu đãi…
Một số lợi ích khi ký kết TPP
Để có thể tận dụng các lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP, Việt Nam cần quan tâm xem xét đến tất cả các yếu tố khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu như: những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay điều kiện phòng vệ thương mại, quy định về xuất xứ… ngay trong quá trình đàm phán cũng như thực hiện sau khi ký kết TPP. Chẳng hạn, đối với hàng dệt may, Việt Nam đang theo đuổi nguyên tắc xuất xứ “cắt và may” trong TPP thì dù hàng hoá với nguồn nguyên liệu từ các nước không là thành viên TPP vẫn được hưởng những ưu đãi thuế quan trong TPP.
Đáng chú ý, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi ích từ giảm thuế trong TPP cũng đồng nghĩa với hàng hóa các nước đối tác TPP nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng lợi ích tương ứng. Điều này có thể khiến cho:
i) Nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu giảm đi. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm thu ngân sách được dự kiến sẽ không lớn do nhiều nước trong TPP đã có FTA với Việt Nam.
ii) Cạnh tranh trong nước diễn ra gay gắt hơn do luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Điều này sẽ có tác động nhất định đến thị trường trong nước, đòi hòi các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố bất lợi trên thì Việt Nam cũng sẽ có một số lợi ích từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước TPP như người tiêu dùng và các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất, từ đó có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của những ngành này…
Sau các vòng đàm phán vừa qua, các nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể và các cuộc đàm phán đang tiếp diễn nhanh chóng theo chiều hướng có thể hoàn tất Hiệp định toàn diện, đầy tham vọng trong năm 2013 như mong đợi của các nhà lãnh đạo các nước TPP.
TPP - một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, một FTA của thế kỷ XXI có phạm vi đàm phán rất rộng và rất phức tạp, thực hiện với lộ trình rất ngắn, tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư, tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO (WTO+), siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật, tăng yêu cầu về môi trường….
Sau các vòng đàm phán vừa qua, các nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể và các cuộc đàm phán đang tiếp diễn nhanh chóng theo chiều hướng có thể hoàn tất Hiệp định toàn diện, đầy tham vọng trong năm 2013 như mong đợi của các nhà lãnh đạo các nước TPP.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 - 2013
TPP - Hiệp định thương mại tự do của thế kỷ XXI
(Tài chính) Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam kết nối với các nước thành viên khác trong việc phát triển kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thuận lợi cho thương mại và hiệu quả trong chuỗi cung ứng, hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ, được giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, cải thiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu…
Xem thêm