Trái pháp luật và vi phạm đạo đức kinh doanh


Thủ thuật chuyển giá được các chuyên gia nhận định là một trong những nguyên nhân của việc báo cáo lỗ thường xuyên của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo các quy định hiện hành, với tình trạng kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp đó tránh được việc nộp thuế. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, dù lỗ triền miên, nhưng các doanh nghiệp đó vẫn liên tục mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Theo Cục thuế TP.HCM, 60% trong 3.500 doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn Thành phố báo lỗ trong năm 2009, năm 2008 là 50% và năm 2007 là 70%. Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã tiến hành thanh tra thuế tại Khách sạn Equatorial (liên doanh giữa Công ty Dịch vụ tổng hợp Hoàng Việt và Công ty Planego – Hồng Kông) và Khách sạn Metropolitan (liên doanh giữa Công ty Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng và Công ty Saigon Metropolitan Ltd. Thuộc Tập đoàn British Virgin Island – Vương quốc Anh). Tại các cuộc thanh tra này, đã xác định được các khoản trốn thuế và lỗ lên tới hàng chục triệu USD.

Còn theo thống kê của tỉnh Lâm Đồng, tình trạng báo lỗ của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh này rất tồi tệ, khi có đến 104/111 doanh nghiệp có báo cáo lỗ trong năm 2009. (Báo Đầu tư đã đề cập tại số báo 83, ra ngày 12/7/2010)

Nhiều chuyên gia cho rằng, thủ thuật chuyển giá là một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, nói nôm na nghĩa là, các doanh nghiệp FDI dùng những phương thức khác nhau để trốn tránh các khoản thuế, phí thông qua việc báo lỗ trong hoạt  động kinh doanh, để rồi chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài.

Ông Thomas McClelland, chuyên gia thuế của Công ty kiểm toán Deloitte Vietnam, cho biết, khó khăn của cơ quan thuế tại Việt Nam trong việc thực hiện các quy định về chuyển giá bắt nguồn từ sự kém hiểu biết về hoạt động chuyển giá và sự thiếu dữ liệu trong những giao dịch chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

“Để giải quyết việc thiếu dữ liệu trong những giao dịch này, các cơ quan thuế cần sự hợp tác sâu hơn giữa các cơ quan liên quan, ví dụ như giữa kiểm toán và kê khai thuế.  Họ sẽ thu thập và phát triển dữ liệu đối với những giao dịch này.”

Theo ông McClelland, nhìn chung, những kết quả rất hạn chế trong những điều khoản quy định về chuyển giá dường như đang tạo ra nỗi thất vọng đối với các cơ quan thuế địa phương.

Mặc dù Thông tư 117/2005/TT- BTC  của Bộ Tài chính ban hành vào tháng 12/2005 đã có những quy định cơ bản về thủ thuật chuyển giá và những  yêu cầu về mặt cung cấp tài liệu, nhưng ông McClelland cho rằng, nhiều người nộp thuế vẫn lờ đi những yêu cầu  này và thậm chí, chỉ nộp những tài liệu bắt buộc đối với việc báo cáo về những giao dịch với các bên liên quan.

Một chuyên gia kinh tế có uy tín nhấn mạnh rằng, hoạt động chuyển giá sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hoạt động này đem về lợi nhuận cho công ty mẹ ở nước ngoài, nhưng lại tạo ra khoản lỗ giả cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

“Sẽ không khó cho các cơ quan thuế nhận biết được các thông tin dùng làm cơ sở để bác bỏ những báo cáo không đúng sự thật của doanh nghiệp”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó giám đốc Cục thuế TP.HCM cho biết, việc các doanh nghiệp FDI sử dụng thủ thuật chuyển giá để trốn thuế là điều không thể chấp nhận được.

“Các doanh nghiệp FDI hoạt động và kiếm lợi nhuận tại Việt Nam nên có trách nhiệm với việc kinh doanh của mình. Nếu họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận và sử dụng thủ thuật để trốn thuế, đó không chỉ là hành động trái pháp luật, mà còn là vấn đề về đạo đức,” ông Hạnh bình luận.

Mới đây, ngành thuế của Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ  đào tạo từ các chính phủ Nhật Bản và Australia, cũng như những dữ liệu mới cần thiết để có thể phát hiện thủ đoạn chuyển giá. “Cùng với Thông tư 66/2010/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 22/4/2010, các cơ quan thuế có thể lạc quan hơn về sự bắt buộc thi hành những quy định về chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI”, ông McClelland cho biết.

Theo: Đầu Tư