Tránh thất thu, phát sinh nợ đọng từ tham vấn giá

Theo haiquan.hochiminhcity.gov.vn

(Tài chính) Trong cuộc họp về công tác đốc thu của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vào tuần qua, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã lưu ý các đơn vị một số điểm mới trong Thông tư 29, tránh để thất thu, phát sinh nợ đọng.

Tránh thất thu, phát sinh nợ đọng từ tham vấn giá
Hải quan cảng sài Gòn KV4 kiểm tra sữa nhập khẩu. Nguồn: Internet

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26/02/2014 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Thông tư 205/2010/TT-BTC) có hiệu lực ngày 12/4/2014, có nhiều điểm mới trong công tác tham vấn giá.

Phó phòng Thuế XNK – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Toản cho biết, nội dung mới trong Thông tư 29 quy định: trong khâu thông quan, cơ quan Hải quan chỉ tổ chức tham vấn khi có nghi vấn đối với 2 đối tượng doanh nghiệp theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 175/2013/TT-BTC đó là: Doanh nghiệp rủi ro rất cao và doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu dưới 365 ngày.

Như vậy, theo quy định trên, công tác tham vấn giá tại khâu thông quan sẽ giảm đi nhiều so với quy định hiện hành. Các dấu hiệu nghi vấn sẽ được chuyển cho công tác kiểm tra sau thông quan. 

Ngoài 2 đối tượng doanh nghiệp nêu trên: 5 đối tượng doanh nghiệp còn lại theo quy định tại Thông tư số 175/2013/TT-BTC nếu đã nộp đủ thuế theo khai báo sẽ được chi cục hải quan cửa khẩu thông quan giải phóng hàng, kể cả mức giá khai báo có dấu hiệu nghi vấn thấp hơn cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan.

Đặc biệt, trong trường hợp này, các đối tượng doanh nghiệp này không cần đặt khoản bảo đảm, hồ sơ nghi vấn sẽ được Chi cục Hải quan cửa khẩu chuyển cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan kiểm tra, xử lý theo quy định (trong thời hạn 60 ngày từ ngày đăng ký tờ khai).

Với quy định nêu trên sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp trong khâu thông quan hàng hóa, công tác chống thất thu từ các dấu hiệu nghi vấn trong khâu thông quan sẽ được chuyển cho công tác hậu kiểm.  

Theo Thông tư số 175/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 15/01/2014) áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, quy định xếp hạng 7 đối tượng doanh nghiệp: Hạng 1 - Doanh nghiệp ưu tiên; Hạng 2 - Doanh nghiệp rủi ro rất thấp; Hạng 3 - Doanh nghiệp rủi ro thấp; Hạng 4 - Doanh nghiệp rủi ro trung bình; Hạng 5 - Doanh nghiệp rủi ro cao; Hạng 6 - Doanh nghiệp rủi ro rất cao và Hạng 7 - Doanh nghiệp hoạt động XNK dưới 365 ngày.

Theo quy định tại Thông tư 29, Chi cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra tại trụ sở hải quan hoặc trụ sở doanh nghiệp đối với 5 đối tượng nêu trên khi chi cục hải quan cửa khẩu xác định có dấu hiệu nghi vấn (giá thấp hơn Danh mục quản lý rủi ro).

Khi Chi cục Kiểm tra sau thông quan kết luận bác bỏ mức giá khai báo, điều chỉnh giá tính thuế cũng có nghĩa thuế sẽ phát sinh, Chi cục Kiểm tra sau thông quan chuyển kết luận cho chi cục hải quan cửa khẩu ra quyết định ấn định thuế bỏ sung và tính phạt chậm nộp theo Luật Quản lý thuế sau khi doanh nghiệp khai báo thuế bổ sung.

Do tại khâu thông quan doanh nghiệp không đặt khoản bảo đảm nên chi cục hải quan cửa khẩu phải tổ chức thu hồi số thuế phát sinh theo kết luật kiểm tra sau thông quan. Theo ý kiến của đại diện một số chi cục hải quan cửa khẩu, quy định này tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu khi bị truy thu thuế không có sự hợp tác của doanh nghiệp rất dẽ phát sinh nợ thuế do doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện.

Để thực hiện hiệu quả Thông tư 29, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các chi cục chủ động nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý những vướng mắc, phát sinh có thể xảy ra khi thực hiện chính thức Thông tư này./.