Triển khai tín dụng chính sách tại một số quốc gia châu Á và thực tiễn tại Việt Nam

ThS. TRẦN THÙY LINH

(Tài chính) Chính sách tín dụng là công cụ điều tiết của Nhà nước nhằm kích thích nền kinh tế cũng như thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của một nhóm đối tượng được chính sách hướng tới. Qua thực tiễn triển khai nguồn vốn này ở một số quốc gia châu Á, bài viết liên hệ tới tình hình triển khai chính sách này tại Việt Nam.

Chính sách tín dụng là công cụ điều tiết của Nhà nước. Nguồn: internet
Chính sách tín dụng là công cụ điều tiết của Nhà nước. Nguồn: internet

Công cụ hỗ trợ then chốt

Theo góc độ kinh tế, các chương trình tín dụng chính sách được thiết kế để khắc phục vấn đề ngoại ứng hay thông tin bất cân xứng, khiến thị trường tự thân không có khả năng phân bổ nguồn lực tối ưu đến các đối tượng hay khu vực kinh tế. Hiện nay, chương trình tín dụng ưu đãi đang được triển khai phổ biến tại các nước phát triển và đang phát triển trong vai trò là công cụ hỗ trợ phát triển then chốt. Tại khu vực châu Á, các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai từ thập niên 1960 và 1970, góp phần vào hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa, mở rộng xuất khẩu… Hoạt động này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động của hệ thống tài chính các nước trong khu vực và chủ yếu hướng vào hỗ trợ phát triển các lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp quan trọng. Cụ thể như:

Tại Nhật Bản: Tổng dư nợ của các chương trình tín dụng trực tiếp không vượt quá 15% tổng nguồn vốn huy động của hệ thống tài chính, tính cả nguồn tái cấp vốn qua ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại cũng không quá 20%. Nguồn vốn này được huy động từ tiết kiệm bưu điện và chủ yếu được thực hiện trực tiếp bởi các định chế tài chính thuộc Chính phủ. Các ngân hàng thương mại Nhật Bản cung cấp tín dụng cho xuất khẩu đặc biệt thông qua sổ tái cấp vốn của ngân hàng trung ương theo các hướng dẫn của Chính phủ. Việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn cũng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Theo đó, các khoản vay chính sách thẩm định độc lập theo một quy trình được thiết kế chi tiết và cẩn trọng; việc kiểm soát sử dụng vốn được thực hiện nghiêm ngặt và quá trình giải ngân dựa trên việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Nhờ vào việc kiểm soát chặt chẽ quy trình cho vay chính sách cùng với việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ mất vốn trong cho vay ở Nhật Bản ở mức thấp, thậm chí thấp hơn cả khu vực ngân hàng thương mại.

Tại Hàn Quốc: Các chương trình tín dụng của nước này trực tiếp tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực xuất khẩu và các tập đoàn công nghiệp lớn. Khác với Nhật Bản, chương trình cho vay ưu đãi của Hàn Quốc có quy mô lớn (trên 50%, sau này giảm xuống còn khoảng 30%); tỷ trọng lớn nguồn vốn này được tài trợ bởi ngân hàng trung ương. Bên cạnh các ngân hàng chuyên biệt cho vay chính sách, các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước của Hàn Quốc cũng tham gia mạnh mẽ vào cung ứng tín dụng chính sách. Không chỉ vậy, Chính phủ Hàn Quốc còn chủ trương khuyến khích vay nợ nước ngoài để làm giàu nguồn vốn cho vay chính sách. Về vấn đề kiểm soát hoạt động phân bổ và sử dụng nguồn vốn, tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thực hiện quy trình kiểm tra, việc phân bổ và sử dụng vốn vay chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Tại Ấn Độ và Trung Quốc: Hai nước này cũng sử dụng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện và các nguồn tiết kiệm dài hạn khác để tạo nguồn cho tín dụng chính sách, tuy nhiên, do tỷ trọng vốn tài trợ từ ngân hàng trung ương cho chương trình quá lớn, dẫn tới tỷ lệ lạm phát trong nước tăng cao. Hơn nữa, quy trình kiểm tra, giám sát ở hai nước này lại không được thực hiện một cách chặt chẽ, lỏng lẻo trong giải ngân vốn cho vay và sử dụng nguồn vốn phân tán, khiến cho hiệu quả đạt được từ chương trình thấp. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu của chương trình này rất cao…

Tại khu vực châu Á, các chương trình tín dụng chính sách chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động của hệ thống tài chính các nước trong khu vực và chủ yếu hướng vào hỗ trợ phát triển các lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp quan trọng.

Thực tiễn tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các chương trình tín dụng chính sách cũng được xác định là kênh phân bổ nguồn vốn quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn của hệ thống tài chính (chiếm khoảng trên 20% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tài chính). Khác với các nước trong khu vực, do hệ thống tiết kiệm bưu điện tại Việt Nam chưa phát triển mạnh, cho nên nguồn vốn chính cung cấp cho hoạt động tín dụng chính sách cũng chưa nhiều; phần lớn được bao cấp bởi ngân sách nhà nước (NSNN) và huy động từ các ngân hàng thương mại (NHTM), thông qua việc phát hành trái phiếu bảo lãnh Chính phủ; đôi khi còn sử dụng từ nguồn vốn ODA và các quỹ khác của Chính phủ… Trái phiếu được phát hành bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP). Nguồn vốn này đã góp phần vào hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Kể từ thời điểm đi vào hoạt động đến nay, tổng số vốn VDB giải ngân lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay đã tăng hơn hai lần so với năm 2006, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/ năm và chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tín dụng đầu tư của Nhà nước do VDB thực hiện đã tập trung có hiệu quả vào các chương trình phát triển cơ khí trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất thép, xi măng, nông nghiệp và nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ… Với hiệu quả hoạt động và uy tín cao, ngay trong điều kiện khó khăn của tài chính thế giới, VDB vẫn được đối tác nước ngoài tin cậy giao cho những nguồn vốn lớn; thị trường xuất khẩu được tài trợ bằng vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước qua VDB được mở rộng từ gần 50 nước ra hơn 120 nước. Với doanh số cho vay khoảng 5 tỷ USD trong các năm qua, hoạt động tín dụng xuất khẩu đã giúp các DN giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế; giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới. Đặc biệt, thông qua các hình thức hỗ trợ gián tiếp (như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất...), VDB còn tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các chủ đầu tư tiếp cận được các nguồn vốn của NHTM, góp phần đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tương tự VDB, VBSP kể từ khi thành lập đến nay cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là: Tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, VBSP đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 7 chương trình tín dụng lớn (chiếm tới trên 98% tổng dư nợ), gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm và cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%...

Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm triển khai chương trình tín dụng chính sách của các nước trong khu vực và thực tiễn hoạt động của hai ngân hàng VDB và VBSP, có thể thấy rằng: Chương trình tín dụng chính sách vẫn còn khá tồn tại nhiều hạn chế, khiếm khuyết cả về cơ chế, chính sách và năng lực, đòi hỏi trong thời gian tới cần phải chuyển biến mạnh mẽ về quy mô lẫn năng lực. Quy mô đầu tư của VDB và VBSP hiện còn chưa tương xứng với nhu cầu khách quan, những kết quả ban đầu không chỉ dừng lại ở những con số, mà còn ở những đóng góp sâu sắc hơn trong việc phục vụ chủ trương, chính sách và cả những quan điểm, ý tưởng và tư duy kinh tế của lãnh đạo Ðảng, Chính phủ trong tiến trình đổi mới thể chế, cũng như thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.