Triển vọng 2015: Kinh tế tiếp tục xu thế phục hồi
(Tài chính) Đây là nhận định chung được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đưa ra trong Báo cáo tình hình kinh tế 2014 và triển vọng 2015.
Kinh tế “ngoại” ấm dần
Theo UBGSTCQG, để đảm bảo tăng trưởng phục hồi, sang năm 2015 nhiều quốc gia sẽ nới lỏng chính sách tài khóa và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Đó là những tín hiệu tích cực, được các tổ chức quốc tế như IMF, OECD lấy làm cơ sở để dự báo tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2014, ở mức 3,8% (IMF) và 3,7% (OECD) tăng 0,5 - 0,4 điểm phần trăm so với mức ước tính cho năm 2014. Trong đó, tăng trưởng thương mại thế giới được dự báo sẽ phục hồi ở mức 4% (tăng khá so với mức 3,1% năm 2013 và 2,1% năm 2012), đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức 1,8 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, trong năm 2015 phục hồi tăng trưởng vẫn có thể gặp không ít bất trắc do ngân sách và tình hình nợ công của các nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu chưa có nhiều chuyển biến với con số dự báo 208,8 triệu người không có việc làm trong năm 2015; khủng hoảng chính trị, xung đột leo thang sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Theo IMF, khủng hoảng kinh tế tại Nga nếu tiếp tục gia tăng có thể đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính mới và đẩy châu Âu vào suy thoái cũng như gây ra sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Dự báo tăng trưởng một số nền kinh tế chủ chốt, UBGSTCQG cho rằng, nền kinh tế Mỹ tiếp tục đi đúng hướng, dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,1%. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhanh hơn và lạm phát sẽ quay trở lại ngưỡng mục tiêu. Fed dự báo lãi suất USD sẽ bắt đầu tăng trong năm tới.
Với châu Âu, mặc dù nhiều thách thức, nhưng kỳ vọng sẽ phục hồi hơn năm 2014 nhờ vào các yếu tố: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ; Ủy ban châu Âu đã đưa ra chương trình đầu tư mới và đồng Euro yếu hơn sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh. Kinh tế châu Âu dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 1,3% dựa trên đầu tư và xuất nhập khẩu. Thâm hụt ngân sách và nợ công của khu vực sẽ được cải thiện, lần lượt ở các mức 2,1% GDP và 97% GDP. Cùng với đó, lạm phát, thất nghiệp sẽ dần được giải quyết.
Ở khu vực châu Á, Nhật Bản đã đạt được một số kết quả nhất định nhờ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tuy nhiên do các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế không triệt để nên dự báo chỉ tăng trưởng 0,9% từ mức 1,5% của năm 2014. Trung Quốc, dự báo tăng trưởng 7,1% nếu không khôi phục cầu nội địa và có những chính sách kinh tế phù hợp. Mặt khác, nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh toàn cầu về vốn và tài nguyên.
Ngoài ra, UBGSTCQG cũng cho rằng, giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm, nhất là giá năng lượng. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2015, giá năng lượng sẽ giảm 4,7%, giá nông sản giảm 1,1% (trong đó giá gạo giảm 2,4%, cà-phê giảm 6,8% và đường giảm 2,6%), giá vàng giảm 2,7%.
Kinh tế “nội” nhiều triển vọng
Theo UBGSTCQG, sang năm 2015 có nhiều yếu tố thuận lợi để kinh tế Việt Nam tiếp tục xu thế tăng trưởng, đầu tiên là tổng cầu sẽ phục hồi do tiêu dùng tăng nhờ lạm phát thấp trong năm 2014 giúp cải thiện sức mua của người dân. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân cũng sẽ được cải thiện do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của DN và hộ gia đình. Đồng thời, những giải pháp chính sách hỗ trợ SXKD, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm lãi suất trong thời gian qua sẽ giúp giảm chi phí sản xuất cũng như chi phí tài chính, nâng cao hiệu quả sinh lời của DN để có động lực mở rộng sản xuất trong năm 2015.
UBGSTCQG cũng dự báo, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn nhờ những lựoi thế mà Hiệp định TPP được ký kết trong năm 2015. Đồng thời, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên theo UBGSTCQG, giá dầu giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến thu và cân đối ngân sách, với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60USD/thùng, thì số thu từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37 nghìn tỷ đồng so với dự toán (tương đương với 4% tổng thu NSNN) và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014. Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014, thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng 6.000 tỷ đồng. Do vậy, tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu NSNN năm 2015.
Với những yếu tố trên, UBGSTCQG nhận định, năm 2015 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng, trong đó quý I/2015 được dự báo sẽ tăng 5,4%, cao hơn cùng kỳ 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.