Triển vọng kinh tế thế giới
Tăng trưởng trong khó khăn, triển vọng khả quan
Liên tục trong các tháng cuối năm, các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cho năm 2013 và năm 2014. Liên hiệp quốc (UN) trong tháng 12/2013 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 từ 2,3% xuống còn 2,1% năm 2013 và từ 3,1% xuống còn 3,0% năm 2014. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 10/2013 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,1% xuống 2,9% năm 2013, và từ 3,8% xuống 3,6% năm 2014; UNCTAD trong tháng 09/2013 đưa ra mức dự báo tăng trưởng năm 2013 là 2,2%.
Triển vọng trong ngắn hạn, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu từ việc thu hẹp gói nới lỏng định lượng năm 2014. Trong trung hạn, nguy cơ nợ công vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại tại các nước phát triển.
Tăng trưởng các nước phát triển tại Khu vực đồng Euro (Eurozone) và Nhật Bản có xu hướng phục hồi trong nửa cuối năm 2013, trong khi kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm. Tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2013 chậm hơn so với 2012 do lực cản đến từ việc củng cố tài khóa nhưng được dự báo sẽ phục hồi mạnh trong năm 2014.
Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ, cụ thể: UN (tháng 12/2013) điều chỉnh giảm dự báo GDP của Mỹ từ 1,9% xuống 1,6% trong năm 2013 và từ 2,6% xuống 2,5% trong năm 2014 (so với dự báo tháng 5/2013); IMF (tháng 10/2013) hạ dự báo GDP của Mỹ từ 1,7% xuống 1,6% năm 2013 và từ 2,7% xuống 2,6% năm 2014. Trên thực tế, tăng trưởng GDP của Mỹ đã giảm đáng kể trong quý III/2013 do niềm tin tiêu dùng giảm, sau hai quý đầu có nhiều cải thiện.
Tăng trưởng kinh tế của Eurozone không ổn định trong năm 2013, tuy nhiên dự báo có dấu hiệu hồi phục trong năm 2014. GDP quý I/2013 đạt -0,2% (quý so với quý), sau đó, đã tăng đạt 0,3% trong quý II/2013, tuy nhiên GDP quý III/2013 đã giảm và chỉ đạt 0,1%. Do nhu cầu toàn cầu tăng lên và các điều kiện cho vay trong lĩnh vực tư nhân dần được cải thiện trong quý III/2013 nên IMF đã điều chỉnh tăng dự báo GDP của khu vực này lên mức -0,4% trong năm 2013 và 1,0% trong năm 2014.
Tăng trưởng của Nhật Bản đã giảm trong 3 quý đầu năm 2013, tuy nhiên các hoạt động kinh tế trong quý IV/2013 và quý I/2014 được dự báo sẽ cải thiện. Trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm do Chính phủ Nhật sẽ giảm quy mô các gói kích thích giảm cùng với tăng thuế tiêu dùng. Theo IMF (tháng 10/2013) và UNCTAD (tháng 9/2013), tăng trưởng của Nhật sẽ đạt 2,0% trong năm 2013 nhưng năm 2014 chỉ đạt 1,2%.
Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục trong năm 2013, tuy nhiên, có thể chậm lại trong năm 2014. Nguyên nhân chính là do chương trình mở rộng tín dụng có thể không bền vững trong dài hạn. IMF đã hạ dự báo GDP của Trung Quốc xuống 7,6% trong năm 2013 và 7,3% trong năm 2014 (giảm tương ứng 0,2% và 0,4% so với dự báo tháng 7/2013). Tương tự, UN cũng đã hạ dự báo GDP của Trung Quốc xuống 7,7% và 7,5% trong năm 2013 và 2014 (giảm tương ứng 0,1% và 0,2% so với dự báo tháng 5/2013).
Kinh tế ASEAN - 5 có xu hướng tăng trưởng chậm trong năm 2013. Trong đó, kinh tế Philippines tăng trưởng mạnh, GDP đạt 7,7% trong quý I/2013, nhưng sau đó, đã giảm chỉ còn 7,5% trong quý II/2013 và xuống 7,0% trong quý III/2013 (theo năm). Tăng trưởng tại Philippines có được chủ yếu là do chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu công tăng mạnh cùng với đầu tư tăng. Cùng chung xu hướng giảm, tại Indonesia, GDP cũng đã giảm từ mức 6,0% trong quý I/2013 (năm so với năm) xuống còn 5,8% trong quý II/2013 và chỉ đạt 5,6% trong quý III/2013.
Tại Thái Lan, GDP đã giảm từ mức 5,4% trong quý I/2013 xuống còn 2,9% trong quý II/2013 do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu sụt giảm và tiếp tục giảm xuống còn 2,7% trong quý III/2013 do sự sụt giảm từ tiêu dùng của các hộ gia đình và đầu tư giảm.
Lạm phát giảm tại nhiều quốc gia và khu vực
Giá hàng hóa trên thị trường thế giới trong năm 2013 nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước do tăng trưởng chậm lại của các nước mới nổi. Giá cả hàng hóa giảm đã làm giảm áp lực lạm phát tại nhiều khu vực và các nước. Theo IMF, áp lực lạm phát giảm tại nhiều quốc gia do hai nguyên nhân: (i) chênh lệch sản lượng chưa được thu hẹp dù đã có sự phục hồi kinh tế tại các nền kinh tế lớn; (ii) giá cả hàng hóa đã hạ nhiệt trong bối cảnh nguồn cung được cải thiện và nhu cầu tăng trưởng thấp hơn từ các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực các nước mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.
Đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền
Chỉ số giá đồng USD tăng so với hầu hết các đồng tiền khác trên thị trường tiền tệ. Tính trung bình trong tháng 12 năm 2013 (tính đến 22/12/2013), đồng USD tăng giá so với các đồng tiền: Đô la Úc (2,5%) và ở mức 0,88; Yên Nhật (1,97%) và ở mức 104,42; Won Hàn Quốc (0,34%) và ở mức 1061,35; trong khi chỉ giảm giá so với đồng Bảng Anh (1,14%) và ở mức 1,36; đồng Nhân dân tệ (0,03%) và ở mức 6,07.
Xu hướng dịch chuyển dòng vốn
Theo ước tính của OECD, dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2013 sau một năm suy giảm. FDI toàn cầu trong quý I/2013 đạt 355 tỷ USD (tăng 12% so với quý IV/2012) do vốn đầu tư tăng mạnh từ các quốc gia thuộc nhóm G-20 không phải thành viên OECD, đặc biệt là Liên bang Nga (vốn đầu tư ra nước ngoài tăng gấp 7 lần so với quý IV/2012, đạt 56 tỷ USD). Theo IMF, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nước mới nổi và đang phát triển có khả năng giảm trong giai đoạn 2013 - 2014.
Ngược lại, dòng vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc kể từ năm 2009 đến nay vẫn tiếp tục tăng do tiết kiệm tăng mạnh trong giai đoạn 2000 - 2006 từ xuất khẩu và đầu tư đã thúc đẩy khối tư nhân của Trung Quốc tìm kiếm đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các tài sản an toàn hơn, điển hình là các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí.
Thương mại toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại
Thương mại toàn cầu có thể hồi phục vào năm 2014, tuy nhiên, vẫn thấp hơn mức trung bình 5,4% của cả giai đoạn 1982 - 2012. Theo đó, WTO (tháng 09/2013) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2013 tăng 2,5% và năm 2014 tăng 4,5% (giảm tương ứng 0,8% và 0,5% so với dự báo tháng 04/2013) do các cú sốc về kinh tế vĩ mô và xuất hiện nhiều hình thức bảo hộ thương mại mới.
Những thách thức đối với kinh tế thế giới
Kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2014, tuy nhiên ngoài những rủi ro hiện hữu thì cũng đã xuất hiện những rủi ro mới tác động đến kinh tế các nước và khu vực thông qua hai kênh truyền dẫn chủ yếu là thương mại quốc tế và tài chính quốc tế. Điều này đặt ra những thách thức trong ngắn hạn và dài hạn đòi hỏi các quốc gia cần có những phản ứng chính sách phù hợp để đối phó:
Một là, nếu các thỏa thuận về mức trần nợ công của Mỹ không đạt được trong năm 2014, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục lâm vào cuộc khủng hoảng mới. Trong ngắn hạn, nếu tiếp tục những bất đồng dẫn đến việc đóng cửa Chính phủ lâu hơn sẽ tạo ra tác động xấu tới nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Hai là, rủi ro về khả năng thu hẹp dần các chương trình kích thích tiền tệ của Mỹ trong thời gian tới. Theo đó, khu vực Đông Á- Thái Bình Dương cần phải sẵn sàng đối phó với sự gia tăng lãi suất từ các nền kinh tế phát triển. Dự kiến, với tốc độ nới lỏng định lượng của gói QE3 như hiện tại thì đến năm 2015, Mỹ sẽ đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6,5%, khi đó nhiều khả năng Mỹ sẽ thu hẹp gói nới lỏng định lượng dẫn đến việc tăng lãi suất. Dòng vốn khi đó sẽ đảo chiều ra khỏi các quốc gia mới nổi và đang phát triển để quay trở lại các nước phát triển hưởng lãi suất cao hơn.
Ba là, vấn đề nợ công châu Âu chưa thể được giải quyết trong trung và dài hạn gây khó khăn cho tăng trưởng toàn cầu. Dư địa chính sách tài khóa không nhiều nên có khả năng gây khó khăn trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của khu vực và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Mục tiêu củng cố tài khóa cũng đồng nghĩa với việc các nước phát triển sẽ có những động thái cải cách thuế gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia khác qua kênh trao đổi thương mại hàng hóa với thị trường các nước khác. Ngoài ra, nguy cơ từ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc trong các năm sắp tới có thể tác động tiêu cực đến các nước xuất khẩu sang thị trường này.
Bốn là, tỷ lệ thất nghiệp liên tục ở mức cao, đặc biệt ở các nước phát triển, vẫn là thách thức chính sách trong trung và dài hạn bởi thất nghiệp cao tạo gánh nặng cho xã hội khi mà chính phủ phải chi một khoản không nhỏ cho các vấn đề an sinh - xã hội và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tác động đến Việt Nam
Các tổ chức đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có dấu hiệu phục hồi trong năm 2014, cụ thể IMF và WB cùng đưa ra mức dự báo tăng trưởng đạt 5,4%, ADB dự báo 5,5% (mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012). Đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2013 cùng bước tiến trong việc thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ là hai trong số những nguyên nhân chính khiến các tổ chức quốc tế nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014.
ADB hạ dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2014 xuống mức 7,2% (giảm 1% so với dự báo tháng 7/2013) do giá một số mặt hàng đã được kiểm soát và diễn biến ổn định. Theo ADB, chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng có thể kích thích lạm phát tăng nhẹtrở lại trong năm 2014. Trong khi đó, IMF điều chỉnh tăng dự báo lạm phát cho cả năm 2014 lên mức 7,9% (tăng 0,5% so với dự báo tháng 7/2013).
Những biến động và thách thức của kinh tế toàn cầu đã và đang tác động đến Việt Nam trên các kênh chủ yếu sau:
Thứ nhất, trong năm 2014, việc Mỹ điều hành chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất có thể gây tác động nhất định đến thị trường tài chính ngân hàng của Việt Nam. Với tỷ giá trong nước được khống chế bằng biên độ cố định, việc tăng lãi suất bằng USD có thể làm tăng lãi suất điều hành đồng nội tệ trong ngắn hạn. Trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì việc tăng lãi suất có thể có tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Ngoài ra, theo IMF, các nước châu Á trong đó có Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Thêm vào đó, việc tăng lãi suất của FED sẽ tạo hiệu ứng rủi ro rút vốn gián tiếp trong ngắn hạn và vốn trực tiếp trong dài hạn ra khỏi các nước mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, cần có biện pháp chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất, nhằm ứng phó với các cú sốc về phản ứng chính sách tiền tệ từ Mỹ.
Thứ hai, trước thực tế kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường phát triển và mới nổi (đặc biệt là Mỹ) ngày càng tăng trong thời gian qua, Việt Nam có thể chịu nhiều ảnh hưởng từ việc điều chỉnh chính sách tài khóa của Mỹ. Nợ công vẫn tăng trong các năm tới (theo dự báo của các tổ chức) làm gia tăng khả năng thắt chặt tài khóa hơn nữa (thông qua các biện pháp tăng thuế) sẽ tác động trực tiếp lên cầu hàng hóa nhập khẩu tại các nước phát triển.
IMF đã cảnh báo về nguy cơ truyền dẫn rủi ro tài khóa thông qua kênh thương mại quốc tế từ các nước phát triển như Mỹ và Eurozone sang các nước đang phát triển châu Á, trong đó có Việt Nam. Tương tự, các nước mới nổi (trong đó có Ấn Độ) đang tiến hành điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa như thực phẩm (mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) cũng sẽ gây khó khăn nhất định đến việc tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường này.
Thứ ba, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong những năm tới. Kim ngạch xuất khẩu giảm sẽ gây ra rủi ro đối với cán cân thanh toán, giảm dự trữ ngoại tệ và tác động tới chính sách điều hành tỷ giá, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Xu hướng tạo dựng hàng rào bảo hộ thương mại là nguyên nhân khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu có dấu hiệu chậm lại trong năm 2013 và có thể chậm hơn trong các năm tới.
Tài liệu tham khảo:
* Nhóm nghiên cứu tài chính quốc tế gồm: ThS. Lê Phương Ninh, ThS. Nghiêm Thị Thuý Hằng, ThS. Trần Thị Quỳnh Hoa, ThS. Trần Thị Hà, ThS. Vũ Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Phương Thuý.
1. Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2013 (Viện Chiến lược và chính sách Tài chính);
2. Báo cáo Đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2014 (Bộ Tài chính);
3. Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2013 (Tổng Cục Thống kê);
4. Nghị quyết số 54/2013/QH13 về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013;
5. Nghị quyết số 53/2013/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 .
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 và những tác động đến Việt Nam
(Tài chính) Kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2014. Tuy nhiên, ngoài những rủi ro hiện hữu thì cũng đã xuất hiện những rủi ro mới tác động đến kinh tế các nước. Bài viết điểm qua tình hình kinh tế thế giới trong năm 2013, những dự báo cho năm 2014 và những tác động của xu hướng mới đến kinh tế Việt Nam
Xem thêm