Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013 (*)

TS. Nguyễn Hồng Nga - Nhật Trung

Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn ở trong bức tranh suy thoái, kinh tế Việt Nam vẫn là một trong các điểm sáng hiếm hoi, tuy rằng nền kinh tế của đất nước hình chữ S vẫn còn nhiều điều phải làm để đạt được các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Vậy triển vọng trong năm 2013 ra sao, liệu kinh tế của đất nuớc "con rồng cháu tiên" có thể vượt qua được thách thức, tận dụng những cơ hội để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong nỗ lực đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh?

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013 (*)
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Một số dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam

Tuy còn nhiều thách thức, nhưng năm 2012 vẫn để lại một vài điểm sáng: xuất khẩu tăng 18,3% dù nhu cầu bên ngoài vẫn còn yếu; cán cân thương mại thặng dư sau 19 năm nhập siêu; lạm phát được kiềm chế ở mức 6,8% so với mức 18,13% của năm 2011; dự trữ ngoại hối tăng đáng kể; dòng vốn FDI tiếp tục được duy trì bất chấp kinh tế toàn cầu phục hồi chậm.

Với sự lạc quan thận trọng, chúng tôi hy vọng năm 2011 sẽ là một năm sáng hơn so với năm 2012. Các dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế đều có cái nhìn lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong năm 2013 so với năm 2012.

Cụ thể, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2013, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có thể đạt 5,9%; theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): 5,7%; theo Ngân hàng Thế giới (WB): 5,5%; theo HSBC: 5,5%.

Lạm phát năm 2013, theo đa số các dự báo, vẫn được duy trì ở mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2012, thậm chí WB còn dự báo lạm phát bình quân năm còn giảm xuống mức 8% so với mức 9,2% của năm 2012.

Triển vọng năm 2013

Thứ nhất, về tăng trưởng và lạm phát. Chúng tôi cho rằng, với mục tiêu tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; chính sách tài khóa chặt chẽ thì tổng cầu trong năm 2013 sẽ tiếp tục xu hướng tăng chậm, không quá cao so với năm 2012. Tiêu dùng rất có thể sẽ là tác nhân chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi FDI, FII tiếp tục xu hướng giảm, đầu tư tư nhân có xu hướng hồi phục dần khi lãi suất hiện tại đã ở mức thấp nhưng chưa đủ mạnh. Cùng với điều kiện kinh tế thế giới phục hồi, việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng và lạm phát trong năm 2013 như Nghị quyết Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý một số rủi ro có thể phát sinh. Trong năm 2013, sẽ không có những cú sốc điều chỉnh giá như việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2012, nhưng: (1) Nếu thực hiện việc nới lỏng chính sách tiền tệ sớm cùng với bơm tiền trực tiếp để giải cứu bất động sản, xử lí nợ xấu và hỗ trợ doanh nghiệp có thể khiến rủi ro tiền tệ trong nước tăng lên; (2) Rủi ro tăng giá hàng hóa năng lượng và lương thực thế giới (theo dự báo của IMF là 2% trong năm 2013) làm hàng hóa trong nước tăng; (3) Rủi ro nhập khẩu lạm phát do nhiều quốc gia thực hiện các gói kích thích tài chính đều là các nguy cơ để rủi ro lạm phát cao quay trở lại.

Thứ hai, tỉ giá USD/VND và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Chúng tôi cho rằng, áp lực ngoại tệ trong năm 2013 là không lớn do cầu ngoại tệ tiếp tục giảm; GDP dự báo tăng 5,5% chủ yếu là do nhân tố tiêu dùng trong nước với áp lực nhập siêu giảm bớt; tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục giảm trong khi lượng cung ngoại tệ tiếp tục tăng do lãi suất huy động VND dù giảm, nhưng vẫn hấp dẫn hơn lãi suất bằng ngoại tệ. Do vậy, chúng tôi cho rằng, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2013 và tỉ giá USD/VND sẽ điều chỉnh theo hướng VND giảm giá nhẹ khoảng 1% để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu và mức lạm phát của Việt Nam so với các nước đối tác.

Thứ ba, cán cân thanh toán không còn là vấn đề đáng lo ngại, chí ít là trong tương lai gần, khi năm 2012, cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang thặng dư, giúp loại bỏ thâm hụt thương mại cao trước đây đã hạn chế tác động tích cực của các dòng vốn FDI, ODA và kiều hối; đồng thời, cán cân thanh toán năm 2012 ước thặng dư khoảng 10 tỉ USD. Chúng tôi dự báo thặng dư cán cân thanh toán trong năm 2013 sẽ giảm nhẹ so với năm 2012 do nhập siêu có thể quay trở lại gây ra thâm hụt thương mại khoảng 1-2 tỉ USD, trong khi cán cân vốn sẽ ổn định nhờ dòng vốn vào ổn định.

Thứ tư, về lãi suất. Cuối năm 2012, lãi suất điều hành và lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh. Tình hình kinh tế khó khăn, hàng tồn kho lớn, nợ xấu tăng ở mức 8,8% là những nhân tố chủ yếu làm giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng. Khi vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo được giải quyết, tăng trưởng sẽ có cơ hội tăng lên. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 của NHNN ở mức 12% có thể đạt được. Lãi suất huy động dưới 1 năm được duy trì ở mức 7-8%/năm và lãi suất cho vay sẽ ở mức 10-11%/ năm cho kì hạn ngắn và 12-14%/ năm cho kì hạn dài nếu lạm phát được kiểm soát ở mức 7% trong năm 2013.

FinancePlus.vn trích đăng bài viết này từ bài "Kinh tế thế giới và Việt Nam: Những điểm nhấn năm 2012 và triển vọng năm 2013" được đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 2+3/2013. Tít bài do FinancePlus.vn đặt.