Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam đang dần rõ ràng hơn
Nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá tích cực về những cải tiến sắp tới của Việt Nam liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin, quy trình giao dịch và thanh toán bù trừ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Yang Seung Won - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam bày tỏ quan điểm lạc quan về tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phóng viên: Ông nhận định ra sao về tiến trình Việt Nam triển khai các giải pháp cho câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán?
Ông Yang Seung Won: Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn đang được phân loại là thị trường cận biên do vẫn cần cải thiện hai nhóm vấn đề chính: (1) Cơ sở hạ tầng thị trường như quy trình giao dịch và thanh toán bù trừ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; (2) khả năng tiếp cận thị trường cũng như đảm bảo quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tôi cho rằng triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi đang dần rõ ràng hơn khi các giải pháp đang được khẩn trương triển khai nhằm gỡ bỏ những nút thắt như qui định công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp niêm yết, bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài,… cũng như gấp rút chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để sớm đưa hệ thống mới vào vận hành.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, dự thảo cuối cùng sửa đổi cho các thông tư liên quan đến vấn đề giao dịch, đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin sẽ được công bố ngay trong tháng 7 này và được đánh giá khả thi bởi các tổ chức xếp hạng thị trường.
Nếu dự thảo thông tư sửa đổi được thông qua, FTSE cần ít nhất 6 tháng để tham vấn ý kiến của các nhà đầu tư về các nội dung cải cách. Vì vậy, kịch bản khả thi nhất cho kỳ vọng FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi sơ cấp là vào tháng 3/2025.
Và nếu tiếp tục có tiến triển đối với vấn đề room ngoại, triển khai hệ thống giao dịch mới và mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ được MSCI đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ xem xét tháng 6/2025 và chính thức nâng hạng vào năm 2026 nếu được các nhà đầu tư tham gia thị trường đánh giá tích cực.
Phóng viên: Từ kinh nghiệm thị trường Hàn Quốc, nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại ra sao, thưa ông?
Ông Yang Seung Won: Theo kinh nghiệm từ Hàn Quốc, thị trường chứng khoán sẽ có những bước tiến vượt bậc khi được nâng hạng nhờ những cải cách trong lĩnh vực tài chính và cải tiến hạ tầng giao dịch đã giúp thu hút được dòng vốn quốc tế mạnh mẽ và duy trì ổn định những năm sau đó.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Hàn Quốc ước tính đã tăng từ dưới 10% vào đầu những năm 1990 lên hơn 30% trong thập niên tiếp theo. Nhờ đó, thanh khoản gia tăng đáng kể và định giá cổ phiếu cũng được cải thiện, không chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết mà còn tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế.
Tương tự với Việt Nam, chúng tôi cũng kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh khi thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Mới đây, Ngân hàng Thế giới cũng đã nhận định việc nâng hạng thị trường sẽ là lực đẩy quan trọng cho thị trường vốn khi tăng khả năng tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và điều này giúp Việt Nam thu hút thêm 25 tỷ USD vốn đầu tư quốc tế đến năm 2030.
Phóng viên: Qua tiếp xúc công việc, ông nhận thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc kỳ vọng ra sao về việc thị trường Việt Nam được nâng hạng?
Ông Yang Seung Won: Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, chúng tôi mới nhìn thấy Việt Nam quyết liệt với mục tiêu nâng hạng thị trường mới nổi đến vậy. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá tích cực với những cải tiến sắp tới của Việt Nam trong vấn đề minh bạch thông tin, gỡ bỏ nút thắt pre-funding và khẩn trương kiểm thử để đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành. Phần lớn các nhà đầu tư đều kỳ vọng rằng một, hai năm tới sẽ là thời điểm bước ngoặt, mở ra giai đoạn hoàng kim cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phóng viên: Các công ty chứng khoán vốn là đơn vị trung gian kết nối với nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng cần phải chuẩn bị mọi mặt nhằm đáp ứng các tiêu chí cho câu chuyện nâng hạng. Nhìn nhận của ông ra sao về khía cạnh này?
Ông Yang Seung Won: Thời gian gần đây, các công ty chứng khoán liên tục rượt đuổi nhau trong cuộc đua tăng vốn và đầu tư vào công nghệ. Chúng tôi tin rằng các công ty chứng khoán đang dẫn đầu xu hướng này đã sẵn sàng cho tiến trình nâng hạng thị trường khi có thể đáp ứng được qui mô giao dịch lớn hơn sau khi nâng hạng cũng như các yêu cầu cao hơn của nhà đầu tư nước ngoài.
Phóng viên: Vậy với riêng Chứng khoán Shinhan, Công ty đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Đối với Chứng khoán Shinhan Việt Nam, chúng tôi cũng đang trong tiến trình đẩy mạnh tăng vốn, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số để nâng cấp năng lực tài chính, nâng cấp hệ thống giao dịch, mang đến những dịch vụ tốt nhất với chi phí thấp nhất cho nhà đầu tư.
Gần đây, chúng tôi cũng đã thực hiện chính sách “Miễn phí giao dịch trọn đời” cho nhà đầu tư trong nước cũng như đưa ra mức phí giao dịch hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Ngoài ra, hiện tại chúng tôi đã sẵn sàng cơ sở hạ tầng để vận hành hệ thống mới và tăng cường hệ thống quản trị rủi ro, đủ khả năng cung cấp các dịch vụ mới cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài khi Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!