Nâng hạng thị trường chứng khoán giúp nâng cao vị thế thị trường tài chính Việt Nam
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp gia tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời góp phần giúp nâng cao vị thế thị trường tài chính Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị đón sinh nhật tuổi 24 (20/7/2000 - 20/7/2024) cùng với một mục tiêu lớn được cơ quan quản lý theo đuổi nhiều năm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Nhân dịp này, ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á đã có những chia sẻ với Tạp chí Tài chính.
Phóng viên: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã vận hành 24 năm. Là người đồng hành cùng với thị trường ngay từ khi mới thành lập. Ông có đánh giá gì về sự phát triển của thị trường?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 24 năm vận hành và phát triển, ghi nhận nhiều dấu mốc quan trọng và đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước.
Về mặt quy mô, vốn hóa thị trường tăng trưởng vượt bậc, đạt 56% GDP vào cuối năm 2023, và đến tháng 6/2024 vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 65% so với GDP năm 2023.
Số lượng tài khoản tăng nhanh, đạt hơn 8 triệu tài khoản vào năm 2024, tương đương 8% dân số.
Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân năm 2023 đạt hơn 18.000 tỷ đồng/phiên, 6 tháng đầu năm 2024 bình quân đạt hơn 24.000 tỷ đồng/phiên.
Về mặt sản phẩm, hệ thống sản phẩm chứng khoán được đa dạng hóa, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, chứng quyền bảo đảm… Các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai, quyền chọn cũng được triển khai.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thị trường chứng khoán trong nước vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục phấn đấu như quy mô thị trường còn nhỏ so với tiềm năng, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường còn thấp, chất lượng thông tin thị trường chưa cao…
Phóng viên: Sau hơn 20 năm vận hành, một trong những vấn đề thị trường đặc biệt quan tâm hiện nay là tiến trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Ông nhìn nhận ra sao về nỗ lực triển khai các giải pháp của các cơ quan liên quan cho tiến trình cũng như đáp ứng tiêu chí cho nâng hạng thị trường?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi là một cơ hội lớn. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để hướng tới mục tiêu này.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, đề ra các mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện để nâng hạng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường...
Về đáp ứng các tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE và MSCI, Việt Nam đã đáp ứng đa số các tiêu chí về tính thanh khoản, minh bạch, hiệu quả hoạt động thị trường. Tuy nhiên, còn một số tiêu chí cần được cải thiện như tỷ lệ sở hữu nước ngoài, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch…
Phóng viên: Đánh giá của ông về khả năng thu hút vốn của khối ngoại nếu chúng ta được nâng hạng lên mới nổi?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt sẽ thu hút được dòng vốn nước ngoài, nhiều tính toán đã ước tính có thể tăng thêm 3-5 tỷ USD/năm.
Điều này sẽ giúp gia tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời góp phần nâng cao vị thế thị trường tài chính Việt Nam.
Tuy nhiên, để thu hút được vốn hiệu quả, chúng ta cần nâng cao chất lượng thông tin thị trường; phát triển sản phẩm, dịch vụ chứng khoán đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và phổ cập kiến thức về thị trường chứng khoán.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông chia sẻ!