Triển vọng nới room cho khối ngoại

Theo Đầu tư Chứng khoán

Thông tin về việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) là có cơ sở khi bản dự thảo Quyết định về việc tham gia của nhà đầu tư ngoại đã được các đơn vị soạn thảo đồng thuận.

Triển vọng nới room cho khối ngoại
Tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49% cho đến dưới 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam thì phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Nguồn: Internet
Một trong những kiến nghị được các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2013 là việc Chính phủ nên xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các DN niêm yết. Trên thị trường, khoảng 2 tuần trở lại đây cũng râm ran thông tin room của nhà đầu tư nước ngoài sắp được nới, khiến tâm lý lạc quan trở thành điểm tựa cho nhiều lệnh giao dịch.

Theo tìm hiểu, thông tin về việc nới room là có cơ sở khi trong tháng 5, bản dự thảo Quyết định về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về cơ bản của các đơn vị soạn thảo. Mặc dù Ban soạn thảo vẫn giữ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty cổ phần đại chúng (trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác), nhưng không gian mở nằm ở chỗ cho phép DN được phát hành thêm 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho tổ chức đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, theo dự thảo, đối với một số công ty niêm yết quy mô lớn, không thuộc ngành nghề cần hạn chế đầu tư, Bộ Tài chính sẽ lựa chọn để trình Chính phủ cho phép thí điểm nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên mức cao hơn.

Liên quan đến khối các tổ chức tài chính trung gian là công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, dự thảo vẫn giữ nguyên quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ của các DN này. Tuy nhiên, điểm mở nằm ở chỗ nếu tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49% cho đến dưới 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam thì phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của bên Việt Nam tại tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Theo ghi nhận, các điểm mới trong dự thảo nêu trên xuất phát từ nhu cầu thực tế trên thị trường, khi các DN và nhiều chuyên gia liên tục có những ý kiến góp ý đến Ban soạn thảo trong quá trình nghiên cứu, đề xuất Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư ngoại trên TTCK. Nếu quyết định này được thông qua, sẽ tạo thêm không gian mở cho các DN, nhất là các DN lớn đã hết room, được quyền huy động thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, bao giờ việc nới room thành hiện thực, vẫn là câu hỏi ngỏ với thị trường.

Để ra đời được một văn bản pháp quy, cần rất nhiều thời gian từ khi xây dựng, thảo luận, thẩm định và trình ký. Hơn nữa, room vốn là một câu chuyện nhạy cảm không chỉ với TTCK Việt Nam, nên từ khi Ban soạn thảo thống nhất được quan điểm, đến khi đạt được sự đồng thuận của các bộ (Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để trình Chính phủ xem xét, là một quá trình dài, có thể còn nhiều tranh luận và thay đổi. Vì thế, cùng với hy vọng vào khả năng cải tiến về room, nhà đầu tư cần hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng văn bản luật để hiểu thấu vấn đề và lựa chọn cơ hội hợp lý.