Trở thành thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế?

Ths.Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

TCTC Online - Theo thông báo từ Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam(VACPA), hiện tại có 26 công ty kiểm toán của Việt Nam là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế. Đây là con đường nhanh nhất giúp cho các DN kiểm toán trong nước hội nhập với bên ngoài, đồng thời cũng giúp các hãng quốc tế dễ dàng gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau cái được nhỡn tiền vẫn còn không ít băn khoăn, lo ngại...

Xu hướng và mô hình hoạt động mới của các hãng kiểm toán quốc tế

Từ lâu, các hãng kế toán, kiểm toán quốc tế đã không ngừng thực hiện chủ trương kết nạp các tổ chức kế toán, kiểm toán tại những quốc gia đang phát triển để mở rộng quy mô và mạng lưới hoạt động. Bên cạnh con đường trực tiếp đầu tư con người, kỹ thuật và tài chính để thành lập chi nhánh tại quốc gia này thì việc kết nạp các tổ chức sở tại thành thành viên tỏ ra hiệu quả không kém. Thậm chí đây còn con đường nhanh nhất, giúp cho các hãng lớn có thể tiết kiệm nhân lực, kỹ thuật cũng như chi phí đầu tư.

Với mục tiêu phát triển rộng khắp, phục vụ khách hàng đa quốc gia, cũng như các hãng sản xuất và phân phối, các hãng kiểm toán lớn trên thế giới nhận ra rằng ưu tiên phát triển mạng lưới rộng khắp là con đường ngắn nhất để gia tăng lợi nhuận, thứ hạng và danh tiếng trên trường quốc tế. Bởi nhân viên các công ty kiểm toán tại quốc gia sở tại sẽ có những hiểu biết sâu sắc hơn về luật pháp, thị trường kinh doanh tại quốc gia đó, từ đó, cung cấp những thông tin cần thiết, tin cậy cho hãng đa quốc gia.

Mặt khác, khi kết nạp thành viên tại thị trường khác, các hãng quốc tế có thể mở rộng thị trường, tăng doanh thu, số thành viên và nhân viên chuyên nghiệp. Đây chính là yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu của hãng. Có thể nói, việc kết nạp các công ty kiểm toán tại các quốc gia khác làm thành viên là một nhu cầu tự thân của các hãng kiểm toán quốc tế.

Năm 2002, sau sự kiện Enron, với sự sụp đổ của Arthur Andersen, một trong năm hãng kiểm toán lớn nhất thế giới vào thời điểm đó (Big5), Mô hình “một-hãng” (One-firm concept) đã cho thấy hạn chế lớn trong cơ cấu quản trị. Đây là cơ sở để cho những thay đổi trong mô hình tổ chức của các hãng kiểm toán quốc tế và hiện có ba mô hình tổ chức mà các hãng này đang áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Trước hết đó là mô hình công ty mạng lưới, mô hình hiệp hội và mô hình liên kết.

Mô hình công ty mạng lưới

Đây là một tổ chức lớn hướng tới việc chia sẻ lợi nhuận hoặc chi phí, cùng được sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý chung, có chung các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng, chiến lược kinh doanh, sử dụng chung thương hiệu, hoặc cùng chung một phần đáng kể nguồn lực chuyên môn. Nhóm Big4, bao gồm các hãng kiểm toán danh tiếng: PWC, Deloitte, E&Y và KPMG, là ví dụ điển hình cho mô hình công ty mạng lưới. Ngoài ra một số hãng kiểm toán đã có thành viên tại Việt Nam như Grant Thornton, BDO, RSM, Crowe Horwath… cũng hoạt động dưới mô hình này.

Đặc điểm của mô hình công ty mạng lưới là tên của các hãng thành viên thường gắn với thương hiệu của hãng quốc tế. Ví dụ như Deloitte Việt Nam, E&Y Việt Nam, Nexia ACPA, UHY Việt Nam hay Horwath DTL. Các hãng thành viên trong cùng mạng lưới đều được sử dụng logo và hình ảnh của hãng trong các hoạt động marketing của mình. Đồng thời, hãng thành viên cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hãng quốc tế mà mình là một thành viên trong mạng lưới.

Do tính gắn kết chặt chẽ của nó, mô hình này cũng tạo ra rủi ro cho hãng quốc tế khi có bất kỳ vụ xì căng đan hay vi phạm của các hãng thành viên trong cùng mạng lưới. Tuy nhiên, so với mô hình “một-hãng”, mô hình công ty mạng lưới giảm thiểu rủi ro sụp đổ toàn cầu do tính độc lập tương đối của các hãng trong cùng mạng lưới.

Mô hình hiệp hội các công ty uy tín

Bên cạnh mô hình công ty mạng lưới, mô hình hiệp hội là rất phổ biến trong các hãng kiểm toán quốc tế. Các công ty kiểm toán có uy tín tại các quốc gia khác nhau tập hợp nhau lại và hoạt động dưới một tên chung. Đại diện cho mô hình này có thể kể đến Moore Stephens International, Kreston International, Integra International, IAPA, MGI, IGAF Worldwide, hay AGN International…

Dưới dạng một hiệp hội, các hãng thành viên chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt theo chuẩn của hãng quốc tế, phát triển và giữ uy tín của hãng. Các hãng thành viên cũng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau và được sự hỗ trợ đáng kể từ hãng quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chung thường niên, hội nghị toàn cầu hay hội nghị vùng, cũng như thông qua việc trao đổi nhân viên giữa các hãng. Thông thường các hãng thành viên vẫn giữ nguyên tên cũ của mình và quảng bá hình ảnh với tư cách là thành viên của hãng quốc tế. Tuy nhiên, cũng có một số hãng như MGI khuyến khích các hãng thành viên gắn tên MGI với tên hiện tại của hãng thành viên.

Lợi thế của mô hình này là hãng thành viên vẫn hoạt động độc lập và ít chịu sự ảnh hưởng từ rủi ro hay sự sụp đổ của các hãng thành viên khác, cho dù uy tín ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Hãng thành viên vẫn được sử dụng logo và hình ảnh của hãng quốc tế khi quảng bá hình ảnh của mình với tư cách là thành viên chính thức, và cung cấp dịch vụ toàn cầu thông qua các hãng thành viên khác.

Mô hình liên kết

Đây là mô hình ít thấy hơn trong các hãng kiểm toán quốc tế vì thực chất nó là sự liên kết của rất nhiều loại hình các công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như kiểm toán, tư vấn kế toán, tư vấn luật, tư vấn sở hữu trí tuệ, tư vấn kinh doanh…

Đại diện cho mô hình này có thể kể đến Geneva Group International hay Alliot Group. Trong mô hình này, mối liên hệ giữa các hãng thành viên yếu hơn so với mô hình công ty mạng lưới và mô hình hiệp hội do các hãng thành viên hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ kế toán và kiểm toán. Thành viên chính thức của hãng quốc tế liên kết cũng được phép sử dụng logo và hình ảnh của hãng trong hoạt động quảng bá của mình. Hãng thành viên không được mang tên của hãng quốc tế.

Trở thành thành viên các hãng quốc tế: Những cái được và mất

Kiểm toán độc lập Việt Nam còn rất non trẻ so với nền kiểm toán độc lập của các nước trong khu vực và thế giới, mới chỉ hình thành chưa đầy hai thập kỷ và phát triển mạnh trong gần một thập kỷ trở lại đây. Cả nước hiện có gần 150 DN kiểm toán, trong đó, hầu hết DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Thêm vào đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Trong bối cảnh đó, nhiều DN kiểm toán trong nước đã coi việc trở thành thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế, được gắn tên DN với thương hiệu của các hãng kiểm toán quốc tế là con đường nhanh nhất để khẳng định và phát triển thương hiệu, để cạnh tranh.

Những cái được

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Mazars Việt Nam: “Trở thành thành viên của hãng quốc tế không chỉ đơn thuần là việc gắn công ty với một thương hiệu nổi tiếng mà chính những thách thức công ty phải trải qua đã khẳng định chất lượng hệ thống tổ chức, con người và dịch vụ. Để được hãng quốc tế chấp thuận là thành viên, một DN kiểm toán Việt Nam phải trải qua quá trình soát xét, kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về năng lực nhân viên, về cơ cấu tổ chức, về mạng lưới khách hàng và chất lượng dịch vụ... Đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của các hãng danh tiếng quốc tế sẽ chứng minh được uy tín và thương hiệu của công ty kiểm toán.”

Không những thế, khi trở thành thành viên hãng kiểm toán quốc tế, công ty sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, được tiếp cận những phương pháp và quy trình kiểm toán tiên tiến hơn. Với bề dày kinh nghiệm trên phạm vi toàn cầu, hãng quốc tế đúc kết và xây dựng hệ thống các chuẩn mực, hệ thống kiểm soát chất lượng. Trở thành thành viên hãng quốc tế, công ty kiểm toán Việt Nam được quyền sử dụng cơ sở dữ liệu phong phú và hữu ích.

Các hãng quốc tế có thể cử chuyên gia sang đào tạo, trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ để hướng dẫn nghiệp vụ cho phía công ty thành viên, đặc biệt, các hãng quốc tế luôn tạo điều kiện cho nhân viên các công ty thành viên qua tập huấn và làm việc tại các văn phòng nước ngoài. Các DN kiểm toán Việt Nam còn có cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng, đó là được các hãng quốc tế hoặc các thành viên khác trong cùng hệ thống giới thiệu khách hàng. Nhiều DN dịch vụ kiểm toán sau khi trở thành thành viên của hãng kiểm toán quốc tế đã tiếp cận thị trường tốt hơn.

Thách thức, khó khăn và sự thua thiệt

Khi trở thành thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế, các DN kiểm toán Việt Nam thường chịu sự kiểm tra, đánh giá không hề đơn giản, dễ dàng. Việc làm này không chỉ được tiến hành một lần mà có thể được chấp thuận ngay mà thường phải có một quá trình, nhanh nhất cũng phải qua 2-3 năm, có thể lên tới 13 năm mới được chấp nhận là thành viên hoàn toàn như Deloitte Việt Nam.

Sau khi trở thành thành viên của hãng kiểm toán quốc tế, các DN phải chịu sức ép từ việc tuân thủ quy chế về tiêu chuẩn hành nghề, chất lượng dịch vụ, hệ thống phương pháp, đội ngũ nhân viên. Định kỳ, các công ty kiểm toán thành viên sẽ phải chịu sự kiểm soát, kiểm tra chất lượng của văn phòng hãng hoặc sự soát xét chéo giữa các thành viên.

Thông thường, DN muốn trở thành thành viên hãng kiểm toán quốc tế phải cung cấp 100% dịch vụ chủ yếu về kế toán, kiểm toán, tư vấn, có kinh nghiệm quốc tế và khả năng giao dịch, liên lạc quốc tế; phải có quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ đạt yêu cầu, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp; có đội ngũ kiểm toán viên khá, có trình độ ngoại ngữ để tiếp nhận lợi ích thành viên; có khả năng tài chính để đầu tư kỹ thuật, đào tạo nhân viên theo tiêu chuẩn quốc tế, chi phí chuyên gia, đi học và làm việc tại nước ngoài, nộp lệ phí thành viên và mua bảo hiểm nghề nghiệp. Những khoản chi phí này không hề nhỏ với các công ty kiểm toán Việt Nam.

Thêm một vấn đề nữa đó là việc giữ gìn bản sắc kiểm toán Việt và tăng cường tính tự chủ, độc lập. Việc hội nhập nói trên đã vô tình “khai tử” một thương hiệu kiểm toán độc lập nội địa nổi tiếng đã được xây dựng hàng chục năm đó là VACO và điều này vẫn còn để lại sự thắc mắc cũng như nuối tiếc của nhiều kiểm toán viên Việt Nam cũng như để lại một bài học về việc giữ gìn thương hiệu Việt trong quá trình hội nhập.

Không thể phủ nhận việc trở thành thành viên hãng kiểm toán quốc tế đang là xu thế của các DN kiểm toán, đem lại cơ hội phát triển và lợi ích cho DN, cho đối tượng phục vụ nhưng cũng đầy thách thức và có thể cả thua thiệt. Theo  ông Ngô Đức Đoàn, Tổng giám đốc AASC: “Trở thành thành viên của hãng hay tổ chức quốc tế mới chỉ là điều kiện cần thiết cho sự thành công trong hoạt động của bất kỳ công ty nào.

Sự cam kết dài hạn về chất lượng và sự nỗ lực của chính bản thân mỗi công ty mới là nhân tố quyết định thành công của mỗi công ty”. Những thách thức là có thật, chi phí phải bỏ ra cũng rất cụ thể. Để thành công, biến cơ hội thành hiệu quả kinh doanh lại phụ thuộc vào nỗ lực của con người. Các DN cần cân nhắc, tính toán rất kỹ bài toán giữa lợi ích và chi phí, cái được và cái mất.

Và thêm nữa, sẽ ra sao nếu tâm lý sính ngoại cũng có đất phát triển trong lĩnh vực này, khi vì muốn đính thương hiệu của mình với một thương hiệu nước ngoài mà DN chọn một hãng kiểm toán không có tên tuổi trên thị trường quốc tế để xin làm thành viên, khiến nhiều khi thực giả khó lường, gây nhầm lẫn cho khách hàng.