Trú ẩn nơi nào trong “bão” giảm điểm?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Chạm đến mốc 1.200 điểm, chỉ số Vn-Index nhanh chóng giảm mạnh, hiện chỉ còn 1.094,63 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư “cháy túi”. Câu hỏi “Khi nào thị trường ngừng rơi” tràn ngập trên các diễn đàn chứng khoán trong nhiều ngày qua.

 Câu hỏi “Khi nào thị trường ngừng rơi” tràn ngập trên các diễn đàn chứng khoán trong nhiều ngày qua. Nguồn: Internet
Câu hỏi “Khi nào thị trường ngừng rơi” tràn ngập trên các diễn đàn chứng khoán trong nhiều ngày qua. Nguồn: Internet

Tính từ phiên 9/4 tới nay, Vn-Index đã “bay” tới 8,83%, sau khi tăng 19% trong quý I để trở thành thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Thành quả của các nhà đầu tư trong thời gian qua cũng tỷ lệ thuận với đà sụt giảm của thị trường. Tuy nhiên, có một vài cổ phiếu vẫn vươn lên trong “giông bão”.

Mã tăng giá

Từ tháng 3 đến nay, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn nổi lên như một hiện tượng của thị trường khi có mức tăng giá ấn tượng 40% chỉ trong tháng 3, phong độ này vẫn tiếp tục được duy trì trong tháng 4 ngay cả khi thị trường rực lửa.

Khoảng thời gian từ 9-19/4 là thời điểm căng thẳng nhất của thị trường, khi hàng loạt cổ phiếu dẫn dắt đồng loạt giảm giá do áp lực bán tăng mạnh, VHC vẫn giữ nguyên một màu “xanh mướt”.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/4, trong khi Vn-Index mất gần 44 điểm, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn nằm sàn, VHC tăng lên 77.800 đồng/cp, từ mốc giá 72.000 đồng/cp, tương đương 8%, đây là mốc giá cao nhất trong lịch sử của VHC.

Giữa “tâm bão” giảm điểm, dù cũng có những phiên điều chỉnh, nhưng cổ phiếu HDB của HDBank vẫn tăng 5,8% lên 49.200 đồng (phiên 19/4). Đây là mức giá đã bị điều chỉnh 5% so với phiên trước đó. Nếu tính tại mức giá 51.800 đồng/cp của phiên 18/4 thì HDB đã tăng 11,5%.

Ngoài ra, còn các tên khác cũng nằm trong danh sách đi ngược thị trường như: DXG của Địa ốc Đất Xanh, DHC của Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre, CAV của Cáp điện Cadivi, CEO của CEO Group, VPI của Văn Phú Invest…

Một mã khác cũng gây chú ý không kém trong thời gian qua là VIC của Tập đoàn Vingroup, đây là một trong những nhân tố chính duy trì lực tăng của thị trường thời gian qua. VIC đã vượt qua Vinamilk trở thành công ty có mức vốn hóa lớn nhất thị trường.

Mới đây, Công ty cổ phần Vinhomes – công ty thành viên phụ trách mảng phát triển bất động sản nhà ở của Vingroup – vừa đón nhận tin GIC – quỹ quản lý tài sản của Singapore, tuyên bố chi ra 850 triệu USD để mua lại 7,1% cổ phần của Vinhomes.

Tiềm lực ổn định cùng với thông tin hỗ trợ đã giúp VIC giảm chưa đến 2% trong khoảng từ 9 – 18/4, tiếp tục là điểm tựa cho nhiều nhà đầu tư cũng như chỉ số Vn-Index.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 19/4, nhà đầu tư hoảng loạn, áp lực bán tăng cao, VIC cùng PLX, MSN và KDC đã cùng nhau giảm sàn xuống 120.900 đồng/cp, với 5,51 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Kỳ vọng vào cổ tức?

Trước những biến động khó lường của thị trường, bên cạnh những “ngôi sao” tăng giá, thông tin về cổ tức sắp công bố trong nửa cuối tháng 4 cũng có thể là “nơi trú ẩn” tương đối an toàn cho các nhà đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2018, “sóng lợi nhuận” đã không còn tác động tích cực đến giá cổ phiếu.

Theo quan điểm của các nhà đầu tư, thông tin về tỷ lệ chia cổ tức “khủng”, thời gian trả cổ tức, không chỉ ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu, mà còn là thông tin “gối đầu”, nâng đỡ giá cổ phiếu trong dài hạn.

Theo thống kê, trong nửa cuối tháng 4, có 19 doanh nghiệp chốt quyền tạm ứng cổ tức tiền mặt trong nửa cuối tháng 4/2017 với tỷ lệ thanh toán trải dài từ 3% đến 40%.

Trong đó, nổi bật nhất là Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (VNX) trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ đến 35% (ngày thanh toán 7/5).

Hiện giá cổ phiếu VNX chỉ giao dịch ở mức 4.200 đồng/cp, trong khi tỷ lệ chi trả cổ tức lên tới 3.500 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu VNX trên sàn lại rất “hiu quạnh”, thậm chí gần như không có giao dịch trên UpCOM.

Ngày 11/4 vừa qua, Công ty cổ phần Thép Vicasa – Vnstell (mã: VCA) đã công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ 30%, ngày thanh toán là 15/5.

Ngay sau khi thông tin được công bố, VCA bật tăng mạnh, từ mức giá 16.400 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp (phiên 16/4), tương đương mức tăng 18%. VCA gia nhập vào nhóm cổ phiếu có thanh khoản tốt trên sàn UPCoM nhờ lực cầu gia tăng mạnh.

Hiện cổ phiếu này đã có hai phiên điều chỉnh và đang giao dịch tại mốc giá 18.400 đồng/cp (phiên 19/4).

Công ty cổ phần Dầu Tường An (mã: TAC) cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt năm 2017 nhưng với KQKD khả quan, HĐQT trình phương án tăng cổ tức lên 24%.

Ngay sau khi thông tin cổ tức được công bố, cổ phiếu TAC đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp lên 59.000 đồng/cp. Tính từ phiên giao dịch 9-19/4, cổ phiếu này đã tăng 9,66% từ mốc giá 53.800 đồng/cp.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên quan tâm tới nhóm doanh nghiệp chưa có dự án triển khai đầu tư lớn mới, nên thường chia phần lớn lợi nhuận thu được. Đây cũng là nhóm những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, do vậy tạo sự an toàn nếu diễn biến thị trường bất ngờ chuyển hướng xấu.