Trung - Ấn nỗ lực ổn định vùng biên

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán biên giới lần thứ 18 với kết quả khả quan. Đây là vòng đàm phán đầu tiên về biên giới hai nước kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền tại Ấn Độ hồi tháng 5 năm ngoái, đánh dấu nỗ lực của hai cường quốc châu Á giữ ổn định vùng biên.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval bắt tay sau cuộc đàm phán lần thứ 18. Nguồn: Reuters
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval bắt tay sau cuộc đàm phán lần thứ 18. Nguồn: Reuters

Trong hai ngày đàm phán, Đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới - Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cùng Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã rà soát các vấn đề, tìm kiếm cách thức làm rõ Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) để tránh tái diễn những “sự cố” như việc binh sỹ hai nước thường đi vào các khu vực mà mỗi bên đều hiểu là của mình.

 Sau khi đánh giá tiến bộ trong đàm phán về vấn đề biên giới những năm qua, ông Doval và ông Dương Khiết Trì nêu rõ: Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình thương lượng đúng hướng trên cơ sở những thành tựu và đồng thuận hiện có, trong khi xem xét các mối quan hệ song phương toàn diện và những lợi ích lâu dài của hai dân tộc; hai bên sẽ cùng nỗ lực thực hiện những đồng thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được, duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao và tăng cường phát triển quan hệ đối tác chiến lược Trung - Ấn; nhất trí cùng nhau thúc đẩy sự hợp tác thực dụng trong tất cả các lĩnh vực; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế; xây dựng các mối quan hệ đối tác phát triển gần gũi hơn để đóng góp cho hòa bình và phát triển toàn cầu.

Vòng đàm phán biên giới lần thứ 18 diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến thăm Trung Quốc, được cho là động thái tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ Ấn - Trung. Giới quan sát nhận định Trung Quốc và Ấn Độ có thể đạt thỏa thuận bước ngoặt trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi nhằm tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa các bang của Ấn Độ với các tỉnh của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Lạc Ngọc Thành cho biết, hai bên hy vọng sẽ tạo nền tảng để tăng cường hợp tác giữa chính quyền các bang của Ấn Độ và các tỉnh ở Trung Quốc, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân.   

Đánh giá vấn đề giải quyết bất đồng biên giới Ấn - Trung, Tiến sỹ Raja Mohan, chuyên viên đặc biệt tại Viện nghiên cứu Nhà quan sát Ấn Độ (ORF), cho rằng vòng đàm phán lần thứ 18 là cơ hội để New Delhi thăm dò những thỏa hiệp lãnh thổ cần thiết. Với những nhà lãnh đạo quyết đoán tại New Delhi và Bắc Kinh, nhiều khả năng hai nước sẽ tìm được bước đột phá để sớm giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, về bản chất, sự thỏa hiệp lãnh thổ không phải là điều dễ dàng.

Bất đồng biên giới Ấn - Trung được Bắc Kinh xác định chủ yếu ở khu vực Arunachal Pradesh với 2.000km đường biên giới, trong khi Ấn Độ khẳng định bất đồng ở khu vực phía Tây, nơi có biên giới trải dài khoảng 4.000km, đặc biệt tại khu vực Aksai Chin mà Trung Quốc đã sáp nhập vào lãnh thổ của nước này trong cuộc chiến tranh biên giới Ấn - Trung năm 1962. Các vụ xâm nhập giữa binh sỹ hai nước qua ranh giới, mà mỗi nước đều coi là của mình, đã gây căng thẳng biên giới trong những năm gần đây và phủ bóng đen chính trị lên quan hệ song phương. Hơn nữa, việc thiếu một thỏa thuận xác định rõ LAC đã làm phức tạp việc triển khai thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ổn định biên giới mà hai nước đã thương lượng trong những năm gần đây. Do đó, việc làm rõ LAC đã trở thành nhu cầu chính trị bức thiết đối với cả hai nước.     

Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức trao công hàm phản đối khi Thủ tướng Modi thăm Arunachal Pradesh, bang Đông Bắc Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ hồi tháng 9.2014 cũng bị phủ bóng bởi tình trạng đối đầu giữa binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ tại Ladakh, dọc LAC. Mặc dù vậy, hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân này đang cố gắng giải quyết vấn đề của quá khứ và tập trung mở rộng quan hệ.

Để chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Trung Quốc vào tháng 5 tới, Đặc phái viên Doval và Dương Khiết Trì có thể nhận thấy rằng mở rộng hợp tác kinh tế qua biên giới và triển khai các cuộc tham vấn chính trị về khu vực dễ tổn thương này thực tế sẽ tạo điều kiện tốt hơn để bình ổn khu vực biên giới tranh chấp và thăm dò một giải pháp về lãnh thổ trong tương lai gần.