Trung - Nhật sẽ thiệt hại lớn nếu Mỹ vỡ nợ

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Số trái phiếu đang nắm giữ bốc hơi hàng chục tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là những thiệt hại dễ nhìn thấy nhất với Trung Quốc và Nhật Bản nếu Mỹ lâm vào cảnh vỡ nợ.

Trung - Nhật sẽ thiệt hại lớn nếu Mỹ vỡ nợ
Mỹ vỡ nợ sẽ là cú sốc lớn với tài chính thế giới. Nguồn: internet

Khi cả thế giới phải chuẩn bị tinh thần cho khả năng lần đầu tiên Mỹ vỡ nợ, chẳng có nước nào phải sốt ruột nhiều như Trung Quốc và Nhật Bản. Họ là hai chủ nợ lớn nhất, nắm giữ gần 2.500 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đây cũng là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới. Theo Christian Science Monitor, Mỹ vỡ nợ sẽ khiến giá trị số trái phiếu của hai cường quốc này bốc hơi hàng chục tỷ USD. Họ sẽ còn mất nhiều hơn nữa nếu vỡ nợ kéo theo đóng băng tín dụng và thương mại toàn cầu như các chuyên gia cảnh báo.

Dĩ nhiên, 2 cường quốc này cũng không hề che giấu sự lo lắng. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc - Zhu Guangyao đầu tuần này đã cảnh báo "giữ an toàn khối nợ công có tầm quan trọng rất lớn với kinh tế Mỹ và cả thế giới. Đó là trách nhiệm của Mỹ". Ông cũng thúc giục Washington nâng trần nợ trước ngày 17/10. Theo Nikkei Business Daily, các quan chức Tokyo cũng đã có nhiều cuộc điện đàm về vấn đề này với Bộ Tài chính Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách và giới phân tích châu Á đều không thể dự đoán ảnh hưởng nếu Mỹ vỡ nợ. "Thực sự là chẳng ai biết thị trường tài chính sẽ bị tác động thế nào, vì việc này chưa bao giờ xảy ra", Andrew Batson, nhà kinh tế học tại Trung tâm tư vấn Dragonomics ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết.

Cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) - Haruhiko Kuroda đã cảnh báo Mỹ vỡ nợ sẽ kéo tụt đà phục hồi sau hai thập kỷ giảm phát của Nhật Bản. Ông Kuroda nhận định: "Nếu tiếp diễn trong thời gian dài, chuyện này có thể xáo trộn thị trường tài chính và suy giảm tâm lý nhà đầu tư".Dù vậy, giới chức Nhật Bản vẫn lạc quan rằng việc này sẽ được Washington giải quyết nhanh chóng. Chủ yếu vì "nếu không, sự việc sẽ diễn biến theo hướng phức tạp đến mức họ chẳng muốn nghĩ đến nữa", Martin Schulz - kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Fujitsu (Nhật Bản) cho biết.

Rủi ro Mỹ vỡ nợ xảy ra đúng thời điểm then chốt trong quá trình phục hồi kinh tế Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Sau khi lên nắm quyền cuối năm ngoái, ông đã đưa Nhật Bản tăng trưởng ba quý liên tiếp, khi các hãng xuất khẩu hưởng lợi từ sự lao dốc mạnh của đồng yen.

Tuy nhiên, sự phục hồi của Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng nếu khủng hoảng nợ tại Mỹ khiến nhà đầu tư rời bỏ USD, tìm đến kênh trú ẩn an toàn là yen và đẩy giá đồng tiền này lên cao. Hôm qua, yen đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tuần. "Tôi cho rằng chính quyền ông Abe có rất nhiều lý do để sợ Mỹ vỡ nợ". Tobias Harris, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Nhật tại hãng tư vấn Teneo cho biết.

"Ngoài rủi ro Chính phủ Nhật nắm giữ nợ Mỹ, cuộc chiến giành kênh trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư rõ ràng cũng sẽ khiến đồng yen tăng mạnh, ảnh hưởng đến các hãng xuất khẩu và nỗ lực chấm dứt giảm phát", Harris phân tích.

Bắc Kinh cũng lo lắng khả năng vỡ nợ sẽ làm giảm giá đồng USD hơn là việc có thể không được thanh toán lãi suất và tiền gốc. Dù vậy, họ vẫn hy vọng cả hai tình cảnh này sẽ chỉ là tạm thời.

USD giảm giá sẽ khiến khoản đầu tư của Bắc Kinh vào trái phiếu Chính phủ Mỹ mất giá trị. Theo Bộ Tài chính Mỹ, khoản đầu tư này đến cuối tháng 7 là 1.280 tỷ USD. "Đây sẽ là vấn đề lớn với nước tôi", Huang Weiping - giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết. USD giảm cũng sẽ khiến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn và khó bán hơn tại Mỹ - thị trường lớn thứ hai của nước này.

"Vỡ nợ sẽ là tin rất sốc với kinh tế thế giới. Vị thế của Trung Quốc trên bản đồ kinh tế toàn cầu cũng có nghĩa đây sẽ là cú đánh mạnh lên phát triển kinh tế, đặc biệt là đầu tư và thương mại", Huang nhận xét.Trên thực tế, nếu cảnh báo vỡ nợ của Bộ Tài chính Mỹ thành hiện thực, xuất khẩu Trung Quốc sẽ gánh thiệt hại nặng nề trên tất cả các mặt hàng. Thương mại toàn cầu đã sụp đổ năm 2008 khi khủng hoảng tài chính đóng băng thị trường tín dụng, khiến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp thắt chặt hầu bao.

Trung Quốc đã tích trữ được lượng ngoại tệ lớn nhất thế giới, với khoảng 3.500 tỷ USD, bằng thặng dư thương mại nhiều năm liền. Chính phủ Trung Quốc cũng mua USD từ các hãng xuất khẩu để giữ đồng NDT ở mức thấp.

Bắc Kinh sau đó lại đầu tư số ngoại tệ này vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đây là cách đơn giản và an toàn nhất để đổ tiền vào. "Trung Quốc đang gắn mình với USD và thị trường nợ Mỹ. Đây là nơi duy nhất đủ lớn để hấp thụ số USD họ đã tích trữ. Đâm lao rồi thì phải theo lao thôi", Patrick Chovanec - chiến lược gia trưởng tại Hãng quản lý tài sản Silvercrest (Mỹ) cho biết.

Tuy nhiên, cú sốc tâm lý về vỡ nợ có thể dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong dài hạn, Xiang Songzuo - kinh tế trưởng tại ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cho biết. "Kể cả vỡ nợ trong ngắn hạn cũng sẽ có ảnh hưởng rất sâu rộng tới suy nghĩ của giới chức Trung Quốc về độ tin cậy của Chính phủ Mỹ", Xiang cho biết..

Thêm vào đó, khi đa dạng hóa danh mục đầu tư chính thức có thể khó khăn, cuộc khủng hoảng eurozone vẫn tiếp tục và các nền kinh tế mới nổi rủi ro cao lại cho lợi nhuận thấp, việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến Trung Quốc quay sang mua công ty Mỹ thay vì trái phiếu Mỹ. "Nó sẽ khiến Chính phủ thay đổi cách quản lý ngoại hối. Thay vì mua lại USD của các công ty, họ sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chúng ra nước ngoài", Xiang cho biết.