Trung Quốc, Ấn Độ phản đối thỏa thuận thuế toàn cầu do G7 khởi xướng
Các nhà đàm phán ở Paris đang gặp khó khăn khi thuyết phục các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ ký thỏa thuận toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu trong tuần này.
Họ ngày càng lo ngại những thỏa hiệp cần có để đạt được sự đồng thuận của các quốc gia đang phản đối sẽ làm suy yếu thỏa thuận cuối cùng.
Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Âu và các nước đang phát triển đã lên tiếng phản đối thỏa thuận mà G7 đạt được đầu tháng 6, theo đó thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức ít nhất 15%.
Các cuộc đàm phán tại OECD đang tìm cách khắc phục để có sự đồng thuận từ các nước này. Những “nơi trú ẩn thuế” và là trung tâm đầu tư như Ireland, Thụy Sĩ và Barbados được cho là sẽ từ chối ký thỏa thuận, theo một số nguồn tin có liên quan.
Chi tiết của các đề xuất sẽ được các bộ trưởng tài chính G20 thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Venice vào tháng 7.
Những người có kiến thức về quy trình tỏ ra hy vọng hơn về việc đạt được thỏa thuận và khả năng Trung Quốc đồng ý tham gia, nhưng cảnh báo thời gian không nhiều.
Một nhà đàm phán nói với Financial Times: “Tôi nghĩ nó sẽ không thất bại… vẫn có sự bấp bênh, nhưng chúng ta không còn xa việc đạt được một thỏa thuận”.
Một nguồn tin khác gần với các cuộc đàm phán, người tuần trước lo lắng về sự can dự của Trung Quốc, cho biết các dấu hiệu hiện đã khả quan hơn, nhưng cảnh báo các cuộc đàm phán có thể là cơ hội cuối cùng để đạt được thỏa thuận toàn cầu - thỏa thuận sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ tranh chấp về chế độ thuế toàn cầu.
Quan chức châu Âu này cho biết: “Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận tại G20, rất có thể sẽ phải bắt đầu lại 20 năm đàm phán về vấn đề này.”
Ông nói rằng có nguy cơ thỏa thuận bị ‘pha loãng” đến mức nó trở nên vô nghĩa và gây ra thiệt hại lớn.
“Nếu chúng ta đạt được thỏa thuận, đó sẽ là một chiến thắng lớn cho thấy ngoại giao quốc tế có thể thực hiện được ở những vấn đề lớn nhất.”
Chính quyền Biden yêu cầu bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có lợi ích rõ ràng cho tài chính công và các doanh nghiệp Mỹ để có cơ hội được Quốc hội thông qua. Điều này có nghĩa là làm suy yếu thỏa thuận sẽ dẫn đến rủi ro.
Môt quan chức khác cho biết Trung Quốc vẫn là chỗ khó nhất, nhưng các nhà đàm phán hiện có nhiều lạc quan hơn so với vài tuần trước.
Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Âu phàn nàn rằng thỏa thuận này sẽ phá vỡ những thỏa thuận thuế hiện có của họ - những thỏa thuận cấp ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất thông qua thuế doanh nghiệp để xây nhà máy với mức thuế trên thực tế thấp hơn mức 15% tối thiểu như G7 đề xuất.
Không quốc gia nào trong số các quốc gia này được coi là “nơi trú ẩn thuế”, nơi mà các công ty đa quốc gia hưởng lợi lớn từ các quy định thuế lỏng lẻo và thuế suất thấp.
Các nước Đông Âu đã giành được quyền miễn trừ cho các nhà máy sản xuất, những nguồn tin gần với các cuộc đàm phán cho biết.
Các nhà đàm phán đang tìm cách đảm bảo rằng Trung Quốc cũng có thể hưởng lợi từ điều này, nhưng vẫn chưa rõ liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có đồng ý với một thỏa thuận rộng hơn, bù lại.
“Không ai thực sự biết lập trường của Trung Quốc là gì,” một quan chức châu Âu nói. "Họ vẫn đang túc tắc và để ngỏ tất cả các lựa chọn của họ.”
Các nước đang phát triển không hài lòng vì thỏa thuận sẽ không để họ tăng thêm thuế từ các công ty đa quốc gia lớn nhất, và họ sẽ chỉ có quyền đánh thuế một phần nhỏ lợi nhuận của các công ty này dựa trên doanh số bán hàng.
Nhóm các nước nghèo đang phát triển thuộc G24 đã yêu cầu thỏa thuận phải giúp chia sẻ lợi nhuận lớn hơn nhiều và đe dọa sẽ tiếp tục áp dụng thuế kỹ thuật số của riêng họ.
Nhóm này đã nhận được một thỏa hiệp, theo đó ngưỡng đối với các công ty nằm trong thỏa thuận toàn cầu sẽ giảm từ 20 tỷ USD doanh thu xuống 10 tỷ USD sau bảy năm.
Một đại diện cho các nền kinh tế tiên tiến cho biết nếu nhóm trên từ chối điều này, “đó sẽ là một cơ hội bị đánh mất đối với họ”.
Các nước đang phát triển cũng muốn tăng mức thuế tối thiểu toàn cầu lên trên mức “ít nhất 15%” mà G7 đề xuất.
Trong một hội nghị trực tuyến hôm thứ Hai, ông Mathew Gbonjubola, đại sứ Nigeria tại OECD, cho biết việc đặt mức thuế tối thiểu toàn cầu như G7 đề xuất “sẽ không làm gì nhiều cho lợi ích của các nước châu Phi” và "có khả năng liên tục thúc đẩy sự xói mòn cơ sở thuế ở các nước này”.
Nhưng khi được hỏi liệu các nước đang phát triển có khả năng từ chối thỏa thuận hay không, Gbonjubola cho biết "các áp lực chính trị" khiến đó là một quyết định khó khăn.
“Mỗi nước cần phải tuyên bố rõ ràng rằng đó là vì vấn đề đã được đặt lên bàn để xem xét hay chống lại nó và không có lựa chọn thứ ba.”