Ngày 5/6/2021, bộ trưởng tài chính các nước G7 đã đi đến thỏa thuận về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu. Theo thỏa thuận này, các công ty đa quốc gia phải nộp thuế doanh nghiệp ít nhất là 15% trên lợi nhuận họ thu được tại quốc gia có hoạt động kinh doanh.
Thỏa thuận được đánh giá là "một bước tiến quyết định, hướng đến chỗ thay đổi triệt để hệ thống thuế toàn cầu". Việc G7 đồng thuận về một mức thuế chung tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia mang lại công cụ cho phép chấm dứt việc các doanh nghiệp "lách thuế", thực trạng tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu từ nhiều thập niên nay.
Tính khả thi trong thực hiện thỏa thuận
Có hai trục chính trong cải cách thuế toàn cầu. Trục thứ nhất là mang lại quyền đánh thuế mới cho các nước là thị trường của các tập đoàn đa quốc gia, nhưng lại không phải là nơi các công ty đó đặt trụ sở. Tổng số tiền thuế thu được sau đó sẽ được các nước chia lại theo một số quy tắc, sẽ được xác lập qua các cuộc đàm phán.
Trục cải cách thứ hai là "mức thuế tối thiểu". Doanh nghiệp chọn đóng trụ sở tại một quốc gia có mức thuế thấp sẽ phải trả bù phần tiền thuế chênh lệch, giữa quốc gia đặt trụ sở và quốc gia nơi tập đoàn tiến hành các hoạt động kinh doanh và thu lợi nhuận. Nhờ các quy tắc mới, các tập đoàn lớn sẽ không được hưởng lợi khi di chuyển trụ sở đến các "thiên đường thuế" để tránh thuế.
Các biện pháp cụ thể để thực thi mục tiêu cải cách thuế toàn cầu sẽ được quyết định tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) và OECD (139 nước, bao gồm chủ yếu các nước giàu). Tuy nhiên, tính khả thi trong thực hiện thỏa thuận của G7 về thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ còn nhiều “gian truân”.
Theo thỏa thuận của G7 thì đối tượng doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi cải cách thuế này vào khoảng 100 tập đoàn lớn - con số này là quá ít so với số lượng các công ty đa quốc gia đang lạm dụng các biện pháp "tối ưu hóa thuế" hiện nay. Hàng loạt lĩnh vực như khai khoáng hay các tập đoàn tài chính cũng không phải là đối tượng của cải cách này.
Ngay cả việc phân chia lại tiền thuế một cách công bằng cũng là vấn đề đang bị để ngỏ trong cải cách. Cùng với đó, mức thuế tối thiểu cũng là chủ đề bàn cãi căng thẳng, đã có nhiều tổ chức phi chính phủ lên án việc các cường quốc hạ mức thuế tối thiểu xuống còn 15%, trong khi mới cách đó hai tháng trước, Mỹ từng đưa ra con số 21%.
Một vấn đề nữa, kế hoạch cải cách thuế như thỏa thuận của G7 có vẻ không giúp ích được nhiều cho các nền kinh tế đang phát triển - do cần nguồn thu từ thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp (vì các nước đang phát triển gặp khó khăn trong thu thuế từ khu vực kinh tế phi chính thức), để có thể đầu tư phát triển kinh tế và cải thiện đời sống trong nước, thay vì phụ thuộc vào vay mượn hoặc viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế các nước nghèo dù cần nhiều tiền thuế hơn các nước giàu, nhưng không có nghĩa là các nước nghèo có thể thu được nhiều thuế hơn.
Với hệ thống thuế hiện tại, các nước nghèo phải đối diện với hiện tượng các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận từ chi nhánh các nước nghèo thuế cao đến các chi nhánh tại các nước “thiên đường thuế thấp”, để từ dó lại chuyển quyền đánh thuế về bản quốc nơi công ty đặt trụ sở - thường là các nước giàu.
Dù những cải cách thuế do G7 thỏa thuận được sẽ giảm tình trạng chuyển lợi nhuận đi nơi khác, giúp các chính phủ thu được nhiều thuế hơn, nhưng sự hạn chế về tiền mặt và nhân lực, khiến các nước nghèo không dễ để tham gia thảo luận chi tiết về mức thuế chung và cách thức thi hành.
Cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu mới chỉ đi được chặng đầu
Hiện tại cuộc cải cách mới chỉ đi phần đầu của chặng đường, còn rất nhiều ẩn số trong tiến trình này. Tuy nhiên, về nguyên tắc, kế hoạch "đầy hứa hẹn", một khi nó được quốc tế nhất trí và quyết định phối hợp, thì mỗi nước có quyền đưa ra các sáng kiến riêng, cụ thể là đặt ra các mức thuế cao hơn mức tối thiểu 15%. Như vậy, công luận các quốc gia cũng có điều kiện gây áp lực cho một chính sách đánh thuế công bằng hơn, để buộc chính quyền các nước kiểm soát thuế chặt chẽ hơn.
Một thực tế, tỷ lệ đóng góp của thuế doanh nghiệp vào tổng nguồn thu thuế đã giảm ở nhiều quốc gia. Tỷ trọng thuế thu nhập/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Mỹ từng dao động quanh mức 2% kể từ năm 1990, trước khi đã giảm xuống dưới ngưỡng 1% vào năm 2019. Con số này cũng đã giảm xuống dưới 3% ở Anh và Italy.
Tại Nhật Bản, tỷ trọng thuế doanh nghiệp/GDP vẫn ở mức 4%, mặc dù con số này đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm kể từ năm 1990. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do các quốc gia đã và đang cạnh tranh trong việc cắt giảm thuế suất doanh nghiệp để thu hút các công ty toàn cầu.
Trong khi đó, các công ty, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, đã chi tiêu tiền thuế của họ chủ yếu vào việc thưởng cho các cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu và các phương tiện khác. Điều này đã góp phần làm gia tăng sự giàu có và bất bình đẳng thu nhập.
Thỏa thuận về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu đối với các nước phát triển có thể chỉ nhắm đến khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất, nhưng đối với các nước nghèo, nguồn thu thuế có thể đến từ hàng nghìn doanh nghiệp. Ngưỡng doanh thu đủ để đánh thuế ở các nước phát triển có thể là 24 tỉ EUR, nhưng với các nước nghèo chỉ cần đến 240 triệu EUR.
Do đó, phàn nàn lớn nhất về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu đó là, nước giàu được thêm nhiều thuế hơn vì kéo được nguồn thuế từ “thiên đường thuế” về, nhưng những nước nghèo cũng chẳng thêm được bao nhiêu. Theo ước tính hồi tháng 10/2020 của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), cải cách thuế có thể chỉ giúp những nước nghèo thu thêm được 1% thuế.
Thuế doanh nghiệp luôn là vấn đề khiến chính phủ các quốc gia phải đối đầu với các tập đoàn lớn cùng đội ngũ tư vấn thuế dày dặn kinh nghiệm. Một bên luôn muốn thu nhiều hơn, bên kia luôn dùng nhiều chiến thuật để đóng thuế ít nhất có thể.
Các công ty đa quốc gia có thể đăng ký kinh doanh ở những “thiên đường thuế” (tax havens) - những nước có mức thuế thấp và chính sách bảo mật thông tin doanh nghiệp cao, khai báo thuế hợp pháp tại đây và trốn được đáng kể tiền thuế ngay cả khi lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ việc bán hàng ở các quốc gia khác.
Như vậy, Thỏa thuận về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu cho phép "thay đổi tương quan lực lượng" giữa các quốc gia và "các thiên đường thuế" như Ireland. Ví dụ, nếu Ireland chỉ đánh thuế ở mức 10%, nhằm thu hút các công ty, thì nước Pháp sẽ có quyền lấy lại mức 5%, để đạt mức tối thiểu theo quy định là 15%. Song song với đó, việc đánh giá lại các quy định về thuế nhằm buộc các công ty công nghệ phải chi trả nhiều hơn cũng dần được hình thành.
Ở một khía cạnh khác, một mức thuế suất chung có thể dẫn tới bất lợi cho các nước nghèo hơn dùng chính sách thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài. Mức thỏa thuận tối thiểu 15% của G7 còn thấp hơn rất nhiều mức thuế doanh nghiệp ở nhiều nước đang phát triển. Mức sàn 15% có thể khuyến khích công ty đa quốc gia báo cáo thuế cao hơn ở bản quốc, khiến nước sở tại không còn mấy để thu thuế.
Việc G7 đạt được đồng thuận về mức thuế 15% giúp mở ra cơ hội áp dụng mức thuế chung giữa nhiều quốc gia hơn. Nếu đạt được sự đồng thuận rộng rãi, sẽ rất khó để bất kỳ quốc gia có mức thuế thấp nào có thể ngăn chặn thỏa thuận chung này. Dự kiến OECD và nhóm các nền kinh tế lớn G20 rất có khả năng đạt được mục tiêu đồng thuận trên mức thuế tối thiểu toàn cầu trong năm nay./.
Nguồn tham khảo:
https://www.reuters.com/business/finance/what-is-global-minimum-tax-what-will-it-mean-2021-06-05/
https://www.economist.com/finance-and-economics/2021/05/13/what-could-a-new-system-for-taxing-multinationals-look-like