Trung Quốc bơm thêm hơn 500 tỷ nhân dân tệ thanh khoản vào nền kinh tế

Theo Trung Mến/bizlive.vn

PBOC đã hành động vô cùng thận trọng trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước khác như Mỹ hay châu Âu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giúp cho các ngân hàng cho vay Trung Quốc được hưởng chương trình hỗ trợ tiền mặt và hạn chế hạ lãi suất, PBOC hành động thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ bất chấp việc đại dịch COVID-19 đang gây tổn hại đến nền kinh tế.

Theo Bloomberg, PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với phần lớn các ngân hàng khoảng 25 điểm cơ bản, mức này thấp hơn kỳ vọng của phần lớn các chuyên gia. Với nhóm các ngân hàng nhỏ, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm khoảng 50 điểm cơ bản. PBOC giữ nguyên chính sách lãi suất thời hạn 1 năm, trước đó rất nhiều các chuyên gia kinh tế đã dự báo về khả năng sẽ cắt giảm lãi suất.

Như vậy, PBOC đã hành động vô cùng thận trọng trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước khác như Mỹ hay châu Âu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, nó cũng cho thấy quan điểm của PBOC rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ không có nhiều tác động trong việc kích thích tăng trưởng trong khi phần lớn áp lực lên nền kinh tế đến từ nội tại cách chống dịch của Trung Quốc nhằm kiềm chế tình trạng lây nhiễm COVID-19.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Pinpoint Asset Management, ông Zhang Zhiwei, khẳng định: “Thách thức lớn nhất mà nền kinh tế đang đương đầu chính là đợt bùng dịch COVID-19 và chính sách phong tỏa, hạn chế người dân đi lại. Việc có thêm thanh khoản có thể giúp giải quyết phần nào vấn đề, thế nhưng nó không giải quyết tận gốc mọi chuyện”.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc thời hạn 10 năm tăng 1 điểm cơ bản lên 2,77% sau thông báo chính sách mới nhất.

Thông điệp hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được giới chức quản lý kinh tế hàng đầu Trung Quốc phát đi từ trước đó, đồng thời nó được thực hiện sau khi nhiều quan chức hàng đầu cảnh báo về những rủi ro với tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu cần phải có thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ. Các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống dưới mức mục tiêu 5,5% của chính phủ nước này.

Quyết định mới nhất liên quan đến tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/4/2022, nó sẽ bơm thêm khoảng 530 tỷ nhân dân tệ tức 83 tỷ USD thanh khoản dài hạn vào nền kinh tế. PBOC hạ tỷ lệ này lần gần nhất vào tháng 12/2021.

Nhiều chuyên gia kinh tế tuy nhiên không hài lòng với động thái này. Chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức Pantheon Macroeconomics, ông Craig Botham, khẳng định động thái mới nhất chẳng có tác dụng gì nhiều. Mức giảm tỷ lệ dự trữ 25 điểm cơ bản là thấp nhất trong lịch sử.

 

Vào đầu ngày thứ Sáu, PBOC đã không hạ lãi suất và bơm thêm thanh khoản bổ sung vào nền kinh tế thông qua kênh cho vay trung hạn. Cùng lúc đó, giới chức cũng đã hối thúc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất tiền gửi, động thái giúp giảm bớt chi phí vốn cho các ngân hàng để họ có thể tăng cường được hoạt động tín dụng.

Trung Quốc hiện đang đương đầu với đợt dịch COVID-19 bùng phát tồi tệ nhất trong 2 năm, số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại ngày một nhiều thành phố, đồng thời không có nhiều dấu hiệu cho thấy đợt bùng dịch tại Thượng Hải sớm được giải quyết, hàng chục triệu người dân Trung Quốc tại Thượng Hải hiện đang bị phong tỏa, cấm mọi hoạt động đi lại.

Theo Bloomberg, làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện tại bắt đầu từ cuối tháng 2/2022, các biện pháp phong tỏa tại Thâm Quyến và một số thành phố khác đã ngăn chặn được sự lây lan của biến chủng Omicron, chính vì vậy các thành phố có thể mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, nhiều nơi khác vẫn chứng kiến các đợt bùng dịch, vì vậy giới chức địa phương buộc phải cố gắng hạn chế tình trạng lây nhiễm trước khi nó lên đến mức khủng hoảng như Thượng Hải. Trong khoảng hơn 1 tuần qua, số lượng ca nhiễm mới COVID-19 tại Thượng Hải đã vượt mức 20.000 ca/ngày.

Thành phố Thượng Hải đã hoàn toàn bị phong tỏa trong vòng 2 tuần, dù rằng nhiều người dân thực ra đã phải ở nhà trong khoảng thời gian dài hơn. Trên khắp đất nước Trung Quốc, ước tính khoảng 373 triệu người, tức khoảng ¼ dân số, hiện đang chịu các biện pháp hạn chế đi lại ở các mức độ khác nhau khi mà giới chức nhiều tỉnh thành quyết ngăn chặn COVID-19 lây lan, theo tính toán của Nomura Holdings.

Các biện pháp trên cũng như các chính sách đi kèm gây tổn hại nghiêm trọng đến tiêu dùng người dân, sản lượng công nghiệp và chuỗi cung ứng, nó gây ra tác động nặng nề lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các biện pháp phong tỏa sẽ chỉ khiến cho mức độ thiệt hại trở nên nặng nề hơn.