Các nhà máy ở Trung Quốc gặp khó, iPhone 13 lần đầu được sản xuất tại Ấn Độ

Theo Bảo Nhi/bizlive.vn

Thời gian các cơ sở sản xuất thiết bị Apple tại Trung Quốc tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh trùng với lịch “Táo khuyết” khởi động việc lắp ráp thế hệ smartphone mới nhất của hãng tại Ấn Độ.

Các cơ sở sản xuất tại Thượng Hải bị dừng hoạt động ảnh hưởng đến Apple
Các cơ sở sản xuất tại Thượng Hải bị dừng hoạt động ảnh hưởng đến Apple

Liên tiếp các nhà máy ở Thượng Hải, Côn Sơn đóng cửa khiến việc sản xuất iPhone, Macbook và iPad bị ngưng trệ. Ngoài ra, hàng loạt nhà cung cấp của Apple là Pegatron, Quanta và Compal cũng chịu ảnh hưởng của lệnh cấm từ chính quyền.

3 nhà cung cấp chính của Apple tạm ngừng sản xuất ở Thượng Hải có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Đối tác Pegatron cho biết hoạt động tại 2 cơ sở sản xuất ở Thượng Hải và thành phố Côn Sơn của Trung Quốc bị đình trệ để tuân thủ các quy định của chính phủ. Đây là 2 nhà máy lắp ráp iPhone duy nhất của Pegatron bởi cơ sở của công ty ở Ấn Độ chưa đi vào hoạt động. Pegatron là đối tác lắp ráp khoảng 20-30% tổng số iPhone cho Apple.

Đại diện Pegatron chia sẻ đang giữ liên lạc chặt chẽ với các khách hàng, nhà cung cấp, đồng thời tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương. Công ty hy vọng các nhà máy sẽ sớm tiếp tục hoạt động sản xuất.

Quanta, nhà sản xuất máy tính xách tay theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là đối tác lắp ráp Macbook chủ chốt cho biết phải tạm dừng sản xuất tại nhà máy chính của hãng ở quận Songjiang, Thượng Hải từ đầu tháng 4. Hãng phải tuân theo các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của chính phủ Trung Quốc. Ngoài Apple, Quanta còn là đối tác của Dell và HP.

Cơ sở sản xuất ở Thượng Hải chiếm khoảng 20% tổng công suất máy tính xách tay của Quanta. Nhà máy này cũng cung cấp máy chủ, thiết bị cho Internet of Things…

Công ty sản xuất máy tính xách tay và iPad là Compal Electronics cũng phải tạm dừng các hoạt động tại cơ sở Kunshan.

Hàng chục nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng phải tạm ngừng hoạt động cơ sở tại Thượng Hải từ ngày 2/4, bao gồm Unimicron và Nan Ya Printed Circuit Board, 2 nhà sản xuất bảng mạch in, BizLink, nhà cung cấp chính của Dell và Tesla.

Theo khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính Đài Loan, 161 công ty niêm yết tại Đài Loan, trong đó có nhiều nhà cung cấp thiết bị điện tử, phải tạm dừng sản xuất ở Thượng Hải và khu vực Côn Sơn, một trong những trung tâm điện tử lớn nhất ở Trung Quốc. Làn sóng mới nhất của COVID-19 cũng lan đến Tô Châu, tỉnh Giang Tô, cụm nhà cung cấp thiết bị điện tử quan trọng khác.

Nhà lắp ráp iPhone nhỏ hơn là Luxshare Precision Industry có nhà máy lắp ráp duy nhất tại Côn Sơn vẫn đang hoạt động theo chu trình khép kín. Nhân viên và công nhân làm việc và sinh sống tại chỗ. Nhà máy chủ yếu dựa vào hàng tồn kho có trong khu phức hợp.

Foxconn, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất cũng tạm ngừng sản xuất tại Thâm Quyến trong vài ngày hồi tháng 3 khi thành phố này đối mặt với sự gia tăng đột biến của các trường hợp COVID-19.

Thời gian các cơ sở sản xuất thiết bị Apple tại Trung Quốc tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh trùng với lịch “Táo khuyết” khởi động việc lắp ráp thế hệ smartphone mới nhất của hãng tại Ấn Độ.

Theo Reuters, Apple bắt đầu cho sản xuất iPhone 13 tại Ấn Độ trong nỗ lực nhằm “giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc”. Đối tác Foxconn quyết định khởi động dây chuyền sản xuất iPhone 13 tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.

Ấn Độ là quốc gia sản xuất một số sản phẩm của Apple nhiều năm qua. Tuy vậy, những thế hệ iPhone mới nhất chưa được tin tưởng lắp ráp tại quốc gia châu Á này. Năm ngoái, iPhone 12 cũng chỉ được sản xuất tại các nhà máy ở Ấn Độ 1 năm sau khi trình làng.

Hiện tại, “Táo khuyết” sản xuất iPhone SE, iPhone 11, iPhone 12 và iPhone 13 ở Ấn Độ thông qua các đối tác Foxconn và Wistron.

Các chuyên gia dự đoán, với việc sản xuất iPhone 13 tại Ấn Độ, Apple được kỳ vọng sẽ vượt qua kỷ lục hiện có về doanh số bán iPhone tại quốc gia này. Ngoài ra, “Táo khuyết” cũng có thêm 1 nguồn cung iPhone 13 mới, bên cạnh những cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.

Ngoài iPhone, Apple có kế hoạch sản xuất iPad tại quốc gia này. Động thái này của “Nhà táo” nằm trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản phẩm. Apple cũng tận dụng được các chương trình khuyến khích của New Delhi với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu smartphone, giảm chi phí và mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương.