Trung Quốc: cải cách cơ cấu kinh tế như thế nào?
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cần phải tránh tình trạng bong bóng chứng khoán và bất động sản sau khi dư nợ tín dụng năm nay đã phình lên mức kỷ lục 1.270 tỉ đô la Mỹ.
Siết chặt chính sách tiền tệ? Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến cáo như vậy cùng lúc với việc nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này lên 8,4% từ mức 7,2% dự báo trước đây. Giám đốc WB tại Trung Quốc, ông Louis Kujis cho rằng, Ngân hàng trung ương nước này “cuối cùng” phải kìm chế đà tăng trưởng tín dụng để bảo đảm các nguồn lực được phân bổ hợp lý. Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải SCI đã tăng 72% sau khi chính phủ Trung Quốc công bố gói kích cầu trị giá 586 tỉ đô la Mỹ, hạ thấp quy định về dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại và giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. WB cũng nói Trung Quốc cần làm nhiều hơn nữa để tái cân bằng nền kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng và dịch vụ, giảm phụ thuộc vào công nghiệp và đầu tư. “Cần phải xử lý rủi ro từ bong bóng giá tài sản và sự phân bổ bất hợp lý các nguồn lực xã hội giữa lúc tình trạng thanh khoán dư thừa. Dù hiện nay chưa cần phải siết chặt chính sách tiền tệ, nhưng chi phí để duy trì biện pháp nới lỏng hiện nay sẽ tăng lên theo thời gian”, ông Kujis nói. Hôm 29-10, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, Trung Quốc sẽ siết chặt chính sách tiền tệ vào quý 2-2010 vì kinh tế tăng trưởng mạnh và giá tiêu dùng gia tăng. Tuy vậy, ông Li Dongrong, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố hôm 1-11 rằng nước này sẽ tiếp tục duy trì “chính sách tiền tệ tương đối lỏng lẻo”. Kích cầu, nới lỏng tín dụng đã giúp GDP của Trung Quốc tăng đến 8,9% trong quý 3-2009, mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm qua. Trong báo cáo công bố sáng hôm nay 4-10, WB dự báo sang năm 2010, nền kinh tế này sẽ tiếp tục tăng ở mức 8,7%. Sự phục hồi trong hoạt động xây dựng nhà cửa và sự đảo chiều trong hoạt động xuất khẩu sẽ giúp kinh tế tiếp tục tăng trưởng cho dù có sự sụt giảm mạnh, có thể giảm đến 50%, trong hoạt động đầu tư. “Cần có thêm nhiều giải pháp chính sách để tái cân bằng tăng trưởng của Trung Quốc. Cải cách cơ cấu kinh tế nhằm giải phóng sự cạnh tranh và tăng trưởng của khu vực dịch vụ, khuyến khích sự di cư bền vững và thành công là những giải pháp đặc biệt cần thiết”, báo cáo của WB cho biết. WB cũng hoan nghênh những chính sách gần đây của Trung Quốc tăng đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục và an sinh xã hội, cũng như cải thiện việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. WB cho rằng đó là những bước đi đúng hướng và nếu kiên trì thực hiện, Trung Quốc có thể đạt được sự tăng trưởng ấn tượng là 8%/năm trong suốt 5 năm tới. Nới lỏng tỷ giá hối đoái Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Dominique Strauss-Kahn hôm qua cũng nói rằng, ông dự báo Trung Quốc sẽ xử lý vấn đề đồng tiền “bị định giá quá thấp” nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa. Trung Quốc đã ngăn chặn đà tăng giá của đồng nhân dân tệ kể từ tháng 7-2008, gây ra căng thẳng với các nhà sản xuất Mỹ và nhiều nước khác. Trong ba năm trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã để cho đồng tiền của mình được tăng 21% so với đô la Mỹ. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Bloomberg ở Washington hôm qua, ông Strauss-Kahn nói rằng tỷ giá hối đoái của Trung Quốc cần được tăng lên ”trong những năm sắp tới, và tôi nghĩ tiến trình này đang xảy ra theo hướng ấy”. Theo ông Tổng giám đốc IMF, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khởi động quá trình tái cân bằng nền kinh tế thế giới khi người dân Mỹ tiết kiệm nhiều hơn và Trung Quốc tiến về mô hình tăng trưởng “dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa”. Tuy vậy theo WB xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng sẽ giành lại vai trò đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nước này trong năm tới. Đóng góp của xuất khẩu Theo WB, xuất khẩu sẽ góp thêm 0,4% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2010 sau khi bị sụt giảm 3,4% trong năm nay. Đóng góp của tiêu dùng nội địa sẽ giảm xuống 8,2% từ mức 11,9% hiện nay. “Xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng hồi phục, được nâng đỡ bởi tính cạnh tranh căn bản rất mạnh và sự phá giá về danh nghĩa gần đây của tỷ giá hối đoái”, báo cáo của WB nhận định. Nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc đã thúc đẩy nhập khẩu trong năm nay, thu hẹp khoản thặng dư tài khoản vãng lai. Khoản thặng dư này sẽ giảm xuống mức 5,5% GDP trong năm nay, 4,1% trong năm tới sau khi đạt 9,8% trong năm ngoái. Trong năm tới, việc đầu tư vào sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ bị áp lực nặng nề vì sản xuất đã dư thừa cả ở Trung Quốc và nước ngoài. Năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu ở quy mô lớn đã giúp che đậy “áp lực lạm phát tiềm tàng” ở Trung Quốc, báo cáo của WB cho biết. Sự tăng giá gần đây của các mặt hàng thực phẩm như thịt heo và ngũ cốc không có khả năng dẫn tới lạm phát kéo dài. Lượng cung tiền M2 – thước đo dòng chảy tiền mặt ra thị trường - có thể sẽ giảm xuống mức 17% trong năm 2010 sau khi tăng đến 27% trong năm nay. Trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc đã đưa ra các khoản vay mới trị giá 1.270 tỉ đô la Mỹ, là mức chưa từng có trước đây.