Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tín dụng

Theo Hải Châu/thoibaokinhdoanh.vn

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ của một số ngân hàng thương mại tại PBOC đi 50 điểm cơ bản, giúp thanh khoản hệ thống được bơm thêm 108 tỷ USD nhằm hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ.

 Giá trị đồng NDT cũng rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD. Nguồn: Internet
Giá trị đồng NDT cũng rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD. Nguồn: Internet

Quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ ba trong năm 2018 đã được dự đoán từ lâu, do lo ngại về tính thanh khoản yếu của thị trường và nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm do xung đột thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, con số 700 tỷ NDT, tương đương 107,65 tỷ USD thanh khoản tăng lên nhờ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lại vượt xa tin đồn ban đầu (400 tỷ NDT). Lần gần đây nhất, tháng Tư vừa qua, PBOC cũng chỉ giải phóng có 400 tỷ NDT.

Vượt xa tin đồn

Động thái mạnh tay lần này cho thấy Trung Quốc quyết tâm thực hiện tuyên bố trước đó về việc triển khai các công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, để tăng lưu lượng dòng tín dụng cho khối doanh nghiệp nhỏ và duy trì tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ hợp lý.

Tỷ lệ dự trữ hiện nay áp dụng đối với các ngân hàng lớn của Trung Quốc là 16%, còn các ngân hàng nhỏ là 14%. Chính sách mới sẽ có hiệu lực vào ngày 5/7 và được kỳ vọng mang lại những thay đổi đáng kể.

Đầu tiên là tác dụng giải phóng khoảng 500 tỷ NDT (77 tỷ USD ngân hàng được khuyến khích sử dụng số tiền này vào những giao dịch hoán đổi nợ thành vốn góp - một hoạt động mà chính phủ Trung Quốc khuyến khích từ cuối năm 2016 nhằm chia sẻ áp lực cho những công ty gặp khó khăn trong khâu trả nợ.

Thậm chí, các ngân hàng quốc doanh hàng đầu còn ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp nhà nước để giúp họ giảm bớt gánh nặng nợ, có thêm thời gian xoay xở và từng bước cải thiện điểm tín dụng.

Mặt khác, việc cắt giảm dự trữ bắt buộc lần này cũng giúp các ngân hàng vừa và nhỏ có thêm khoảng 200 tỷ NDT để thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp nhỏ đã và đang bị hạn chế tiếp cận các nguồn tín dụng.

Giới phân tích nhận định chính sách mới của PBOC sẽ có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ nền kinh tế và ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhỏ vỡ nợ và khó khăn khi đi vay vốn ngân hàng.

Không loại trừ khả năng vào những tháng còn lại của năm 2018, Trung Quốc sẽ tiếp tục có một số lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác, khi chi phí vay tăng lên do chính quyền thắt chặt các đòn bẩy tài chính và quan hệ thương mại Trung - Mỹ còn nhiều bất ổn.

Khó khăn từ trong ra ngoài

Quyết định của PBOC diễn ra sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc có một tuần tồi tệ nhất kể từ đầu tháng 2. Giá trị đồng NDT cũng rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn 5 tháng qua, mặc dù vẫn ổn định so với đồng tiền của các đối tác thương mại khác.

Triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn bị đặt dấu hỏi, khi mà tăng trưởng trong tháng 5 thấp hơn dự kiến, trong khi các biện pháp thắt chặt kiểm soát tài chính khiến chi phí đi vay thêm phần đắt đỏ và cản trở các nguồn tài trợ thay thế giá rẻ, dẫn tới việc doanh nghiệp càng khó hoàn thành nghĩa vụ nợ.

Lãi suất cho vay bình quân gia quyền cho các định chế phi tài chính, một chỉ số quan trọng phản ánh chi phí cho vay doanh nghiệp, đã tăng 22 điểm cơ bản chỉ trong quý đầu tiên, lên 5,96%. Cả năm 2017, chỉ số này tăng có 47 điểm cơ bản.

Trung Quốc đang tự đặt ra cho mình mục tiêu phải giám sát và cải cách mạnh mẽ mà vẫn bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, trong khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục đi đúng hướng.

Tăng trưởng kinh tế của nước này được cho là sẽ giảm xuống 6,5% trong năm nay từ mức 6,9% trong năm 2017 do chi phí vay tăng cao, khống chế hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm và cắt giảm chi tiêu của chính quyền địa phương để kiểm soát tốt nợ công.